Sau khi đưa cậu con trai Xiaohai đến Bệnh viện Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) khám bệnh, cả gia đình 3 người trở về quê chờ kết quả. Trên đường về họ ghé vào một nhà nghỉ để nghỉ ngơi, không ngờ thảm kịch đã xảy ra vào chính lúc này.
Người lớn thường cảm thấy trẻ nhỏ nếu mũm mĩm sẽ rất dễ thương, chính vì vậy bố mẹ thường cố gắng bồi bổ cho con rất nhiều vì cho rằng như vậy mới giúp con khỏe mạnh. Thế nhưng chính vì điều này mà người lớn đã vô tình đẩy tính mạng của trẻ đến mức nguy hiểm.
Cậu bé Xiaohai ở Giang Tây, Trung Quốc mới hơn 4 tuổi nhưng kích thước vòng eo đã lên đến 95 cm – ngang với người lớn. Bố mẹ cậu bé cũng nhận ra vóc dáng của con có thể gây ảnh hưởng sức khỏe nên đã đưa tới Bệnh viện Đại học Chiết Giang.
Khi tới viện, các bác sĩ nhận thấy cậu bé Xiaohai có một loạt bệnh do béo phì như mỡ máu cao, huyết áp cao, gan nhiễm mỡ,… đều là những bệnh của người lớn. Ngoài ra cậu bé còn mắc phải hội chứng ngưng thở khi ngủ rất nguy hiểm.
Vì đợi kết quả kiểm tra từng phần phải mất vài ngày nên gia đình đã đưa Xiaohai về quê chờ ít hôm. Không ngờ thảm kịch đã xảy ra ngay trên đường về. Trên đường về, cả gia đình ghé vào một nhà nghỉ nghỉ ngơi.
Khoảng 3 giờ sáng, cha của Xiaohai bất ngờ tỉnh ngủ giữa đêm, anh thấy không gian rất yên lặng, không nghe thấy tiếng ngáy của con trai như thường lệ. Ngay lập tức, anh ngồi dậy và sang giường bên cạnh kiểm tra thì phát hiện con đã ngưng thở. Xiaohai đã tử vong trong khi ngủ và không bao giờ tình lại. Bác sĩ sau đó đã kiểm tra và giải thích nguyên nhân khiến cậu bé 4 tuổi mất mạng là do béo phì dẫn tới bệnh ngưng thở khi ngủ.
Một đứa trẻ 4 tuổi vốn không thể nhận thức được việc ăn uống của bản thân cũng như cân nặng. Trẻ nhỏ bị béo phì phần lớn đến từ thói quen chăm sóc, tẩm bổ con quá nhiều của người lớn. Ông bà, cha mẹ luôn nghĩ rằng trẻ nhỏ càng phải ăn nhiều mới mau lớn và khỏe mạnh nên tích cực nhồi nhét con ăn mà không quan tâm trẻ cần những gì. Chính vì lượng calo quá nhiều nhưng lại ít cho trẻ vận động nên đã dẫn tới tình trạng béo phì.
Béo phì không chỉ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em. Nó có thể gây ra các bệnh khác trong cơ thể.
1. Rối loạn lipid máu
Rối loạn lipid máu là một yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, gan nhiễm mỡ.
2. Mắc bệnh về đường hô hấp
Sự tích tụ mỡ ở thành ngực của trẻ béo phì ảnh hưởng đến việc hít thở, giảm chức năng thông khí của phổi trong khi thở, giảm sức đề kháng của đường hô hấp và dễ bị các bệnh đường hô hấp.
3. Giảm IQ
Béo phì quá mức làm cho chỉ số IQ của trẻ em sụt giảm hơn và ảnh hưởng đến khả năng học hỏi, giao tiếp. Xu hướng tự ti và tự kỷ theo thời gian do béo phì cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển sức khỏe tâm thần của trẻ em.
4. Bệnh tiểu đường, tim mạch
Chất béo ở trẻ béo phì có xu hướng tích lũy trong các cơ quan nội tạng, gây ra các bệnh chuyển hóa như bệnh tiểu đường loại 2 và bệnh tim mạch .
5. Chứng ngưng thở khi ngủ
Do chu vi cổ tăng lên do béo phì, đường hô hấp trên bị thu hẹp khiến đường hô hấp bị tắc, vì vậy trẻ bị béo phì có nhiều khả năng bị ngưng thở khi ngủ.
Làm thế nào để trẻ không bị béo phì
Điều cần thiết là phải điều chỉnh chế độ ăn hợp lý. Nguyên tắc chính để điều trị thừa cân béo phì ở trẻ em là điều chỉnh chế độ ăn kết hợp với hoạt động thể lực. Nên hạn chế các loại bánh kẹo, đường, mật, sữa đặc có đường, sữa béo nhưng có thể uống sữa gầy (sữa bột tách bơ).
Khi chế biến thức ăn nên làm các món hấp, luộc, hạn chế món quay, xào, rán. Ăn nhiều rau xanh, hoa quả ít ngọt. Cần có chế độ ăn điều độ, không ăn quá no, không được bỏ bữa, không để trẻ quá đói, ăn nhiều vào buổi sáng, không nên ăn vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đồng thời, cha mẹ cần khuyến khích trẻ tham gia các môn thể dục thể thao như chạy, bơi, nhảy dây, đi bộ... hạn chế xem tivi, chơi điện tử. Cần lưu ý, thường xuyên theo dõi cân nặng, chiều cao, khẩu phần ăn hàng ngày của trẻ và thời gian hoạt động của trẻ.