Một trong những sai lầm khi cứu người bị đuối nước đó là dốc ngược lên, điều này thậm chí còn có thể gây tử vong nhanh hơn.
Mới đây vụ việc đứa trẻ 5 tuổi bị đuối nước khi được mẹ đưa đăng ký đi học bơi khiến nhiều người phải cảnh giác. Mùa hè là thời điểm phụ huynh đưa con đi biển hay đến các bể bơi để tắm cho mát mẻ. Cũng chính vì vậy rất dễ xảy ra các trường hợp đuối nước.
Nhưng điều đáng tiếc hơn là có rất nhiều người không biết cách sơ cứu chính xác. Vì thế đã có không ít trường hợp bỏ lỡ mất thời gian sơ cứu tốt nhất và để xảy ra những sai lầm đáng buồn.
Theo tờ Hàng Châu Nhật báo đưa tin ngày 27/5 tại một công viên nước ở Hàng Châu (TQ), một cậu bé 8 tuổi đã tò mò đi đến bể bơi người lớn với độ sâu 1,6m. Trong lúc nghịch ngợm quanh bể bơi, cậu bé đã vô tình ngã xuống và bị đuối nước.
Ngay lập tức một người đàn ông đã lao tới để cứu cậu bé. Tuy nhiên điều kỳ lạ là người đàn ông này đã đặt cậu bé dốc ngược đầu xuống và vác trên lưng chạy đi tìm trợ giúp y tế. Nhưng cuối cùng, cậu bé vẫn tử vong.
Nguyên nhân chi tiết gây ra cái chết của cậu bé 8 tuổi hiện chưa được công bố. Nhưng trong đoạn video ghi lại cảnh người đàn ông cố gắng cứu đứa trẻ đã cho thấy phương pháp sơ cứu hoàn toàn sai.
Dốc ngược người để sơ cứu đuối nước - sai lầm có thể gây chết người
Theo bác sĩ Thường Vũ Phi tại Bệnh viện Ditan Bắc Kinh, một người bị đuối nước, nếu nước tràn vào dạ dày qua thực quản sẽ không gây nguy hiểm quá lớn nhưng nếu nước tràn vào đường thở, trong thời gian rất ngắn người này sẽ bị ngạt hô hấp và khiến tim ngừng đập.
Cách sơ cứu bằng việc lộn ngược người xuống để nước thoát ra hoàn toàn không đúng, nó thậm chí còn làm mất đi cơ hội sống của nạn nhân. Vì điều quan trọng và cần thiết nhất khi sơ cứu nạn nhân đuối nước chính là thực hiện hồi sức tim phổi ngay lập tức.
Bước 1: Cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân lên bờ ra chỗ thoáng khí và giữ ấm.
Bước 2: Nếu nạn nhân bất tỉnh, quan sát lồng ngực có sự di động hay không để biết nạn nhân còn thở.
Nếu nạn nhân có dấu hiệu ngừng thở, không thấy lồng ngực chuyển động thì nhanh chóng thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ và nghiêng mình sang bên trái. Lấy khăn sạch hay gạc lau dãi, chất thải hay dị vật ở miệng và mũi. Tiếp đến, tiến hành hà hơi thổi ngạt cho nạn nhân. Sau 5 lần hô hấp nhân tạo khi bắt mạch mà tim vẫn ngừng đập thì bước tiếp theo là phải ép tim ngoài lồng ngực.
Bước 3: Ép tim ngoài lồng ngực (ép ở 1/2 dưới xương ức bên trái) theo công thức 15:2 (nghĩa là ép tim 15 cái thì thổi ngạt 2 cái) nếu có 2 người thực hiện, hoặc 30/2 nếu có một người. Kiên trì thực hiện cho đến khi mạch đập và nạn nhân thở trở lại.
Bước 4: Khi nạn nhân tỉnh lại sẽ nôn ra nhiều nước nên cần đặt họ ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo tránh bị ngạt thở.
Bước 5: Khi người bị đuối nước đã tỉnh lại cần mau chóng đưa tới cơ sở y tế để kiểm tra kỹ lưỡng. Chú ý giữ ấm, lau khô người và thay quần áo cho nạn nhân.
Đề phòng đuối nước mùa hè
Với người lớn
- Không nên bởi ở vùng nước mà không biết nông hay sâu, có lối thoát khi gặp nguy hiểm hay không.
- Nên mang theo phao khi đi bơi và đi tàu thuyền.
- Không ăn no, không uống rượu trước khi xuống nước.
- Chỉ đi bơi ở các hồ bơi an toàn và có nhân viên cứu hộ giám sát.
Với trẻ nhỏ
- Không cho trẻ tự bơi một mình mà không có sự giám sát của người lớn;
- Mặc áo phao hoặc dùng phao bơi cho trẻ nhỏ, người lớn nếu cần thiết cũng nên mặc áo phao khi bơi ở các vùng nước ha
- Tập thể dục trước khi xuống nước tránh chuột rút;
- Không ăn trong khi bơi;
- Học bơi và cách sơ cứu người bị đuối nước.