Lá của loại cây này dùng để nấu chè, gói bánh, tạo mùi thơm và màu sắc cho cho món ăn thêm phần hấp dẫn, có nhiều tác dụng tốt đối với sức khỏe.
Cây lá dứa còn có tên gọi khác là cây lá nếp thuộc họ cây dứa dại. Đây là cây thân thảo, lá dài từ 30-51 cm, dài nhọn như lưỡi gươm, cả 2 mép lá đều không có gai, có thể có lông tơ mịn trên lá, mọc thành chùm, phát triển mạnh ở vùng nhiệt đới.
Nhiều người nhầm lẫn giữa lá dứa (lá nếp) với lá dứa từ cây dứa ăn quả. Thực tế đây là 2 giống cây khác nhau. Cây dứa để thu hoạch quả có lá dày, cứng, có nhiều răng cưa ở mép lá, 2 mặt đều sẫm màu, lá thường có kích thước to hơn. Trong khi đó, lá dứa (lá nếp) không có răng cưa, lá mỏng và mềm, nhỏ dài, 2 mặt có màu xanh lục, khi vò lá có mùi thơm dễ chịu.
Loại cây này phân bố chủ yếu ở Malaysia, Indonesia, Philippines. Ở Việt Nam, trước đây cây lá dứa mọc dại khắp bờ bụi ở cả 3 miền. Những năm gần đây được nhiều hộ dân mở rộng mô hình trồng để bán ra thị trường.
Cây lá dứa vốn là cây mọc dại bờ bụi
Lá dứa được dùng như một loại rau gia vị, hoặc để tạo hương thơm dịu nhẹ và màu sắc đẹp mắt cho món chè, bánh. Nhiều người còn hãm cùng nước trà để uống.
"Mình nhớ trước đây cây lá dứa mọc tua tủa ở bờ bụi, chúng không có gai như lá dứa cho thu hoạch quả. Cây lá dứa cho thu hoạch quanh năm, người ta thường chọn lá bánh tẻ, dày và có màu xanh sẫm.
Nếu dùng để gói bánh, lá dứa sẽ được xay nhuyễn hoặc giã nát lá tươi để vắt nước cốt, sau đó trộn với gạo nếp rồi gói bánh. Làm theo cách này, khi chín bánh sẽ có màu xanh rất đẹp cùng với hương thơm dịu nhẹ khiến người dùng khá thích thú khi thưởng thức. Ở quê mình, các hàng quán ăn vặt còn hay dùng lá dứa để tạo màu cho nước siro hoặc làm kem sâm dứa", chị Hoài (ở An Giang) nhớ lại.
Lá dứa có quanh năm, mùi thơm rất riêng
Trên thị trường những năm gần đây, lá dứa được bán nhiều ở Hà Nội và TP.HCM. Không chỉ lá tươi, lá nếp còn được làm thành dạng bột để việc chế biến món ăn được tiện lợi hơn, mất ít thời gian hơn. Lá dứa tươi có giá vài chục nghìn đồng/kg, trong khi bột lá dứa giá lên tới 300.000 đồng/kg.
Người ta dùng lá dứa để tạo hương vị và màu sắc cho nhiều món ăn
Chị Hoài nói thêm: "Lá tươi thì thơm và đậm vị hơn nhưng không phải lúc nào cũng dễ dàng mua được ở thành phố và cũng không bảo quản được lâu. Vì thế, mình thường mua dạng bột, dự trữ trong tủ lạnh, thỉnh thoảng mang ra làm bánh hoặc tạo màu cho một số món ăn, vừa nhanh vừa tiện, mùi thơm hấp dẫn".
Trong 100 gram bột lá dứa có chứa:
- Beta carotene: Lá dứa rất giàu beta carotene, tiền thân của vitamin A. Chỉ 100 gram bột lá dứa đã có thể chứa tới 43-80% giá trị hàng ngày. Những giống cây lá dứa có quả màu vàng hoặc cam đậm thường có thành phần beta carotene cao hơn.
- Vitamin A: Đây là loại vitamin rất quan trọng đối với sức khỏe của mắt cũng như hệ thống miễn dịch.
- Sắt: Lá dứa cũng có hàm lượng sắt cao hơn hẳn các loại rau quả khác. Sắt giúp ngăn ngừa các tình trạng như thiếu máu, hỗ trợ lưu thông máu và oxy.
- Chất xơ: Lá dứa có hàm lượng calo thấp và hàm lượng chất xơ khá cao, giúp duy trì sức khỏe đường ruột, củng cố hệ tiêu hóa, ngoài ra còn có tác dụng hỗ trợ giảm cân.
Không chỉ là một nguyên liệu cần thiết trong ẩm thực mà lá dừa còn được dùng như một bài thuốc an toàn, có nhiều tác dụng đối với sức khỏe. Lá dứa có thể dùng khô hoặc dùng tươi. Nếu dùng tươi sẽ rửa sạch chế biến trực tiếp. Nếu dùng khô sẽ rửa sạch, phơi nắng cho khô, bảo quản ở nơi sạch sẽ, thoáng mát, khô ráo.
Các tác dụng nổi trội của lá dứa:
Giảm huyết áp cao
Lợi ích sức khỏe đầu tiên của lá dứa phải kể tới là điều trị huyết áp cao. Một số nghiên cứu cho thấy uống trà lá dứa 2 lần một ngày có thể làm giảm huyết áp và ngăn ngừa các bệnh tim khác như bệnh mạch vành.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Lá dứa có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu, tốt cho người bị bệnh tiểu đường. Một nghiên cứu trên 30 người khỏe mạnh cho thấy người uống trà lá dứa có lượng đường trong máu tốt hơn so với những người không uống.
Lá dứa có nhiều tác dụng với sức khỏe
Loại bỏ vết lang ben
Lá dứa có chứa chất chống vi khuẩn và chống nấm nên điều trị tốt các bệnh do nấm và vi khuẩn gây ra như lang ben. Bạn có thể pha một ít nước ép của lá dứa với nước muối và uống một cốc mỗi ngày. Duy trì tối thiểu 3 ngày để có hiệu quả tốt nhất.
Cải thiện bệnh liên quan đến khớp
Các bệnh liên quan đến khớp không chỉ ảnh hưởng đến người già mà còn tác động đến cả những người trẻ tuổi. Để cải thiện tình trạng này, hãy lấy 3 lá dứa cắt nhỏ rồi trộn với dầu dừa đã đun nóng. Sau khi nguội, dùng hỗn hợp này làm thuốc bôi lên phần khớp bị đau, sưng hoặc viêm.
An thần, giảm căng thẳng
Mùi thơm tự nhiên của lá dứa có tác dụng thư giãn tinh thần, xoa dịu cảm xúc và giảm căng thẳng. Các hợp chất thơm trong lá dứa có thể kích thích não bộ sản xuất các hormone hạnh phúc như serotonin và dopamine, giúp cải thiện tâm trạng và giảm cảm giác lo âu.
Lá dừa hầu như không để lại tác dụng phụ nào nhưng sử dụng quá nhiều có thể gây tiêu chảy. Do đó, những người bị tiêu chảy hoặc các bệnh về đường ruột không nên sử dụng quá nhiều lá dứa hoặc thực phẩm có thành phần lá dứa.