Lá mùi già không chỉ tốt cho sức khỏe khi đun làm nước tắm, nếu biết sử dụng thì đây là bài thuốc rất hữu hiệu trong ngày Tết.
Vào ngày cuối cùng của năm cũ, nhiều người lại chuẩn bị cho mình một nồi nước lá mùi già để tắm. Không biết từ bao giờ, đây đã thành tục lệ và là nét văn hóa của người Việt. Thậm chí, có không ít câu chuyện được truyền miệng xung quanh phong tục tắm lá mùi ngày cuối năm. Xét về mặt khoa học thì đây là việc làm tốt, có lợi cho sức khỏe.
Rau mùi già không chỉ để tắm mà còn có nhiều công dụng
Lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y quận Ba Đình - Hà Nội) cho biết, không chỉ ngày cuối năm mà bất kể thời điểm nào trong năm tắm lá mùi cũng rất tốt cho cơ thể.
Lương y Hồng Minh cho biết, trong đông y rau mùi có vị cay, tính ôn, mùi thơm ngoài việc dùng làm rau gia vị, tất cả các bộ phận của cây mùi đều có thể làm được vị thuốc.
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, rau mùi không chỉ là rau gia vị, mà còn là vị thuốc trong đông y.
Ví dụ, rau mùi non xay nước uống giúp giảm đau đầu, giảm sổ mũi, nghẹt mũi, tăng cường thể trạng cho cơ thể chống lại bệnh truyền nhiễm cơ hội. Hạt mùi trộn với mật ong ăn giúp chữa trĩ nội và trĩ ngoại. Rau mùi nấu ăn cùng rau sam ăn cả cái và nước chữa kiết lỵ, đau bụng mót rặn đi ngoài ra máu.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, thành phần chính có trong cây rau mùi là coriandrol (chiếm đến 70%), hàm lượng caroten (tiền vitamin A) trong lá cao gấp 10 lần cà chua, dưa chuột, canxi, sắt cũng cao hơn những loại rau khác.
Chia sẻ về lý do nhiều người tắm lá mùi già vào ngày cuối năm, vị lương y này cho rằng chính hương thơm và tinh dầu của rau mùi (có nhiều ở mùi già) có tác dụng giảm mệt mỏi, lưu thông khí huyết, giải toả căng thẳng thần kinh, phục hồi sức khỏe,… nên nhiều người dùng để tắm trong ngày cuối năm.
"Từ xa xưa, dân gian đã dùng nước cây mùi già xông, tắm để giải đi những nhiệt độc trong cơ thể, trừ tà khí, khu phong", lương y Bùi Hồng Minh cho hay.
Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, rau mùi còn giúp làm giảm đau trong chứng phong thấp, thấp khớp, cơn co rút cơ và cũng được dùng chữa trị cảm. Ngoài ra, rau mùi còn có tác dụng giúp cơ thể loại bỏ những chất độc.
Tinh dầu rau mùi chứa chất chống oxy hóa, có tác dụng giảm viêm trong trường hợp nhiễm siêu vi và vi trùng đường hô hấp, tiêu hóa, viêm đường tiểu.
Những lưu ý khi tắm nước mùi già
Dù lành tính nhưng khi tắm lá mùi già cần phải chú ý một số điều.
- Không nên tắm nước lá mùi quá đặc và có thể pha loãng chúng ra bằng cách hòa thêm nước nóng lạnh để tắm được thoải mái hơn.
- Trước khi sử dụng lá mùi tắm, chúng ta cần rửa sạch lá đun sôi để tránh nhiễm khuẩn.
- Việc sử dụng hạt hoặc lá mùi để tắm cho trẻ bị sởi cần hết sức lưu ý vì một số trẻ cơ địa nhạy cảm, việc làm này vô tình sẽ khiến trẻ mắc thêm bệnh dị ứng.
- Không tắm khi vừa ăn no vì làm mạch máu căng lên, dễ dẫn đến thiếu máu ở khoang bụng, ở tim, dẫn đến tiêu hóa kém, chóng mặt, tim đập nhanh.
- Những người đang mắc bệnh liên quan đến da như viêm da cơ địa, da trầy xước, bong tróc da, nhiễm trùng da… không nên tắm các loại nước lá nói chung và lá mùi nói riêng.
Toàn thân rau mùi đều có tác dụng làm thuốc trong đông y.
Những bài thuốc hay từ rau mùi
Ngoài các tác dụng tốt cho cơ thể khi đun nước tắm, lương y Bùi Hồng Minh còn chỉ ra một số bài thuốc hỗ trợ điều trị một số bệnh.
- Dùng nước cây mùi uống sẽ giúp cho thức ăn được tiêu hóa dễ dàng hơn và thông khí bụng dưới khi có hơi ứ. Đặc biệt, ngày tết ăn nhiều thức ăn, khiến hệ tiêu hóa không làm việc kịp dễ gây ra tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
- Nước cây mùi còn có tác dụng lợi đại tiểu trường, trong những trường hợp táo bón dùng nước mùi già nấu uống sẽ hỗ trợ tiêu hóa. Nếu trong những ngày Tết không may ăn đồ bị đau bụng, buồn nôn dung cây mùi nấu với vỏ quýt uống sẽ giảm được triệu chứng.
- Cây mùi nấu nước để nguội uống có tác dụng tiêu thức ăn, kích thích ăn ngon miệng, chữa chứng cổ độc, chứng trúng thực do ăn thịt (ngộ độc), chứng thổ huyết, hạ huyết, trẻ em lở đầu, rụng tóc.