Tiêm filler đang là trào lưu làm đẹp được nhiều phụ nữ ưa chuộng, tuy nhiên việc lựa chọn nơi thực hiện và kỹ thuật, chất lượng filler không đảm bảo khiến không ít chị em “ôm hận”.
Lõm má, hỏng ngực, mù mắt sau khi làm đẹp
TS.BS Phạm Thị Việt Dung - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, các bác sĩ tại khoa vừa tiếp nhận một nữ bệnh nhân 24 tuổi, vào viện trong tình trạng vùng má phải sưng nề tấy đỏ kèm theo sốt.
Kết quả siêu âm cho thấy có hình ảnh ổ áp xe, da bề mặt ổ áp xe căng bóng sắp vỡ. Qua khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết, trước đó 3 năm có tiêm filler vào vùng mặt (má và cằm) tại một cơ sở chăm sóc da (Spa).
ThS.BS. Vũ Hồng Chiến - người trực tiếp khám lâm sàng cho bệnh nhân chẩn đoán đây là tình trạng nhiễm trùng muộn vùng mặt sau tiêm chất làm đầy. Nếu không được xử trí kịp thời, ổ áp xe có thể lan rộng, viêm tấy lan tỏa phần mềm, hoặc vỡ ra, để lại sẹo xấu, sẹo lõm cho người bệnh.
Bên cạnh đó, những nhiễm trùng vùng mặt nếu không được xử lý đúng cách, vi khuẩn có thể theo đường máu vào các tĩnh mạch trong sọ, hoặc gây nhiễm trùng máu.
Theo BS Chiến, với trường hợp bệnh nhân này, các bác sĩ đã chủ động chích rạch khối áp xe vùng má để loại bỏ tổ chức mủ dưới da. “Di chứng để lại ít nhất là một vết sẹo lõm vùng má. Điều đáng lo lắng nữa là bệnh nhân từng bị áp xe chỗ tiêm vùng má trái cách đây 2 năm. Do đó, những vùng tiêm khác có thể tiếp tục viêm tấy và tái nhiễm trùng”, BS Chiến cho hay.
BS Chiến chia sẻ, đây không phải là lần đầu tiên bác sĩ gặp bệnh nhân bị biến chứng sau tiêm filler ở cơ sở tư nhân. “Chúng tôi từng tiếp nhận một cô gái trẻ sau tiêm filler bị mù cả 2 mắt do tắc mạch. Trường hợp này tổn thương diễn biến rất nhanh và không hồi phục. Thực sự đáng tiếc cho một cô gái trẻ vì muốn mình đẹp hơn cuối cùng lại mất đi thị lực vĩnh viễn.
Một trường hợp éo le khác mà chúng tôi gặp, là một phụ nữ có gia đình muốn sở hữu bộ ngực đẹp hơn nên đã lựa chọn tiêm filler vào ngực. Kết quả do tiêm những chất không rõ nguồn gốc vào ngực dẫn tới nhiễm trùng tái đi tái lại ở vùng này, nhiễm trùng máu dẫn đến phải cắt bỏ toàn bộ tuyến vú”, BS Chiến kể lại.
Hãy cân nhắc trước khi làm đẹp để tránh “tiền mất, tật mang”
BS Chiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến biến chứng khi làm đẹp thường do thực hiện các thủ thuật này ở các cơ sở không phép. Điều đáng nói người thực hiện không phải là bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, không được đào tạo về tạo hình - thẩm mỹ hoặc da liễu, không được đào tạo một cách bài bản về filler, không được học về các biến chứng của tiêm filler cũng như cách phòng tránh các biến chứng đó. Do vậy nhiều bệnh nhân sau khi tiêm filler đã gặp những hậu quả rất đáng tiếc.
BS Chiến cảnh báo việc nhiều người tiêm filler ở cơ sở thẩm mỹ không đảm bảo dễ để lại biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa.
Theo BS Chiến, tiêm filler là một thủ thuật ngoại khoa. Vì vậy, nó có chỉ định, chống chỉ định và có những nguy cơ biến chứng nhất định. Biến chứng do tiêm filler có thể chia làm 2 nhóm chính: biến chứng liên quan đến kỹ thuật tiêm hoặc biến chứng do sử dụng các chất làm đầy không được cấp phép.
Với biến chứng do kỹ thuật tiêm nặng nề nhất có thể gặp phải là tiêm vào mạch máu. Tổ chức filler có thể theo mạch máu gây tắc mạch, tắc mạch não gây nhồi máu não, tắc mạch võng mạc gây mù, tắc mạch máu ở da gây hoại tử da…
Kỹ thuật tiêm không đảm bảo vô khuẩn dẫn đến nhiễm trùng tại chỗ ở vùng tiêm. Những nhiễm trùng này thường lan tỏa theo các đường chọc kim trong quá trình tiêm.
Với nhóm thứ hai, biến chứng do tiêm các chất không được cấp phép. Những chất như silicon lỏng và các chất làm đầy không rõ nguồn gốc, không được xử lý tốt có thể ngấm vào mô, gây viêm tấy, kích ứng, nhiễm khuẩn, tạo viêm, xơ, loét... Tình trạng này có thể xuất hiện sớm hoặc muộn tùy từng bệnh nhân.
Do vậy, khi có nhu cầu làm đẹp, BS Chiến khuyến cáo, chị em nên tìm hiểu kỹ lưỡng cơ sở mình dự định thực hiện, tốt nhất nên chọn các cơ sở uy tín tại bệnh viện vừa đảm bảo an toàn tránh biến chứng, vừa có thể xử lý kịp thời trong trường hợp xấu có thể xảy ra.
Filler là tên gọi của chất làm đầy, chứa Hyaluronic Acid. Khi tiêm filler vào cơ thể sẽ giúp làn da căng mịn hơn. Ngoài ra, người ta còn tiêm filler để tạo hình một số điểm trên gương mặt (mà không cần phẫu thuật) như tiêm filler mũi, tiêm filler má, tiêm filler môi. Khác với botox là gây ức chế quá trình hình thành nếp nhăn, filler giúp làm đầy các rãnh, tạo khối mô dày bên dưới nếp nhăn để giúp gương mặt trở nên căng mịn hơn. Để có thể hành nghề, làm dịch vụ tiêm filler làm đẹp, người thực hiện phải có bằng cấp, chứng chỉ bác sĩ thẩm mỹ, da liễu. Tức là, người tiêm filler chính là bác sĩ chuyên khoa thẩm mỹ, đã được đào tạo chuyên môn và thực hành đầy đủ về các kiến thức y khoa, da liễu và tiểu phẫu... |