Bệnh này có thể khiến bệnh nhân bị co cứng cơ, cứng hàm, cứng người, từ đó có các cơn co giật...
Cách đây 3 tuần, em Điểu Thị Ng (16 tuổi, ở Bình Phước) trên đường đi học về không may ngã xe, mu bàn chân trái bị vết thương hở, chảy máu. Thấy vết thương không đến mức nguy hiểm, gia đình chỉ sơ cứu rồi chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên vết thương không liền da mà có biểu hiện làm mủ, sưng tấy. Không ngờ 5 ngày sau, em bị co cứng tay chân, miệng cũng cứng... khi đến bệnh viện, bác sĩ nói em bị uốn ván rồi chuyển thẳng lên TPHCM, ở khoa Cấp cứu Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Vết thương nhỏ có thể gây ra bệnh uốn ván.
Bệnh nhân Ng nhập viện trong tình trạng liên tục lên cơn gồng giật, co cứng chân tay, tím tái. Xác định bệnh nhân bị nhiễm uốn ván thể nặng, các bác sĩ đã điều trị tích cực nhưng bệnh nhân không đáp ứng với thuốc an thần, hiện đang phải thở máy, dùng thuốc giãn cơ, điều trị kháng sinh mạnh.
Các bác sĩ chuyên ngành bệnh nhiệt đới cho biết, uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh – cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật.
Thời kỳ ủ bệnh khoảng 4 – 21 ngày. Tử vong do suy hô hấp, rối loạn thần kinh thực vật và ngừng tim.
Nguyên nhân của nhiễm uốn ván có thể từ những lý do, vết thương rất nhỏ, không ngờ tới. Con đường khiến cơ thể bị nhiễm khuẩn là do bị trầy xát và viết thương tiếp xúc trực tiếp với trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani có trong đất, cát bụi, phân trâu bò ngựa và gia cầm, cống rãnh, dụng cụ phẫu thuật không tiệt trùng kỹ …, xâm nhập vào các vết thương, vết xây xước phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván.
Nhiều người nghĩ, chỉ đạp đinh hay vật sắc nhọn bị gỉ sét thì mới bị uốn ván. Tuy nhiên, thực tế điều trị cho thấy, bất kỳ vật gì gây trầy xước cơ thể đều có thể khiến vi trùng uốn ván tấn công gây bệnh. Có những bệnh nhân chỉ vì bị trầy xước ở ngón tay đeo nhẫn chật, ngã xe trầy gót chân, hoặc xỉa răng kỹ gây chảy máu ở nướu, ngoáy tai bị chảy máu... cũng bị nhiễm uốn ván.
Cách xử lý vết thương đúng là: khi mới có vết thương (dù là vết thương nhỏ), cần dùng nước sạch rửa ngay hoặc rửa dưới vòi nước để pha loãng vi khuẩn và đẩy chất bẩn ra ngoài.
Nếu vết thương ra máu và dính nhiều bùn, đất, cát, có thể dùng ôxy già để sát khuẩn, đẩy các hạt bụi, cát bẩn ra và cầm máu. Với vết thương hở, không được bôi cồn 90 độ, i-ốt (betadine, povidine) trực tiếp vào vết thương để tránh làm tổn thương mô. Tiếp theo là rửa lại vết thương bằng xà phòng rồi lau khô.
Nếu phát hiện có dị vật nằm trong vết thương, nếu đơn giản thì rửa tay sạch rồi lấy ra; sau đó, có thể băng lại bằng gạc y tế và cần theo dõi, thay băng mỗi ngày. Nếu dị vật to hoặc nằm sâu thì cần đến cơ sở y tế.
Khi có những dấu hiệu như: Đau tăng dần, phù nề, sưng phồng, đỏ vùng da quanh vết thương, có dịch nhầy từ vết thương, vết thương bốc mùi khó chịu, hạch sưng, vết thương lâu lành hoặc không lành... cần đến bệnh viện ngay vì có thể vết thương đã nhiễm trùng. Tuyệt đối không được đắp thuốc rê, thuốc bột…