Dù không có dấu hiệu gì đặc hiệu, gần đây người phụ nữ cảm thấy ngực đau tức nhẹ nên đi khám, không ngờ kết quả cho thấy đã mắc ung thư di căn ở nơi không ngờ tới.
Khoảng 6 tháng nay, bà T.T.B (64 tuổi, ở Hà Nội) cảm thấy người mệt mỏi, nghĩ do thời tiết nên bà không đi khám. Gần đây, bà B thấy đau nhẹ ngực trái, cảm giác cổ như có khối đang lớn dần, nhưng lại không bị nuốt nghẹn, nuốt vướng, vì thế người phụ nữ này vẫn chần chừ việc tới viện khám bệnh.
Khi các con giục nhiều, bà B mới đi khám, kết quả siêu âm tuyến giáp phát hiện khối thùy phải kích thước 3x4cm có dấu hiệu xâm lấn phần mềm lân cận. Nghi ngờ tổn thương ác tính, bác sĩ chỉ định sinh thiết tế bào bằng phương pháp chọc hút kim nhỏ (FNA), kết quả kết luận u tuyến giáp thể nang (nhóm IV).
Bên cạnh đó, kết quả chụp CT hàm mặt của bệnh nhân cho thấy khối u tuyến giáp xâm lấn sụn nhẫn, cơ ức đòn chũm phải. Hình ảnh chụp CT ngực phát hiện hạch bất thường tại trung thất trên và các nốt đặc rải rác nhu mô phổi hai bên.
Qua kết quả trên, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang giai đoạn IV (B), hướng tới xâm lấn phần mềm, di căn hạch trung thất và phổi. Kết quả này khiến bà B vô cùng bất ngờ, vì những dấu hiệu rất mờ nhạt, tưởng như không có gì nhưng kết quả khám lại khẳng định mắc ung thư đã di căn.
Người phụ nữ phát hiện ung thư đã di căn vì chủ quan không đi khám sớm. Ảnh minh họa.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên gia giải phẫu bệnh cho biết, ung thư biểu mô tuyến giáp thể nang ít phổ biến hơn so với ung thư biểu mô tuyến giáp thể nhú (chỉ chiếm 6-10% các loại ung thư ở tuyến giáp), nhưng tính chất ác tính cao hơn, có xu hướng di căn toàn thân và tiên lượng xấu hơn.
Đáng nói, ung thư thể nang có xu hướng lan rộng theo đường máu, với khoảng 10-15% bệnh nhân ung thư nang sẽ biểu hiện bệnh di căn, thường gặp nhất là phổi, sau đó là xương. Khi khối u đã phát triển xâm lấn ra tổ chức lân cận và di căn đến các cơ quan khác, tỷ lệ sống sót sau 10 năm chỉ còn 38% so với 98% nếu ở giai đoạn xâm lấn tối thiểu. Chính vì thế, việc chẩn đoán sớm có vai trò quan trọng đến tiên lượng cũng như điều trị cho người bệnh.
Bác sĩ Hồng Nga thông tin thêm rằng, với bệnh nhân trên sau khi có kết quả thăm khám, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp và điều trị xạ trị.
Căn bệnh phát hiện sớm là điều trị khỏi
Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2022, trên thế giới có khoảng 821.214 ca mới mắc và 47.507 ca tử vong do ung thư tuyến giáp. Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp đứng thứ 6 trong những loại ung thư thường gặp với 6.122 ca mắc mới, 858 ca tử vong mỗi năm.
Theo bác sĩ Nga, mặc dù là bệnh ung thư phổ biến ở nữ giới nhưng đây cũng là một trong số ít những bệnh ung thư có thể chữa khỏi, tỷ lệ tử vong thấp. Ung thư tuyến giáp thường có tiên lượng tốt với khả năng điều trị khỏi bệnh cao nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và can thiệp điều trị kịp thời, đúng phương pháp.
Biểu hiện ban đầu của ung thư tuyến giáp khá mờ nhạt, nên nhiều người chủ quan không đi khám sớm. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, ung thư tuyến giáp vẫn có nguy cơ tái phát trở lại sau khi bệnh nhân đã hoàn thành xong quá trình điều trị, ngay cả khi việc điều trị bệnh kết thúc từ 10 năm, hay 20 năm trước đó.
Bác sĩ Nga cảnh báo, ung thư tuyến giáp giai đoạn sớm thường không có triệu chứng, được phát hiện tình cờ thông qua thăm khám định kỳ. Ở giai đoạn muộn hơn, triệu chứng thường gặp có thể kể đến như:
- Xuất hiện khối u vùng cổ di động theo nhịp nuốt.
- Khàn tiếng, khó thở.
- Nổi hạch cổ.
Khi nhận thấy những bất thường của cơ thể, người dân cần tới cơ sở y tế uy tín để thăm khám ngay. Đồng thời, bác sĩ khuyến cáo, người dân nên thiết lập thói quen khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 năm/lần để phát hiện sớm các bệnh tiềm ần trong cơ thể, từ đó có kế hoạch điều trị kịp thời.
Đối với ung thư tuyến giáp, do triệu chứng lâm sàng thường mờ nhạt, hoặc không có biểu hiện ở giai đoạn sớm nên người dân cần được thực hiện các phương pháp chẩn đoán cận lâm sàng như siêu âm tuyến giáp, xét nghiệm chẩn đoán tế bào học để phát hiện bệnh và có hướng xử trí tiếp theo.