Bé trai được người nhà đưa đến phòng cấp cứu trong tình hôn mê, tím tái, mạch bẹn không bắt được. Sau khi được cấp cứu, bé đã khóc to, da môi hồng và có thể tự thở.
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) cho biết đã tiếp nhận bé trai 2 tuổi ở Đoan Hùng vào cấp cứu trong tình trạng nguy kịch do đuối nước.
Các bác sĩ cho biết, bé được người nhà đưa đến phòng cấp cứu trong tình hôn mê, tím tái, mạch bẹn không bắt được. Các bác sĩ ngay lập tức cấp cứu ngừng tuần hoàn/đuối nước cho bé. Sau khi được cấp cứu, bệnh nhi đã khóc to, da môi hồng và có thể tự thở. Hiện tại, cháu bé qua cơn nguy kịch nhưng tâm lý còn tình trạng hốt hoảng và quấy khóc.
Clip bé trai được người nhà đưa tới viện cấp cứu. Clip: BVCC
Theo người nhà, buổi sáng cháu bé chơi gần nhà và vô tình rơi xuống ao. Gia đình cùng hàng xóm đã kịp thời đưa cháu lên bờ và nhanh chóng đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Bé tiếp tục được thực hiện các cận lâm sàng và theo dõi sát tại phòng cấp cứu bệnh viện.
3 bước cơ bản khi sơ cứu cho người bị đuối nước
Bước 1: Dùng cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm để kéo nạn nhân lên khỏi mặt nước, hoặc ném phao, chèo thuyền để cứu nạn nhân lên. Tuyệt đối không được tự ý nhảy xuống cứu nếu không biết bơi.
Bước 2: Đặt nạn nhân nằm nghiêng sang một bên vào chỗ khô ráo, thoáng khí. Nhớ cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm cho nạn nhân để không bị ngấm lạnh.
Bước 3: Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy kiểm tra xem còn thở không để kịp thời hô hấp nhân tạo và ép tim. Sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.
Sai lầm cần tránh khi sơ cứu đuối nước
Có 3 sai lầm thường thấy khi sơ cứu đuối nước nên tránh:
Khi một người bị đuối nước, họ thường rơi vào trạng thái hoảng loạn ôm chặt tay và chân ở những gì vừa tầm với. Vì vậy nếu bạn không được huấn luyện cấp cứu nạn nhân đuối nước, bạn không nên bơi xuống cứu người, vì bạn có thể trở thành nạn nhân đuối nước nếu bị ghì lấy.
Một trong những tai nạn phổ biến khi sơ cứu người đuối nước là dốc nạn nhân lên và chạy vài vòng. Điều này hoàn toàn không có ích lợi, vì làm mất nhiều thời gian quý giá để cứu sống nạn nhân.
Sai lầm tiếp theo khi cấp cứu là ép vào bụng nạn nhân, gây nôn các dịch trong dạ dày và tăng nguy cơ hít sặc vào phổi.