Rối loạn tiền đình có di truyền không? Có một nguyên nhân gây bệnh nhiều người trẻ đang đối mặt hàng ngày

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 07/08/2024 12:00 PM (GMT+7)

Rối loạn tiền đình là căn bệnh đang ngày càng trẻ hóa, khi mắc bệnh sẽ ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và hiệu quả làm việc. Vậy căn bệnh này có tính di truyền không và phòng tránh ra sao? Vấn đề này sẽ được BSCK II Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM cơ sở 3 giải đáp.

Thu Hòa (hoangthuhoa***@gmail.com)

Chào bác sĩ,

Gia đình em có bà và mẹ đều bị rối loạn tiền đình, mỗi khi thay đổi thời tiết hay lo nghĩ nhiều là cơn đau lại hành hạ, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt. Bác sĩ cho em hỏi, khi mẹ và bà bị bệnh này, em có nguy cơ mắc bệnh không? Người bị rối loạn tiền đình như bà và mẹ em cần chú ý gì trong chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt?

Xin cảm ơn bác sĩ!

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ

Rối loạn tiền đình (RLTĐ) không di truyền từ đời trước đến đời sau. Tuy nhiên, bạn vẫn có nguy cơ mắc bệnh nếu quá căng thẳng hoặc có tổn thương thực thể nào đó. Vì thế, khi có triệu chứng bạn nên đi khám ngay.

RLTĐ là bệnh lý gây ra trạng thái mất cân bằng làm cho người bệnh có biểu hiện chóng mặt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày. Bệnh lý này do nhiều nguyên nhân gây ra như tuần hoàn não kém, rối loạn tuần hoàn não, nhiễm trùng não, viêm tai giữa cấp và thay đổi thời tiết.

RLTĐ thường gặp ở người cao tuổi, nhưng hiện nay bệnh ngày càng trẻ hóa, nguyên nhân là do làm việc trí óc, bị căng thẳng thần kinh quá sức chịu đựng trong một thời gian dài, cộng thêm việc nghỉ ngơi không hợp lý. Đặc biệt, do áp lực về kinh tế, làm việc cả ngày trong phòng máy lạnh, ít vận động, … nên cột sống vùng cổ dễ bị nhiễm lạnh, lâu ngày làm co thắt động mạch cột sống thân nền, dẫn đến rối loạn điều hòa máu lên não.

Rối loạn tiền đình ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt và làm việc của người bệnh. Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, áp lực không chỉ ở nơi làm việc, nhiều người trẻ còn mang cả nỗi lo về nhà, khiến cho giấc ngủ bị ảnh hưởng, đây cũng là yếu tố nguy cơ gây rối loạn tiền đình.

Một số người trẻ bị huyết áp thấp, lại có thói quen nhịn bữa sáng, lười tập thể dục thể thao, uống nhiều rượu, bia, và thức uống có gas… Chính những thói quen này đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, dẫn đến bệnh rối loạn tiền đình.

Biến chứng nguy hiểm nhất của RLTĐ là gây đột quỵ do máu lên não kém. Vì vậy, khi phát hiện bệnh, người bệnh nên thực hiện điều trị rối loạn tiền đình tích cực theo hướng dẫn của bác sĩ.

Để phòng và tránh bệnh, mọi người cần lưu ý một số những vấn đề sau:

- Cải thiện lưu lượng máu lên não bằng cách ăn nhiều thực phẩm tốt cho não bộ như rau họ cải (cải xoăn, cải rổ, bông cải xanh), vì chúng có nhiều vitamin K, lutein, folate và beta caroten, giúp làm chậm quá trình suy giảm nhận thức do lão hoá.

Về dinh dưỡng cần bổ sung nhóm thực phẩm giàu omega-3 vì rất tốt cho não bộ. Ảnh minh họa. 

- Bổ sung omega-3 từ cá và hạt óc chó; ngũ cốc nguyên hạt nhiều vitamin E, quả mọng như việt quất có flavonoid giúp tăng cường sức khỏe não bộ và trí nhớ, tăng cường tuần hoàn não.

- Nên ăn các loại rau củ, trái cây giàu vitamin và sắt, nên ăn trứng, đậu nành…

- Cần tránh rượu, bia, thuốc lá, cà phê…  những loại chất này có thể khiến bạn bị ù tai nhiều hơn, gây ra các cơn đau đầu thể nặng.

- Cần phải tránh stress, tìm cách nâng cao sức khỏe tinh thần cho mình như tập các động tác tâm thể của Yoga, thư giãn, tạm ngưng công việc, đi du lịch….

- Người bị RLTĐ đề phòng té ngã, không leo trèo cao, thận trọng khi lái xe. Không nên đứng lên, ngồi xuống liên tục hay đột ngột, ngồi hoặc nằm ngay khi cảm thấy chóng mặt, mất thăng bằng.

- Khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm những bất thường về sức khỏe.


Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ