Những đồn thổi khiến nhiều quý ông lo lắng về nguy cơ có con ngoài ý muốn cho dù đã cẩn thận áp dụng các biện pháp phòng tránh thai
Sau một status đăng trên trang Facebook cá nhân mới đây, anh N.T (27 tuổi) và một số người bạn đã sôi nổi tranh luận quanh câu chuyện nữ tử tù mang thai nhờ một “cộng sự” cung cấp tinh dịch (cho vào túi ni-lông) và bơm tiêm - vụ việc gây xôn xao dư luận cách đây khoảng 1 tháng. Vụ mang thai hy hữu ấy cũng làm dấy lên những bàn tán khác xoay quanh khả năng sống sót và sức mạnh của những “tinh binh”.
“Chúng nó” khỏe thế...
Trên một diễn đàn dành cho giới trẻ, một cô bé mới 16 tuổi bày tỏ lo lắng: “Nếu “chúng nó” khỏe thế, liệu khi đi bơi và có anh chàng nào “lỡ...” dưới hồ thì có thể có thai một cách vô duyên không?”. Một cặp đôi lớn tuổi hơn thì băn khoăn rằng 2 người từng quan hệ bên ngoài “vùng cấm địa”, tức còn mặc nguyên quần áo, như vậy có khả năng dính bầu không? Và nhiều câu hỏi đại loại như thế.
Theo bác sĩ (BS) Dương Phương Mai, Phó Giám đốc y khoa Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, với các trường hợp nêu trên, có tình huống không nên lo lắng nhưng cũng có tình huống cần cẩn trọng. “Ví dụ, trường hợp trong hồ bơi thì nên yên tâm là khả năng chị em mang thai không thể xảy ra. Thời gian sống của tinh trùng khi ra khỏi cơ thể phụ thuộc rất nhiều vào môi trường. Trong môi trường nước hồ bơi hay đầy vi khuẩn như chiếc bao cao su nằm trong thùng rác, tinh trùng có thể chết ngay” - bà Mai cho biết. Ngoài ra, các tình huống như giường khách sạn vương tinh dịch mà không được giặt sạch, tinh dịch trôi theo nước tắm… cũng không đáng lo.
Tư vấn về phòng tránh mang thai ngoài ý muốn tại Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn
Về lý thuyết, tinh trùng có thể sống sót đến 72 giờ sau khi xuất tinh nếu tồn tại trong một môi trường lý tưởng nhưng thực tế thì khó đạt mức này. Khi thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), tinh trùng được lấy ra từ cơ thể người chồng phải được bảo quản trong một lọ chuyên dụng và phải được đưa vào cơ thể người vợ trong thời gian không quá 30 phút. Càng ở ngoài lâu, chất lượng tinh trùng càng giảm.
Tuy nhiên, BS Mai cũng cảnh báo rằng một số tình huống tưởng chừng khá an toàn nhưng cũng có thể khiến người phụ nữ mang thai. Chẳng hạn “quan hệ ngoài”, còn mặc nguyên quần áo, người bạn trai xuất tinh ngay đúng “vùng cấm” thì vẫn có khả năng tinh trùng vượt qua được các lớp áo quần và đi vào cơ thể bạn gái. Dù vậy, khả năng này khá thấp. Còn về trường hợp xuất tinh ngoài âm đạo thì không có khả năng tránh thai cao bởi tinh dịch có thể “rò rỉ” trước khi người đàn ông thực sự “rút quân”.
Phụ thuộc nhiều yếu tố
BS Nguyễn Ngọc Thông, nguyên Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, cho biết ngay cả khi giao hợp bình thường ở thời điểm thuận lợi (người đàn ông khỏe mạnh, người phụ nữ đang trong thời kỳ rụng trứng) thì việc hình thành một bào thai cũng không đơn giản. Phải có ít nhất một tinh trùng đủ khỏe và may mắn để vượt qua chặng đường dài, phức tạp rồi tiếp cận được với trứng. Cuộc “gặp gỡ” phải thuận lợi, sau đó trứng thụ tinh phải di chuyển êm xuôi vào buồng tử cung và làm tổ an toàn thì bào thai mới có thể yên ổn, bắt đầu phát triển thành em bé.
Khi bắt đầu chung sống, khả năng có con của một cặp vợ chồng phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Ít có trường hợp mới quan hệ đôi lần là có con ngay mà thường phải mất vài tháng, thậm chí vài năm. Khả năng ấy phụ thuộc vào tuổi tác của cặp đôi, nhất là người phụ nữ (tuổi đôi mươi sẽ rất dễ thụ thai, qua tuổi 35 thì khả năng này giảm nhiều và trên 40 càng thấp).
Ngoài ra, các yếu tố sức khỏe, lối sống, môi trường làm việc cũng tác động ít nhiều đến việc có thai. Nhiều trường hợp cả 2 người đều khỏe mạnh nhưng không thể có con mà không rõ nguyên nhân. Dạng này chiếm đến 5%-10% các ca vô sinh.
Coi chừng mang bệnh
Theo BS Nguyễn Ngọc Thông, dù trong nhiều tình huống, khả năng mang thai ngoài ý muốn gần như bằng 0 nhưng nguy cơ mang các bệnh lây truyền qua đường tình dục là hoàn toàn có thể nếu quan hệ không an toàn. Ví dụ, khi quan hệ trong khách sạn không sạch sẽ, chăn màn có vương các dịch tiết thì trên lý thuyết, khả năng lây bệnh là có. Tránh thai bằng các phương pháp như dùng thuốc, tính ngày… cũng có tỉ lệ thành công nhất định nhưng cũng không ngăn được bệnh, nếu có.