Dù mới hơn 4 tháng nhưng bé trai đã bị vẹo cổ, đáng nói tình trạng này xảy ra là do sai lầm trong cách chăm sóc của người lớn.
Bé N.Q (4 tháng tuổi, ở Hải Phòng) vừa được mẹ đưa đến bệnh viện thăm khám vì phát hiện con bị vẹo cổ, đầu nghiêng sang một bên khi hoạt động. Tại Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng, qua thăm khám các bác sĩ nhận thấy, trẻ tiếp xúc tốt, vui vẻ, hoạt bát. Riêng phần cổ tình trạng vẹo nhìn rất rõ bằng mắt thường.
Mẹ cháu bé cho biết, trước đó 2 tuần gia đình có phát hiện cháu bị vẹo cổ, nhưng để theo dõi vì nghĩ có thể đó là thói quen sẽ tự khỏi. Đến khi trẻ không hồi phục, gia đình mới tá hỏa đưa trẻ đi khám.
Bác sĩ Đỗ Thị Lan, Khoa Y học Cổ truyền và phục hồi chức năng, Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng cho biết, tại bệnh viện kết quả thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng đã loại trừ được nguy cơ có các bệnh lý bẩm sinh, xơ hóa cơ…
Một trường hợp trẻ bị dị tật vẹo cổ do thói quen sinh hoạt đang được điều trị tại bệnh viện. Ảnh: BSCC.
Khai thác sâu hơn về quá trình phát triển, khi đó gia đình mới chia sẻ, bé N.Q tập lẫy từ khi mới 2 tháng tuổi, khi đó gia đình rất vui mừng vì nghĩ con cứng cáp và luôn cổ vũ, động viên con làm. Khi đó, bé luôn ở trong tư thế nằm sấp, vươn đầu thời gian lâu có lúc mỏi sẽ tự hạ xuống. Không ngờ chỉ sau 2 tháng con đã bị vẹo cổ và nghiêng đầu phải nhập viện điều trị.
Từ các thông tin trên, bác sĩ Lan cho rằng, trường hợp này do trẻ lẫy quá sớm khi các nhóm cơ vùng cổ còn yếu, khi trẻ lẫy lại không được bố mẹ hỗ trợ giữ đầu cổ nên tư thế ngóc cổ quá lâu khiến cơ cổ yếu, mỏi và dần trở thành vẹo sang 1 bên.
“Với trường hợp này chỉ đơn thuần vẹo cổ do lỗi sai khi chăm sóc nên sau 20 ngày điều trị tình trạng đã ổn định. Đồng thời, bác sĩ cũng hướng dẫn chăm sóc trẻ đúng cách tránh những tư thế gây vẹo cổ tái lại”, bác sĩ Lan thông tin.
Theo bác sĩ Mai, không chỉ riêng trường hợp trên, khoa cũng đang điều trị cho nhiều trường hợp bị vẹo cổ sau sinh do hoạt động. Thực tế, vẹo cổ ở trẻ do nhiều nguyên nhân như tư thế ngồi, bế ẵm sai tư thế, vận động không đúng độ tuổi, do bệnh lý…. “Vẹo cổ có thể xuất hiện muộn hơn đến trên 1 tuổi khi cha mẹ cho con tập lẫy sớm, bế ẵm, đặt trẻ nằm sai tư thế, cho bú sai tư thế, xem tivi nhiều… Đáng nói, khi trẻ bị vẹo cổ có thể sẽ không thay đổi hoặc tiến triển nặng hơn nếu không có các phương pháp tập vận động, chăm sóc đúng”, bác sĩ Lan chia sẻ.
Thói quen xem tivi từ khi còn nhỏ cũng rất dễ bị vẹo cổ, lệch đầu. Ảnh minh họa.
Với trẻ bị vẹo cổ do vận động, có thể điều trị bằng Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng như châm cứu, điện châm, chiếu đèn… nhằm mục đích làm mềm các nhóm cơ co cứng, giúp khỏe các nhóm cơ còn yếu, tập kiểm soát đầu cổ giữ cho đầu cổ trẻ đúng với tư thế sinh lý. Với trường hợp nhẹ có thể điều trị ngoại trú, nhưng với trường hợp nặng cần phải can thiệp trị liệu, mỗi đợt điều trị khéo dài 20 ngày hoặc 2 -3 đợt sẽ ổn định.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Lan khuyến cáo, phụ huynh nên cho trẻ vận động đúng mốc phát triển. Tuyệt đối, không nên bắt trẻ tập lẫy quá sớm, khi trẻ lẫy không nên để trẻ ở tư thế nằm sấp vươn đầu quá lâu. Việc bế ẵm đúng tư thế cũng cần phải lưu ý, vì trẻ nhỏ cơ vùng cổ còn yếu không nên bế vác sớm. Nếu trẻ có nhu cầu này khi bế thì cần đỡ đầu trẻ. Khi cho con bé thì nên cho trẻ bú đều 2 bên, tránh các tư thế nằm nghiêng, quay đầu cổ sang 1 bên quá lâu.
Đặc biệt, không nên cho tiếp xúc tivi sớm, trường hợp xem tivi tránh tư thế bất động lâu khiến cổ trẻ dễ mỏi, dễ nghiêng. Nên cho trẻ hoạt động thoải mái phát triển vận động cũng như tinh thần trí tuệ của trẻ.
Trong quá trình chăm sóc trẻ nếu phát hiện cột sống cổ trẻ có những bất thường cần phải đưa trẻ đi khám sớm. Với các trường hợp vẹo cổ do bệnh lý cần phải thăm khám chuyên sâu quá trình phục hồi chức năng sẽ phải kéo dài.