Hết sinh non rồi lại vỡ tử cung, vợ chồng quân nhân mừng rơi nước mắt khi đón tin vui từ “hạt mầm” cuối cùng

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 09/12/2024 11:40 AM (GMT+7)

Sau hàng chục năm hiếm muộn, dù đã tìm mọi cách để mong có được con nhưng đều thất bại. Với hi vọng mong manh, “hạt mầm” cuối cùng đã được gieo nở thành công trong miền hạnh phúc vô bờ bến của gia đình và bác sĩ.

Theo thống kê của ngành quân đội, hiện toàn quân có khoảng 3.000 quân nhân hiếm muộn đang công tác ở nhiều cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng. Với đặc thù công tác, nhiều quân nhân thực hiện nhiệm vụ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nơi biên cương, hải đảo trong điều kiện sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Dù thời gian qua Bộ Quốc phòng cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ, động viên, nhưng hành trình tìm con của các quân nhân hiếm muộn vẫn còn nhiều gian nan, vất vả và rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài quân đội.

Chính nhờ những sự hỗ trợ, động viên kịp thời đó, không ít chiến sĩ đã chạm đến ước mơ làm cha, làm mẹ dù biết rằng hành trình đó chẳng dễ dàng gì. Điển hình như gia đình Đại uý Ngô Văn Cường và Đại uý Nguyễn Thị Hạnh đang công tác tại Kho K812, Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) bị hiếm muộn nhiều năm, luôn khát khao có được đứa con của riêng mình nhưng chờ mãi tin vui chưa đến.

Hai vợ chồng anh Cường, chị Hạnh chia sẻ về hành trình tìm con của mình tại Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội.

Hai vợ chồng anh Cường, chị Hạnh chia sẻ về hành trình tìm con của mình tại Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội. 

Chị Hạnh cho biết, hành trình tìm con của hai vợ chồng đầy gian nan, khi chị có tiền sử sinh non, vỡ tử cung ở lần mang thai trước. Sau đó, nhiều lần thực hiện hỗ trợ sinh sản nhưng đều thất bại, cùng những biến cố gia đình liên tục ập đến khiến anh chị suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần.

“Sau nhiều lần thất bại và biến cố, tôi như chai sạn về tâm hồn, mất niềm tin vì nỗi sợ của những lần thất bại trước đó”, chị Hạnh chia sẻ. Thế nhưng, khát khao được làm cha, làm mẹ đã thôi thúc chị phải mạnh mẽ, vì chị tin con yêu luôn chờ chị ở phía trước.

Và rồi, hai vợ chồng chị Hạnh đã nhận được gói hỗ trợ sinh sản dành cho quân nhân hiếm muộn từ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, chính điều này đã thắp lên hi vọng được làm cha, làm mẹ của hai vợ chồng. “Trước đó vợ chồng tôi vay mượn tiền để mong kiếm được đứa con nhưng đều thất bại, hai vợ chồng dường như đã kiệt quệ hoàn toàn. Sự hỗ trợ này đã mang đến niềm hi vọng, vực lại tinh thần của hai vợ chồng trong hành trình tìm con”, chị Hạnh nói.

Sau khi tạo được 4 phôi, tạo hóa lại tiếp tục trêu đùa hai vợ chồng khi 3 lần liên tiếp chuyển phôi đều thất bại, cả hai tưởng như việc có con đã hoàn toàn khép lại. Nhưng đến lần thứ 4, một phôi duy nhất, cũng là "hạt mầm" cuối cùng đã mang đến phép màu cho hai vợ chồng, khi lần chuyển phôi này đã thành công. Trải qua không ít khó khăn trong quá trình mang thai, cuối cùng một em bé vô cùng đáng yêu đã chào đời vào đầu năm 2024, trong niềm vui vô bờ của gia đình anh Cường, chị Hạnh và đội ngũ y bác sĩ.

ThS.BS Lê Thị Thu Hiền - Giám đốc chuyên môn bệnh viện cho biết, tiền sử sinh non và vỡ tử cung đó là một trong những khó khăn và đặt ra thách thức rất lớn đối với đội ngũ chuyên môn bệnh viện trong quá trình điều trị cho hai vợ chồng. Bên cạnh đó, dự trữ buồng trứng của chị Hạnh suy giảm, làm cho số lượng cũng như chất lượng phôi suy giảm theo. Hai khó khăn rất lớn đó đã khiến quá trình điều trị sẽ phức tạp hơn và kéo dài hơn trường hợp khác. Nhưng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, cùng với niềm tin của hai vợ chồng, cuối cùng “hạt mầm” bé nhỏ đã được gieo nở thành công.

Theo bác sĩ Thu Hiền, ngoài trường hợp trên, bệnh viện cũng đã hỗ trợ kinh phí 100% cho hàng chục trường hợp quân nhân hiếm muộn khác, với mong muốn giúp đỡ họ đến gần hơn với giấc mơ về một gia đình trọn vẹn và đủ đầy. Đồng thời, đây cũng là cách để tri ân những người lính, để họ yên tâm công tác thực hiện nhiệm vụ được giao, cũng như bảo vệ bình yên cho tổ quốc.

Ăn cá sông hay cá biển thì bổ dưỡng hơn? Có loại cá dễ ngậm nhiều hóa chất nhưng ít người biết
Cá là nguồn dinh dưỡng tuyệt vời, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ loại cá nào bổ dưỡng, loại nào tiềm ẩn nguy cơ. Ngoài ra, việc nấu cá làm sao để...

Trắc nghiệm Sức khỏe

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Những câu chuyện cảm động