Sau khi con gái 5 tháng tuổi bị nhiễm trùng da nghiêm trọng do tiếp xúc với người mắc bệnh về da, người mẹ đã quyết định sẽ không cho bất cứ ai động vào con mình.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường có hệ thống miễn dịch yếu hơn so với người lớn, vì vậy nếu bị bệnh, bạn tốt hơn hết nên tránh xa trẻ để tránh lây nhiễm bệnh cho trẻ. Một bà mẹ Malaysia ở Seremban mới đây đã chia sẻ kinh nghiệm của mình khi cô con gái 5 tháng tuổi bị nhiễm trùng da khiến khuôn mặt bị sưng và đau.
Ngày 2/8, người mẹ đột nhiên thấy mắt phải của con gái mình bị sưng. Cô và chồng nghĩ rằng con gái mình đã bị kiến cắn vì trước đây cô bé cũng bị như vậy. Vào ban đêm, miệng và mắt của bé gái ngày càng đỏ và sưng to hơn. Sáng hôm, hai vợ chồng đã quyết định đưa con đi khám vì nghi ngờ bé bị dị ứng.
Bé gái đáng yêu trước khi phát bệnh.
Lúc đầu, bác sĩ đã cho bé gái kem để thoa và cho bé về nhà vì không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, ngày 4/8, người mẹ vô cùng sốc khi thấy tình trạng của con gái ngày càng tệ hơn, da quanh miệng bị đỏ, sưng và bong tróc rất nhiều nên đã mau chóng đưa con đến khoa cấp cứu của bệnh viện.
Khi tới viện, mắt bé gái sưng to tới mức không thể mở ra và quanh miệng đỏ ửng, da bong tróc rất nhiều. Đến buổi đêm, mọi chuyện còn tệ hơn khi da mặt bé gái bắt đầu bị chảy máu. Bác sĩ lúc đó giải thích rằng bé gái thực ra không phải bị dị ứng mà là nhiễm trùng da.
Bé gái bị nhiễm trùng da do tiếp xúc với người mắc bệnh.
Bác sĩ nói rằng rất có thể ai đó bị nhiễm trùng đã vô tình truyền nó sang cho bé gái khi họ chạm vào bé. Sau đó, bé gái được tiến hành điều trị và dự đoán sẽ mất khoảng 2 tuần mới có thể hồi phục. May mắn thay, sau khoảng năm ngày nằm viện, bác sĩ nói rằng bé gái có thể được xuất viện vì đang hồi phục rất tốt. Sau sự việc này, người mẹ nói rằng từ giờ trở đi, cô sẽ hết sức cẩn thận không để người khác bế con mình.
Người mẹ cho biết trong suốt thời gian kể từ khi con gái mắc bệnh, cô rất đau lòng vì vậy cô muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình để cảnh báo cho các bậc cha mẹ và người lớn nên thận trọng hơn với những đứa trẻ và chú ý sự tiếp xúc của trẻ với những người khác.
Theo Mayo Clinic, bệnh chốc lở được định nghĩa là một bệnh nhiễm trùng da phổ biến và rất dễ lây lan, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ em, và thường xuất hiện dưới dạng vết loét đỏ quanh mũi, miệng, tay và chân. Theo Healthline, tình trạng bong vảy da là do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra và thường gặp ở trẻ em dưới sáu tuổi với sự xuất hiện của vết loét. Cả hai bệnh nhiễm trùng này đều dễ dàng lây truyền qua tiếp xúc da kề da.
Sau 5 ngày, bé gái đã dần hồi phục.
Nguyên nhân gây bệnh chốc lở ở trẻ
Tiếp xúc với người bị nhiễm khuẩn: Trẻ có thể bị viêm nhiễm thông qua tiếp xúc trực tiếp với bất kỳ ai đang bị chốc lở.
Chạm vào đồ vật người bệnh từng dùng: Vi khuẩn trên những món đồ chơi hay vật dụng cá nhân của người đã bị chốc lở có thể lây lan cho trẻ nếu trẻ đụng vào những đồ vật trên.
Nhiễm trùng từ ban trên cơ thể: Việc trẻ gãi các ban trên da như vết côn trùng cắn có thể gây đau và tổn thương da, từ đó vi khuẩn có thể xâm nhập vào và gây bệnh.
Một vài bệnh và khả năng miễn dịch của trẻ cũng góp phần khiến trẻ dễ mắc bệnh chốc lở hơn.
Những dấu hiệu của bệnh chốc lở
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh chốc lở thông thường là:
- Vết loét đỏ và mụn nước nhanh chóng bị vỡ, chảy ra dịch trong một vài ngày và sau đó tạo thành một lớp vỏ màu vàng nâu phía trên;
- Các vết loét da quanh mũi, miệng hoặc các khu vực khác;
- Ngứa và đau nhức;
- Trong trường hợp nặng, sang thương trở thành vết loét sâu;
- Sưng hạch bạch huyết gần vị trí nhiễm trùng.