Con gái bị tiểu đường, cả nhà đi khám đều mắc bệnh nhưng bác sĩ khen vì đã làm điều nhiều gia đình bỏ qua

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 07/01/2024 14:00 PM (GMT+7)

Đái tháo đường có liên quan đến yếu tố gen, vì thế khi gia đình có người mắc thì những người khác cũng cần đi khám để kiểm soát.

Đái tháo đường tuýp 2 là căn bệnh mãn tính không lây có nhiều người mắc phải. Bệnh đang ngày càng trẻ hóa và có nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố môi trường. Tuy nhiên, theo bác sĩ Lâm Mỹ Hạnh, Phó khoa Đái tháo đường (Bệnh viện Nội tiết Trung ương) thì bệnh này cũng có liên quan đến yếu tố gia đình.

Bác sĩ Hạnh chia sẻ từng gặp một số gia đình có toàn bộ hoặc đa số các thành viên đều mắc đái tháo đường tuýp 2, trong đó có cả những người trẻ. Điển hình như gia đình chị Hoàng Quỳnh Hương (35 tuổi, ở Hà Nội), ban đầu chỉ có chị là bị tiểu đường khi mang thai, sau đó cả gia đình đi khám và kiểm tra đường huyết thì phát hiện thêm 2 thành viên nữa cùng mắc, đó là bố mẹ chị Hương.

Việc đi khám sớm để phát hiện kịp thời tiểu đường rất quan trọng, vừa giúp kiểm soát tốt, vừa tránh biến chứng. Ảnh minh họa.

Việc đi khám sớm để phát hiện kịp thời tiểu đường rất quan trọng, vừa giúp kiểm soát tốt, vừa tránh biến chứng. Ảnh minh họa. 

Bác sĩ Mỹ Hạnh cho biết, chị Hương phát hiện tiểu đường khi mang thai và phải tiêm insulin, sau sinh do tuân thủ điều trị nên đường huyết đã ổn định. Các thành viên khác may mắn là đi khám và phát hiện sớm, tuân thủ chỉ định tốt nên việc điều trị cũng không khó khăn, không gặp biến chứng nhưng vẫn phải tái khám và thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose định kỳ. Những người khác trong gia đình như con hoặc anh chị em ruột của chị Hương cũng cần phải đi khám, theo dõi vì có nguy cơ cao mắc bệnh. 

Từ trường hợp gia đình trên, bác sĩ Mỹ Hạnh cho biết, việc kiểm soát và phát hiện sớm để điều trị kịp thời là rất quan trọng, giúp người bệnh tránh bị bệnh nặng cũng như gặp các biến chứng nguy hiểm.

“Nếu phát hiện muộn, khi đường máu tăng quá cao gây nên các biểu hiện như khát nước, tiểu nhiều hoặc gầy sút cân… thì bệnh nhân có thể đã ở trong tình trạng nặng, thậm chí xuất hiện các triệu chứng cấp tính”, bác sĩ Hạnh cảnh báo.

Theo bác sĩ Hạnh, kiểm soát đường huyết là yếu tố sống còn với người bị bệnh đái tháo đường. Ảnh: Lê Phương.

Theo bác sĩ Hạnh, kiểm soát đường huyết là yếu tố sống còn với người bị bệnh đái tháo đường. Ảnh: Lê Phương.

Bác sĩ Hạnh thông tin thêm rằng, nhiều bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 khi được phát hiện thì có thể bệnh đã diễn tiến âm thầm được khoảng 5 năm. Những trường hợp bị bệnh lâu năm, không kiểm soát đường huyết tốt, bỏ điều trị sẽ dễ gặp các biến chứng cấp tính như hôn mê, tăng áp lực thẩm thấu hoặc biến chứng mạn tính như tim mạch, thận, mắt, thần kinh… đe dọa tính mạng.

Lý do là, đường huyết cao có thể làm hệ miễn dịch bị suy giảm, tổn thương mạch máu, thần kinh… khiến người bệnh bị bệnh nhiễm trùng, thậm chí tiến triển nặng dẫn tới sốc nhiễm trùng, suy đa tạng. Do vậy, kiểm soát đường huyết là yếu tố quan trọng sống còn với người bệnh.

Kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, người bệnh phải uống thuốc đúng giờ, đúng loại, đúng liều. Bên cạnh đó, cần thay đổi chế độ ăn, giảm thực phẩm nhiều chất béo bão hoà, và ăn tăng cường rau xanh”, bác sĩ Hạnh khuyên.

Ngoài ra, việc tập thể dục đều đặn mỗi ngày cũng rất quan trọng, giúp ngăn chặn bệnh tiến triển nặng. Kết hợp với đó là luôn giữ cho mình lối sống, sinh hoạt lành mạnh, bỏ thuốc lá, rượu bia, không thức khuya. Bệnh nhân đái tháo đường cần tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ.

9 lầm tưởng về bệnh tiểu đường khiến bạn lập tức hối hận khi biết được sự thật
Tránh được những hiểu lầm về căn bệnh này, bạn sẽ biết được cách phòng ngừa và ứng phó với nó nếu không may mắc phải.

Bệnh tiểu đường.

Theo LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh tiểu đường.