Còn mới chào đời nhưng nghi ngờ về huyết thống, vì thế người chồng đã đưa vợ cùng con đi xét nghiệm ADN và sự thật được phơi bày sau đó vài ngày.
Chị M.N (28 tuổi) và anh T.D (30 tuổi) ở Hà Nội, kết hôn được hơn 2 năm và vừa đón đứa con trai đầu lòng. Tuy nhiên, ngay sau khi bế con, anh D đã tỏ vẻ nghi ngờ vì đứa trẻ không hề có nét nào giống anh hay vợ anh. Nhìn hồ sơ sinh của vợ, anh càng thấy có nhiều điểm bất thường, khi vợ anh nằng nạc đòi sinh mổ khi thai chưa được 37 tuần, trong khi sức khỏe hoàn toàn bình thường.
Đặc biệt, khi con trai anh D bị ốm nặng phải vào viện điều trị, lấy máu xét nghiệm cho kết quả nhóm máu A, trong khi hai vợ chồng đều là nhóm máu O. Điều này càng khiến anh D càng nghi ngờ hơn và quyết định sẽ đi xét nghiệm ADN.
Tại Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội, nhân viên xét nghiệm đã cẩn thận lấy tóc của đứa trẻ đang được mẹ bế trên tay, đồng thời lấy mẫu của anh D để làm xét nghiệm. Khi đó, người vợ tỏ ra bình tĩnh, thúc giục làm nhanh các thủ tục để trở về vì con nhỏ.
Từ nhiều nghi ngờ, người đàn ông đã đưa đứa trẻ đi xét nghiệm huyết thống để biết sự thật phía sau. Ảnh minh họa.
Bà Nguyễn Thị Nga, giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền Hà Nội cho biết, sau khi hai vợ chồng rời đi khoảng 2 giờ, bà nhận được cuộc điện thoại của chị N, nói xin gặp các giám định viên trước, dù 3 ngày sau mới có kết quả xét nghiệm ADN.
“Qua lời nói tôi biết được sự lo lắng, gấp gáp của người phụ nữ này. Tuy nhiên, tôi cũng thẳng thừng từ chối việc gặp gỡ tôi hay các giám định viên ở nhà hàng, quán cafe như lời đề nghị của cố ấy. Muốn gặp buộc phải đến trung tâm, có phòng riêng nếu khách hàng muốn tư vấn”, bà Nga kể lại.
Ngày hôm sau N đến trung tâm cùng một thanh niên khác, mục đích là để đổi mẫu xét nghiệm đã lấy trước đó, với mong muốn kết quả khi trả sẽ cho cùng huyết thống cha - con. Tuy nhiên, bà Nga từ chối ngay lập tức, vì điều này ngoài vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp, còn vi phạm cả pháp luật, nên có trả bao nhiêu tiền bà cũng như các cán bộ giám định cũng không làm.
Khi đó, N mới tiết lộ sự thật phía sau và thừa nhận đứa trẻ không phải con đẻ của chồng. N chia sẻ, trước khi có bầu cô đi du lịch tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) cùng công ty và gặp lại người yêu cũ. Khi đã ngà ngà hơi men, N không làm chủ được mình nên đã qua đêm với người yêu cũ. Sau đó N mang thai, đúng thời điểm đó chồng cô đang đi công tác nước ngoài.
Để che giấu sự thật, N đã xin mổ sớm khi thai chưa đầy 37 tuần, để trùng hợp thời gian chồng ở nhà. Tuy nhiên, điều đó đã không qua mắt được chồng và cuối cùng anh D vẫn yêu cầu phải đi xét nghiệm huyết thống cho yên tâm.
Bà Nga cho biết, có không ít người muốn đổi mẫu, mua kết quả theo ý mình nhưng lương tâm nghề nghiệp không cho phép bà làm như vậy.
Nghe chia sẻ của N, bà Nga khuyên cô nên thú nhận sự thật với chồng, vì đứa trẻ không hề có lỗi. Nghe lời bà Nga, N đã thú nhận tất cả sự thật với chồng, kết quả xét nghiệm ADN sau đó cũng cho thấy, đứa trẻ không cùng huyết thống với anh D.
Mặc dù chồng rất giận giữ, có ý định chia tay vợ, nhưng gia đình nhà chồng không đồng ý vì cho rằng, như vậy là “xấu mặt gia đình”, đứa trẻ không có lỗi nên khuyên hai vợ chồng nói chuyện với nhau. Cuối cùng, người chồng và gia đình quyết định tha thứ cho con dâu và đón nhận đứa trẻ như con cháu trong nhà.
Bà Nguyễn Thị Nga cho biết, việc đổi mẫu tóc của một người khác để hy vọng giám định kết luận cùng huyết thống là một sai lầm. Theo bà Nga, một bảng kết quả xét nghiệm ADN có nhiều cột, mỗi cột đều biểu hiện cho 1 gene và hai con số. Người con phải lấy 1 con số từ bố và 1 con số từ mẹ, vì vậy, nếu trên bản xét nghiệm máy chạy cho các con số giống hệt nhau sẽ kết luận không phải là cha - con. Thông thường, một mẫu xét nghiệm ADN nếu có bất thường, các giám định viên có thể cho chạy tới 3 lần để xác định chính xác kết quả.