Bột trà xanh không chỉ dùng làm thức uống mà còn để làm bánh. Ngoài ra, nó còn có thể mang đến cho bạn nhiều lợi ích sức khoẻ cũng như làm đẹp. Sau đây là một số công dụng của bột trà xanh.
Bột trà xanh là một dạng bột được xay mịn từ lá trà xanh thường dùng trong các nghi lễ trà đạo của Nhật Bản. Nó cũng có thể cung cấp một số lợi ích sức khỏe. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà xanh và bột trà xanh cùng có tác dụng cung cấp chất chống oxy hóa có lợi cho sức khỏe.
Trong bài viết này, hãy tìm hiểu thêm về những tác dụng của bột trà xanh và cách sử dụng nó.
Bột trà xanh là gì?
Để làm bột trà xanh, nhà sản xuất trồng cây trà trong bóng râm. Trồng theo cách này sẽ làm tăng hàm lượng sắc tố được gọi là chất diệp lục trong trà. Quá trình này cũng làm tăng các hợp chất có lợi trong lá trà. Một trong những hợp chất đó là axit amin được gọi là L-theanine, có thể có tác động tích cực đến sức khỏe. Bột trà xanh có thể được làm bằng cách loại bỏ thân và gân lá của cây trà và nghiền phần lá còn lại thành bột.
Người Nhật Bản truyền thống sử dụng bột trà xanh cho trà đạo. Giờ đây, mọi người từ khắp nơi trên thế giới sử dụng nó như một thức uống tốt cho sức khỏe.
Trà xanh dùng ở dạng bột khi pha trà có vị êm dịu và không bị đắng. Có nhiều loại bột trà xanh khác nhau: bột trà xanh có chất lượng cao nhất thường dùng trong trà đạo, bột trà xanh để nấu ăn là rẻ nhất. Mọi người có thể thêm bột trà xanh như một loại gia vị vào các món tráng miệng.
Bột trà xanh được nghiền từ lá trà xanh.
Giá trị dinh dưỡng
Không có nhiều nghiên cứu trực tiếp về bột trà xanh. Cơ sở dữ liệu của Bộ nông nghiệp Mỹ không tiết lộ bất kỳ hàm lượng dinh dưỡng nào của loại trà này.
Mặc dù bột trà xanh không cung cấp nhiều vitamin hoặc khoáng chất, nhưng lợi ích sức khỏe của nó đến từ nồng độ cao của các hợp chất thực vật được gọi là polyphenol.
Công dụng của bột trà xanh
Nhiều nghiên cứu đã gợi ý rằng trà xanh có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe. Vì bột trà xanh là dạng bột của trà xanh nên mọi người có thể có được những lợi ích tương tự như trà xanh, và chúng thậm chí còn mạnh hơn.
Có nhiều bằng chứng khoa học rõ ràng về lợi ích của trà xanh với sức khỏe. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là nghiên cứu cụ thể về bột trà xanh lại rất ít. Dưới đây là một số lợi ích sức khỏe tiềm ẩn của bột trà xanh.
Tăng cường sự tập trung và nhận thức
L-theanine là một axit amin có trong trà. Tiêu thụ thực phẩm và đồ uống giàu L-theanine có thể thúc đẩy trạng thái thư giãn và hạnh phúc. Nếu kết hợp chất này với caffeine, một chất hóa học khác trong bột trà xanh, L-theanine có thể giúp tỉnh táo thoải mái.
Một nghiên cứu năm 2017 trên 20 nam giới trưởng thành nhận thấy rằng tiêu thụ 200 miligam (mg) L-theanine giúp cải thiện nhận thức và sự tập trung. Tác dụng này mạnh hơn khi kết hợp với 160 mg caffeine.
Một đánh giá năm 2017 dựa trên 49 nghiên cứu ở người cho thấy các hợp chất thực vật trong bột trà xanh có thể cải thiện tâm trạng và hiệu suất. Ví dụ, chỉ riêng L-theanine đã thúc đẩy sự thư giãn và bình tĩnh, trong khi caffeine cải thiện hiệu suất và năng lượng.
Khi kết hợp, L-theanine và caffeine cải thiện sự tỉnh táo và tập trung, đặc biệt với những người tham gia nghiên cứu, làm việc đòi hỏi sự tập trung cao độ.
Một số người cho rằng bột trà xanh chứa L-theanine cao hơn các loại trà khác.
Ngăn ngừa ung thư
Trà xanh có chứa một loại chất chống oxy hóa gọi là catechin, đặc biệt là epigallocatechin gallate (EGCg), có thể có đặc tính chống khối u.
Một số nghiên cứu trong ống nghiệm và trên động vật cho thấy EGCg có thể giúp ngăn ngừa sự phát triển của ung thư. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu trên người để xác nhận tác dụng tiềm tàng này.
Một số nghiên cứu khác trên người cho thấy rằng uống nhiều trà xanh có thể ngăn ngừa sự phát triển của một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư bàng quang.
Theo Viện Ung thư Quốc gia (Mỹ), EGCg có thể giúp ngăn ngừa ung thư bằng cách bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại DNA và ức chế sự tăng sinh của tế bào khối u.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim
Các nghiên cứu trên người đã gợi ý rằng uống nhiều bột trà xanh có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn. Một số người cũng cho rằng uống trà xanh có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh tim, chẳng hạn như mức cholesterol cao.
Không có nghiên cứu nào đã kiểm tra tác dụng của bột trà xanh đối với bệnh tim. Tuy nhiên, nó có thể có tác dụng tương tự hoặc mạnh hơn.
Một trong những tác dụng của bột trà xanh là giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngăn ngừa bệnh tiểu đường tuýp 2
Một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên cho thấy rằng uống bốn tách bột trà xanh mỗi ngày dẫn đến giảm đáng kể một số yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường. Những yếu tố này bao gồm trọng lượng cơ thể, chỉ số khối cơ thể (BMI), và huyết áp tâm thu (áp lực của máu lên động mạch khi tim co bóp).
Giảm viêm màng bồ đào do tự miễn
Một nghiên cứu năm 2019 trên chuột cho rằng catechin trong bột trà xanh có thể giúp làm giảm các triệu chứng suy giảm thị lực ở những người bị viêm màng bồ đào tự miễn. Đây là một tình trạng hiếm trong đó hệ thống miễn dịch nhắm mục tiêu không chính xác đến các mô bên trong mắt, gây viêm.
Mặc dù sẽ cần phải nhân rộng nghiên cứu này ở người để đánh giá tác động đầy đủ của bột trà xanh đối với bệnh viêm màng bồ đào tự miễn, nghiên cứu này chỉ ra rằng các hợp chất trong bột trà xanh có thể có tác động có lợi đến tình trạng này.
Bột trà xanh có đắp mặt được không?
Câu trả lời là có thể đắp mặt nạ bằng bột trà xanh nhưng không nên dùng liên tục. Vì nếu sử dụng liên tục sẽ làm da yếu đi và thậm chí mất lớp bảo vệ tự nhiên của da mặt. Tốt nhất, bạn nên đắp mặt nạ bột trà xanh khoảng 2-3 lần mỗi tuần là đủ. Bột trà xanh chứa nhiều thành phần chống oxy hóa nên cũng rất tốt cho da.
Cách sử dụng bột trà xanh
Thông thường người ta pha một thìa cà phê bột trà xanh với một phần ba cốc nước nóng nhưng không quá sôi. Tuy nhiên, còn có nhiều cách sử dụng khác. Bạn có thể pha bột trà xanh dưới dạng nóng hoặc đá.
Dưới đây là một số cách sử dụng bột trà xanh khác:
- Thêm bột trà xanh vào sinh tố.
- Trộn bột trà xanh vào bột yến mạch.
- Thêm bột trà xanh vào nước xốt salad với một ít dầu, giấm và chất tạo ngọt.
Nguồn tham khảo: - Is matcha good for you, and how can you use it? - MedicalNewsToday - Xuất bản ngày 6/11/2019 |