Sau khi có kết quả nghi nhiễm COVID-19, nam thanh niên đã được xe chuyên dụng đưa từ Hà Nội về Hải Dương để cách ly theo quy định, hiện đã có kết quả xét nghiệm khẳng định.
Liên quan đến trường hợp nam thanh niên ở Chí Linh (Hải Dương) có ghé qua Hà Nội bị nghi nhiễm COVID-19, ngày 17/3 đại diện UBND phường Văn Đức (TP Chí Linh) nơi nam thanh niên này sinh sống cho biết, kết quả xét nghiệm khẳng định cuối cùng cho thấy thanh niên này âm tính với SARS-CoV-2.
Trước đó, tối ngày 16/3, một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội) cho biết, liên quan đến ca nghi nhiễm ở Hải Dương có qua Hà Nội, ngành y tế đã tiến hành cách ly 6 trường hợp liên quan, kết quả xét nghiệm các trường hợp này bước đầu đều cho kết quả âm tính.
Được biết, nam thanh niên này là F1 liên quan tới ca dương tính tại Công ty Poyun, được cách ly tập trung từ ngày 28/1 đến 21/2. Sau khi cách ly tập trung, nam thanh niên nói trên tiếp tục cách ly tại nhà đến hết ngày 7/3.
Đã 30 ngày Hà Nội chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong cộng đồng.
Trong 2 ngày 14/3 và 15/3, người này được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả nghi ngờ dương tính với COVID-19. Sau khi có kết quả nghi ngờ mắc COVID-19, thanh niên được CDC Hải Dương điều xe chuyên dụng đưa từ Hà Nội về tỉnh để cách ly.
Tính đến ngày 17/3, Hà Nội đã qua 30 ngày liên tiếp không ghi nhận ca mắc mới tại cộng đồng. Hiện TP Hà Nội đã triển khai tiêm vắc-xin COVID-19 từ ngày 9/3, hiện 163 người đã được tiêm.
Bộ Y tế cảnh báo: Sau khi tiêm vắc-xin COVID-19, có những dấu hiệu này cần đến bệnh viện ngay
Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia tiếp tục ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng vắc-xin COVID-19 AstraZeneca.
Sáng 17/3, thông tin từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, thêm 4.260 người đã được tiêm chủng vắc-xin COVID-19 trong ngày 16/3/2021.
Như vậy, tính đến cuối giờ chiều 16/3/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho 20.695 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Tiêm thử vắc-xin COVID-19.
Theo báo cáo nhanh từ các điểm tiêm chủng, trong ngày 16/3/2021, Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia cũng ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng vắc-xin COVID-19 AstraZeneca với các dấu hiệu như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, phát ban, đau cơ, buồn nôn, tiêu chảy…
Nếu người được tiêm xuất hiện dấu hiệu mẩn ngứa lan rộng, mạch nhanh, huyết áp tăng cao hoặc tụt, tức ngực khó thở, chân tay lạnh… hoặc có diễn biến nặng lên thì cần đến ngay bệnh viện để được xử trí kịp thời.
Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã tổ chức kiểm tra giám sát tại một số tỉnh/thành phố cho thấy công tác an toàn tiêm chủng và tư vấn trước tiêm chủng được tất cả các địa phương thực hiện đầy đủ. Người đến tiêm được thông báo số điện thoại của các cơ sở y tế trong trường hợp khẩn cấp để được hỗ trợ kịp thời.
Bên cạnh đảm bảo an toàn tiêm chủng, các điểm tiêm còn bố trí các phòng theo quy tắc một chiều, giãn cách giữa các bàn, các phòng để phòng chống lây nhiễm SARS-COV-2.
Về tình hình thử nghiệm sản xuất vắc-xin COVID-19 "made in Vietnam", đại diện Trung tâm Dược lý lâm sàng thuộc Đại học Y Hà Nội cho biết, sau 24 giờ theo dõi tại cơ sở tiêm vắc-xin COVIVAC, sức khỏe của 6 tình nguyện viên hiện ổn định và trở về nơi cư trú.
Nhóm nghiên cứu cho hay sau khi trở về nhà, các tình nguyện viên tự theo dõi sức khỏe và ghi chép vào sổ theo dõi sức khỏe đến ngày 22-3 (ngày thứ 8 sau tiêm) sẽ quay lại để khám, thu nhập thông tin về an toàn và tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm.
Trong thời gian này, các nghiên cứu viên của Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng sẽ thường xuyên gọi điện cho các tình nguyện viên để hỏi về sức khỏe của họ, đồng thời nhắc nhở họ theo dõi sức khỏe và điền vào phiếu theo dõi sức khỏe đầy đủ, chính xác.
Với 114 người còn lại (tiêm thử nghiệm giai đoạn 1), nhóm nghiên cứu cho biết, do yêu cầu giãn cách đảm bảo phòng dịch COVID-19, mỗi buổi tiêm sẽ chỉ thực hiện dưới 15 người. Dự kiến, sang tuần sau, nhóm 15 người đầu tiên (sau 6 người vừa tiêm ngày 15-3) sẽ tiêm mũi 1.
Theo Dân Việt
Pháp và Ukaine phát hiện biến thể mới của SARS-CoV-2
Ngày 16/3, Bộ Y tế Pháp cho biết cơ quan chức năng nước này đã phát hiện một biến thể mới của SARS-CoV-2 tại tỉnh Brittany nước này.
Theo Bộ Y tế Pháp, biến thể mới được phát hiện tại một ổ dịch ở một bệnh viện thuộc xã Lannion, vùng Côtes-d'Armor ở Brittany, Tây Bắc nước Pháp. Các phân tích ban đầu không cho thấy biến thể mới này nguy hiểm hay dễ lây nhiễm hơn các biến thể đã phát hiện tại Anh, Brazil hay Nam Phi.
Cũng trong ngày 15/3, người đứng đầu Cục Nhà nước về An toàn thực phẩm và Bảo vệ người tiêu dùng Ukraine (SSUFCP) Oleg Ruban, thông báo nước này đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Theo ông Ruban, các nhà khoa học Ukraine đã phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Bukovina, thuộc vùng Chernivtsi của nước này 2 tuần trước. Biến thể này tổng hợp các đặc tính của chủng gốc và 4 biến thể được phát hiện ở Anh, Tây Ban Nha, Nam Phi và Brazil. Ngoài ra, biến thể mới này có những đặc điểm chưa từng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận. Ông Ruban cho biết biến thể mới này có sức lây lan mạnh. Nhà chức trách Ukraine đã thông báo với WHO về biến thể mới này.
Trong khi đó, Cục bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe con người của LB Nga - Rospotrebnadzor ngày 16/3 thông báo nước này đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện đầu tiên ở Nam Phi. Cụ thể, có 2 ca ở Nga nhiễm biến thể phát hiện đầu tiên tại Nam Phi, cùng với 28 ca nhiễm biến thể phát hiện tại Anh. Tất cả các trường hợp này đang được cách ly. Đến nay, Nga chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến thể phát hiện đầu tiên ở Brazil.
Trong thời gian qua, các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ngày càng nhiều và lây lan rộng ở nhiều nước trên thế giới. Theo Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính đến ngày 11/3, gần 4.000 ca nhiễm các biến thể mới đã được ghi nhận tại Mỹ, trong đó phần lớn là biến thể được phát hiện đầu tiên tại Anh. Theo WHO, biến thể mới tại Anh có tốc độ lây lan nhanh hơn chủng gốc và đã xuất hiện tại hơn 60 quốc gia.
Theo Sức khỏe đời sống