COVID-19 ngày 16/5: Sức khoẻ bệnh nhân mắc COVID-19 nặng chuyển từ An Giang lên TP. HCM hiện ra sao?

HOÀNG DƯƠNG - Ngày 16/05/2021 00:08 AM (GMT+7)

Chiều 16/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM đã cung cấp thông tin về việc một bệnh nhân mắc COVID-19 với diễn tiến nặng được chuyển từ An Giang lên TP. HCM điều trị.

Theo tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (BVBNĐ) TP. HCM, đêm 12/5, đội phản ứng nhanh khoa Hồi sức tích cực chống độc người lớn (HSTCCĐNL) – Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (BVBNĐ) đã khẩn trương lên đường tiến về Bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang để hỗ trợ chuyên môn hồi sức cấp cứu và bảo đảm an toàn cho bệnh nhân COVID-19 trong quá trình chuyển viện đến BVBNĐ.

Đây là bệnh nhân 2983 (bệnh nhân N.T.K.P, Nữ, 65 tuổi), sau 1 tuần cách ly điều trị tại bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang, bệnh nhân có diễn tiến xấu hơn: suy hô hấp nặng tiến triển, tràn khí màng phổi phải, đã được Tiểu ban điều trị COVID-19 của Bộ Y tế hội chẩn và đánh giá nặng, cần sự hỗ trợ của bệnh viện tuyến trên trong việc can thiệp hồi sức chuyên sâu mới có thể cứu sống bệnh nhân.

COVID-19 ngày 16/5: Sức khoẻ bệnh nhân mắc COVID-19 nặng chuyển từ An Giang lên TP. HCM hiện ra sao? - 1

Bệnh nhân 2983 đang được các bác sĩ hồi sức tích cực. Ảnh: BV Bệnh nhiệt đới TP. HCM

Sau hơn 4 giờ di chuyển, đội phản ứng nhanh của BVBNĐ cũng đã có mặt tại khoa Truyền nhiễm – bệnh viện đa khoa khu vực tỉnh An Giang. Ngay lập tức, đội đã đánh giá tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, tiến hành đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn, thiết lập đường truyền tĩnh mạch trung tâm, giữ vững dấu hiệu sinh tồn cho bệnh nhân và bệnh nhân đã được chuyển viện an toàn ngay trong đêm 12/5.

Rạng sáng ngày 13/5, khoa HSTCCĐNL đã tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng suy hô hấp nhiều ngày không cải thiện, tổn thương phổi ARDS nặng với hình ảnh X-quang phổi trắng xoá cả 2 phế trường, cơ địa có bệnh lý nền tiểu đường, tăng HA.

Ngay từ ban đầu, bệnh nhân đã được bác sĩ của khoa nhận định là bệnh nhân rất nặng, không thua kém so với BN 91 trước đây – với kết quả chụp CT-Scan ngực ghi nhận tràn khí màng phổi (P), nhu mô phổi chỉ còn khả năng hoạt động 10-20%, nhiều kén khí dọa bể.

Xét nghiệm Real time RT-PCR SARS-CoV-2 còn dương tính kéo dài sau hơn 3 tuần nhiễm bệnh. Chỉ định VV-ECMO (hỗ trợ hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể) cũng đã được thực hiện ngay trong ngày 13/05/2021. Bệnh viện cho biết tình trạng bệnh nhân vẫn còn tiên lượng nặng, cần tiếp tục được hỗ trợ hồi sức hô hấp tuần hoàn trong thời gian dài.

Chiều 16/5, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) cho biết: "Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân 2983 vẫn ổn định".

Chủ quán bún bò dương tính SARS-CoV-2, xét nghiệm gần 1.000 người liên quan

Chủ quán bún bò, mỳ Quảng ở Đà Nẵng là F1 của nam nhân viên chăm sóc khách hàng làm việc tại Công ty Trường Minh - KCN An Đồn.

Sáng 16-5, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng đã phát thông báo khẩn tìm người từng đến quán bún bò, mỳ Quảng Bốn Linh tại ngã tư đường Đặng Minh Khiêm - Đặng Huy Tá thuộc phường Hòa Minh. 

Chủ quán Bốn Linh là bà P.T.V - vừa có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Những ai từng đến ăn bún bò và mỳ Quảng tại quán trên vào thời gian từ ngày 2 đến ngày 15-5 phải khẩn trương đến trạm y tế gần nhất để khai báo.

COVID-19 ngày 16/5: Sức khoẻ bệnh nhân mắc COVID-19 nặng chuyển từ An Giang lên TP. HCM hiện ra sao? - 2

Nhân viên y tế thực hiện truy vết F1 tại quán bún bò có chủ quán dương tính SARS-CoV- 2

Bà V. là F1 của một nam nhân viên chăm sóc khách hàng trú phường Hòa Minh, làm việc tại Công ty Trường Minh - KCN An Đồn (nơi phát hiện 33 ca Covid-19 vào ngày 11-5). 

Nam nhân viên này khai dịch tễ từng có đến ăn sáng tại quán Bốn Linh của bà V. vào sáng ngày 8 và 9-5. Ngành y tế đã xác định bà V. là F1 và đưa đi cách ly tập trung. Kết quả xét nghiệm có vào tối ngày 15-5 cho thấy bà V. dương tính với SARS-CoV-2.

Ngay trong đêm, ngành y tế tiến hành phong tỏa "mềm" khu vực dân cư xung quanh nơi bệnh nhân sinh sống; tiến hành truy vết, lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho gần 600 người dân khu vực và gần 400 tiểu thương chợ Hòa Khánh (do bệnh nhân thường xuyên đi chợ này).

Theo Người lao động

Bắc Giang sẽ không còn nơi điều trị nếu ca nhiễm tiếp tục tăng cao

Chiều 16/5, trong cuộc họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đang ở trực tiếp ở Bắc Giang cho biết, tình hình dịch tại địa phương này rất phức tạp, khó lường.

Thứ trưởng Trường Sơn cho biết, cần thành lập đoàn công tác khẩn cấp để hỗ trợ Bắc Giang chống dịch, trong đó có việc hỗ trợ truy viết, phát hiện sớm ca mắc mới. Theo nhận định của lãnh đạo Bộ Y tế, số lượng giường bệnh ở Bắc Giang hiện còn rất ít. Do đó, việc tiếp nhận, điều trị COVID-19 là gánh nặng rất lớn của Bắc Giang trong thời điểm này.

Hiện Bộ Y tế đã điều động 200 sinh viên của Đại học Y tế - Kỹ thuật Hải Dương. Nếu Bắc Giang cần thêm nhân lực, Bộ Y tế sẵn sàng điều động nhân lực từ các bệnh viện, đại học và các tỉnh để hộ trợ phòng dịch.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Sơn trực tiếp phụ trách công tác điều trị COVID-19, đồng thời nhấn mạnh về vấn đề quan trọng là bổ sung thiết bị để theo dõi, điều trị người có bệnh nền, tuổi cao. Bên cạnh đó, Phó thủ tướng đề nghị Bắc Giang và Bắc Ninh nên tập trung dồn sức xây dựng bệnh viện điều trị Covid-19 giữa 2 tỉnh.

Thêm 3 ca dương tính SARS-COV-2 liên quan cụ ông 74 tuổi thuê thợ về làm cửa

Sáng nay 16-5, tỉnh Hà Nam ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính SARS-COV-2 liên quan tới ca bệnh 74 tuổi thuê thợ tới làm cửa mà CDC tỉnh này công bố tối 15-5.

Sáng ngày 16-5, tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam cho biết địa phương này vừa ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính SARS-COV-2, có liên quan tới người đàn ông 74 tuổi thuê thợ về làm cửa tại xã Công Lý, huyện Lý Nhân.

Theo CDC tỉnh Hà Nam, sau khi xác định ông T.V.Đ. (SN 1947; ngụ thôn Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân) có kết quả dương tính SARS-CoV-2, cơ quan này đã khẩn trương điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp tiếp xúc gần với ông Đ.

COVID-19 ngày 16/5: Sức khoẻ bệnh nhân mắc COVID-19 nặng chuyển từ An Giang lên TP. HCM hiện ra sao? - 3

CDC tỉnh Hà Nam lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 - Ảnh: T.H.

Sáng 16-5, có thêm 3 trường hợp cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, gồm: N.T.C. (SN 1952, vợ của bệnh nhân Đ.); T.T.T. (nữ; SN 1973) và N.T.H. (SN 1999, nữ).

Bước đầu, xác định 2 trường hợp T.T.T. và N.T.H. có liên quan đến trường hợp F1 là T.M.T.. đã được cách ly. Cả 3 trường hợp mới xác định trên đều ở thôn Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân.

Trước đó, đêm 15-5, CDC tỉnh Hà Nam đã ghi nhận trường hợp bệnh nhân T.V.Đ. có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Từ ngày 23-4 đến 27-4, ông Đ. có thuê nhóm thợ về làm cửa, trong nhóm, có anh T.M.T., là F1 của ca "siêu lây nhiễm" BN 2899.

Ngày 2-5, anh T.M.T. đã được đi cách ly tập trung tại Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở Hà Nam. Trong thời gian cách ly, anh T. được xét nghiệm 2 lần và đều cho kết quả đều âm tính với SARS-CoV-2.

Ngày 14-5, ông Đ. có biểu hiện sốt trên 38 độ và đã đến Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân khám và được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, kết quả ông Đ. dương tính với SARS-CoV-2.

Trong thời gian 14 ngày trở lại đây, bệnh nhân chỉ tiếp xúc với vợ, con trai, con rể, con gái và nhóm thợ. Các trường hợp trên đã được khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Kết quả, đã phát hiện 3 trường hợp dương tính SARS-CoV-2 kể trên.

Với việc ghi nhận thêm 3 trường hợp dương tính mới, Hà Nam đã có 23 người dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 4 người được xác định tại xã Công Lý, huyện Lý Nhân.

Một trường hợp F2 dương tính với SARS-CoV-2 trong khi F1 2 lần âm tính

Ca dương tính liên quan đến ổ dịch xã Đạo Lý, bệnh nhân được xác định là F2 sau khi tiếp xúc với F1 đến làm nhôm kính tại nhà.

Sáng ngày 16/5, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam cho biết, trên địa bàn vừa ghi nhận 01 ca dương tính mới ở huyện Lý Nhân, liên quan đến ổ dịch xã Đạo Lý. Đáng nói, ca dương tính này là F2, trong khi trường hợp F1 vẫn đang âm tính sau 2 lần xét nghiệm.

COVID-19 ngày 16/5: Sức khoẻ bệnh nhân mắc COVID-19 nặng chuyển từ An Giang lên TP. HCM hiện ra sao? - 4

Ảnh minh họa

Theo đó, bệnh nhân dương tính là T.V.Đ., sinh năm 1947, ở thôn Phú Đa, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Từ ngày 23/4 đến 27/4/2021, bệnh nhân có thuê nhóm thợ về làm cửa cho gia đình. Trong nhóm thợ này có anh T.M.T., là F1 của bệnh nhân 2899.

Trước đó, đêm ngày 22/4 anh T. có uống bia tại một quán có các trường hợp đã xác định dương tính với SARS-CoV-2. Ngày 02/5/2021, anh T. đã được đi cách ly tập trung tại Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở Hà Nam.

Trong thời gian cách ly, anh T. được xét nghiệm 2 lần vào các ngày 4/5 và 11/5/2021, kết quả đều âm tính với SARS-CoV-2. Ngày 14/5/2021, bệnh nhân T.V.Đ. (là F2 khi tiếp xúc với anh T. là F1) có biểu hiện sốt trên 38 độ trên nền tăng huyết áp và bệnh gút.

Cùng ngày, bệnh nhân T.V.Đ. đã đến Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân khám. Bệnh nhân đã được Trung tâm Y tế huyện Lý Nhân phân luồng, cho cách ly và lấy mẫu xét nghiệm, kết quả đã dương tính với SARS-CoV-2.

Trong thời gian 14 ngày trở lại đây, bệnh nhân không đi đâu xa, chỉ tiếp xúc với vợ, con trai, con rể, con gái và nhóm thợ. Hiện các trường hợp trên đã được lấy mẫu xét nghiệm với SARS-VoV-2, đang chờ kết quả.

Bác sĩ mắc COVID-19 đi cùng chuyến bay với giám đốc công ty Hacinco bị viêm cả hai bên phổi

Liên quan đến trường hợp bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương mắc COVID-19, sáng ngày 16/5, PGS Nguyễn Viết Nhung - giám đốc bệnh viện cho biết, hiện bác sĩ N.V.C (bệnh nhân 3797) đang bị viêm phổi 2 bên do COVID-19.

PGS Nhung cho biết, khi biết tin mắc COVID-19 vào viện điều trị, bác sĩ C có tâm lý lo lắng vì sợ bản thân là nguồn lây cho đồng nghiệp tại viện, bởi vậy bác sĩ điều trị, các lãnh đạo và đồng nghiệp tại bệnh viện đồng viên để bác sĩ C ổn định tâm lý, yên tâm điều trị. Hiện bệnh nhân hết sốt, ăn uống bình thường và cảm thấy ngon miệng hơn.

PGS Nguyễn Viết Nhung cũng cho biết, ngay sau khi xác định 2 ca mắc COVID-19 tại bệnh viện, lãnh đạo bệnh viện đã tiến hành tập trung lấy mẫu, xét nghiệm cho toàn thể bác sĩ, cán bộ, nhân viên, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân trong viện.

“Kết quả xét nghiệm 2010 mẫu tính đến tối qua (15/5) đều cho kết quả âm tính. Điều đó chứng tỏ bệnh viện vẫn an toàn và loại trừ nguồn lây COVID-19 cho hai bác sĩ là từ trong viện”, PGS Nhung chia sẻ.

Trước đó, bác sĩ N.V.C (55 tuổi trú tại phường Hạ Đình, Thanh Xuân) làm ở Phòng Chỉ đạo chương trình (BV Phổi Trung ương) cùng mẹ vợ và vợ đi trên chuyến bay VN160 từ Đà Nẵng về Hà Nội ngày 2/5. Qua xét nghiệm, cả mẹ vợ và vợ đều mắc COVID-19.

Quá trình ở Hà Nội nam bác sĩ này có đến cơ quan làm việc nhưng ít tiếp xúc và di chuyển vì thế số F1 được xác định là không nhiều. Qua xét nghiệm hiện ghi nhận một đồng nghiệp làm việc cùng phòng dương tính với SARS-CoV-2. Bác sĩ này được chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) để tiếp tục theo dõi và điều trị. Hiện không có triệu chứng bất thường nào.

Hà Nội có 5 ca dương tính với SARS-CoV-2, một người là F1 của giám đốc Hacinco

Theo thông tin từ CDC Hà Nội, sáng 16/5, Hà Nội có 5 ca dương tính mới, đáng chú ý có một trường hợp là F1 của giám đốc công ty Hacinco.

Sáng 16/5, CDC Hà Nội cho biết, trên địa bàn ghi nhận 5 ca dương tính mới, các ca đều đã được cách ly tập trung, trong đó 3 người là F1 (2 F1 liên quan đến chùm Bệnh viện K3, 1 F1 của BN3634 - là Giám đốc Công ty Hacinco) và 2 ca là người nhập cảnh từ Nhật Bản.

Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân L.Đ.L., nam, sinh năm 1961. Địa chỉ: 17 tổ 14, Yên Nghĩa, Hà Đông. bệnh nhân là F1 của BN3433 (B.V.N., liên quan K3, ghi nhận tại Hòa Bình), tiếp xúc ngày 7/5. Ngày 10/5, được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung tại trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Nam Từ Liêm (kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính). Ngày 15/5, BN được lấy mẫu lần 2 cho kết quả dương tính (mẫu do CDC Hà Nội thực hiện).

Trường hợp thứ hai là bệnh nhân V.M.T., nam, sinh năm 1978, là nhân viên văn phòng, địa chỉ tại số 17 ngõ 19/15/2 Liễu Giai, Ba Đình. Bệnh nhân là F1 của BN3634 – giám đốc Công ty Hacinco, được lấy mẫu xét nghiệm và chuyển cách ly tập trung tại trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sơn Tây. Ngày 12/5, kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính. Đến ngày 15/5, bệnh nhân xuất hiện sốt nhẹ, đau họng, mệt mỏi được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho kết quả dương tính (mẫu do CDC Hà Nội thực hiện).

Trường hợp thứ ba là bệnh nhân Đ.T.L., nam, sinh năm 1963. Địa chỉ: Tân Dân, Việt Trì, Phú Thọ; BN điều trị tại khoa Ngoại, Bệnh viện K, cơ sở Quán sứ, sau đó chuyển khoa Xạ 3, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều từ ngày 26/4; được chuyển cách ly tập trung tại trường Cao đẳng Nghề Công nghệ cao, Nam Từ Liêm ngày 11/5. Ngày 15/5, có triệu chứng sốt 38 độ C được TTYT Nam Từ Liêm lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính (mẫu do CDC Hà Nội thực hiện).

2 trường hợp còn lại là người về từ Nhật Bản trên chuyến Bay JL751 nhập cảnh tại sân bay Nội Bài ngày 24/4, được chuyển cách ly tập trung tại khách sạn Hacinco, Đống Đa.

Nhân viên bán hàng điện máy ở Đà Nẵng nhiễm COVID-19, chưa rõ nguồn lây

Nữ nhân viên chỉ đi làm rồi về nhà và rất chú ý đeo khẩu trang, đảm bảo khoảng cách nhưng vẫn nhiễm COVID-19. Hiện, chưa xác định được nguồn lây nhiễm cho người này.

Đó là trường hợp đặc biệt trong số 8 ca dương tính với SARS-CoV-2 được xác định ngày 15/5 tại TP.Đà Nẵng.

Người này là V.T.L.V, nữ, SN 1986, trú đường Phó Đức Chính, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng. Chị V. làm nhân viên bán hàng điện máy Bách Phú Đạt (số 786 Ngô Quyền, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà).

Theo điều tra dịch tễ của cơ quan chức năng, bệnh nhân này là người có ý thức phòng chống dịch bệnh COVID-19. Từ khi TP.Đà Nẵng bùng phát dịch, chị sợ nhiễm bệnh nên đa phần chỉ đi làm rồi về nhà, không đi đâu.

Cụ thể: 

Từ 30/4-1/5, bệnh nhân chỉ nấu ăn ở nhà, không đi đâu.

Ngày 2/5-9/5, bệnh nhân đi làm tại công ty. Tại đây bệnh nhân chỉ tiếp xúc với đồng nghiệp và khách đến mua hàng. Bệnh nhân đeo khẩu trang thường xuyên và luôn có ý thức đứng giãn cách. Sau giờ làm bệnh nhân về nhà. 

COVID-19 ngày 16/5: Sức khoẻ bệnh nhân mắc COVID-19 nặng chuyển từ An Giang lên TP. HCM hiện ra sao? - 5

Siêu thị Bách Phú Đạt - nơi ca bệnh Covid-19 tại Đà Nẵng làm việc.

Ngày 10/5, bệnh nhân có đến siêu thị Coop mart, đường Bình Than, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà. Tại đây, bệnh nhân chỉ tiếp xúc với thu ngân và người giữ xe.

Ngày 11/5, bệnh nhân đi chợ An Hải Bắc có ghé quầy cá sau đó về nhà.

Ngày 12/5, bệnh nhân đi làm tại công ty. Tại công ty, bệnh nhân có tiếp xúc với đồng nghiệp và đứng cách xa. Buổi chiều người này thấy mệt, đau đầu nên về nhà nghỉ ngơi.

Ngày 13/5, chị bắt đầu sốt nên xin phép ở nhà. Ngày 14/5, bệnh nhân đến trung tâm Y tế quận Sơn Trà để khám bệnh. Tại đây bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Cơ quan chức năng chưa xác định được nguồn lây nhiễm cho bệnh nhân này. Hiện, chị được chuyển đi điều trị COVID. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng sẽ phối hợp với trung tâm y tế các quận huyện tiếp tục điều tra, bổ sung dịch tễ trường hợp này.

Theo Người đưa tin

Phát hiện 2 biến chủng SARS-CoV-2 mới tại Việt Nam

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương mới đây cho biết đã phát hiện ra 2 biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 sau khi giải trình tự gen các mẫu xét nghiệm mà bệnh viện đã thực hiện.

Phát hiện hai biến thể mới của virus SARS-CoV-2

Đây là phát biểu của Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tại Tại Hội nghị trực tuyến “Hướng dẫn triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2” với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ngày 14/5 tại Bộ Y tế.

Ở Việt Nam đã giải trình tự gen ra rất nhiều biến thể của SARS-CoV-2, trong đó có 2 biến chủng của Anh và Ấn Độ. Tuy nhiên, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn giải ra 2 biến chủng khác nữa đó là B.1.222 xuất hiện ở 12 quốc gia, nhiều nhất là ở Anh, và biến chủng B.1.619 từ nhiều nước, có nguồn gốc có thể từ Cameroon của Châu Phi sau lan ra châu Âu. Hai biến chủng này chưa xuất hiện nhiều ở trong các mẫu bệnh phẩm bệnh viện đã thực hiện.

Trong 32 mẫu bệnh phẩm bệnh viện đã giải trình tự gen trong đợt dịch ở Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương đều lên chủng của Ấn Độ B.1.617.2. Chủng này mang đầy đủ 13 đột biến so với chủng ở Vũ Hán và 3 đột biến ở protein S, các biến chủng này lưu hành rất lớn trên thế giới và ở Việt Nam.

COVID-19 ngày 16/5: Sức khoẻ bệnh nhân mắc COVID-19 nặng chuyển từ An Giang lên TP. HCM hiện ra sao? - 6

Biến chủng virus từ Ấn Độ là biến chủng đột biến ngay trên chủng  B.1.1.7 từ Anh. Biến chủng này có tốc độ lây lan rất nhanh (đặc tính của chủng biến thể Anh) và có dấu hiệu làm giảm tác dụng của vắc-xin (đặc tính của chủng biến thể Nam Phi) nên được gọi là chủng virus biến thể kép (hay đột biến kép).

Biến chủng B.1.617 tại Ấn Độ chứa 13 đột biến khác nhau, trong đó có 3 đột biến quan trọng là E484Q, L452R và P681H có khả năng lây lan nhanh chóng. Một số nghiên cứu cho thấy, 2 đột biến E484Q, L452R trong biến chủng B.1.617 có thể trốn tránh hệ thống miễn dịch, bởi vậy vắc-xin COVID-19 vẫn có tác dụng chống lại biến thể B.1.617 nhưng kém hiệu quả hơn. Cũng có những dấu hiệu cho thấy những người mắc COVID-19 cũng có những dấu hiệu tái nhiễm với biến thể này, đặc biệt là khi khả năng miễn dịch của họ suy yếu theo thời gian.

Thế hệ virus SARS-CoV-2 trước đây thường nhân bản trong phổi, nhưng biến chủng của virus này có thể trú ngụ bất cứ nơi nào trong cơ thể như cổ họng vì thế nó lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn.

Biến chủng B.1.617.2 đang lưu hành tại Việt Nam mang 2 đột biến L452R và P681H, do đó cũng có thể lý giải vì sao số ca nhiễm trong cộng đồng trong thời gian qua không ngừng tăng lên là do biến chủng mới này có khả năng lây lan nhanh chóng.

Nhiều lần xét nghiệm mới phát hiện dương tính là điều bình thường trong dịch tễ học

Cũng tại Hội nghị, PGS. TS. Trần Như Dương - Phó Viện trưởng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cũng lý giải nguyên nhân vì sao có trường hợp xét nghiệm lần 1, 2, 3 cho kết quả âm tính nhưng lần 4 lại cho kết quả dương tính (như trường hợp của bệnh nhân ở Hà Nam).

Việc xét nghiệm cho kết quả những lần đầu âm tính, lần sau dương tính là hoàn toàn bình thường trong dịch tễ học. Bởi vì bình thường khi virus xâm nhập vào cơ thể phải có thời gian nhân lên trong tế bào. Thời gian ủ bệnh SARS-CoV-2  trung bình có thể  từ 2-14 ngày, thời gian ủ bệnh tùy thuộc vào từng người, theo sự cảm nhiễm của cơ thể với virus, nồng độ nhiễm của virus với từng người, chủng virus khác nhau khả năng ủ bệnh cũng khác nhau.

COVID-19 ngày 16/5: Sức khoẻ bệnh nhân mắc COVID-19 nặng chuyển từ An Giang lên TP. HCM hiện ra sao? - 7

Trong khu cách ly tập trung, việc lấy mẫu xét nghiệm nhiều lần càng nắm bắt được sớm hơn nguồn lây.

Trong giai đoạn ủ bệnh virus đang nhân lên âm thầm trong tế bào, số lượng virus chưa đủ lớn để phóng ra ở dịch mũi họng, do đó lúc đó xét nghiệm chưa có kết quả dương tính. Chính vì vậy khi theo dõi trong khu cách ly tối thiểu phải xét nghiệm 3 lần, lầu đầu ngay sau khi vào khu cách ly tập trung, lần thứ 2 vào ngày thứ 14, lần 3 ngày thứ 20. Làm như thế để xem khi nào virus ủ bệnh, hết thời gian ủ bệnh mới bung ra, lúc đó mới xác định dương tính được.

Điều này cũng lý giải tại sao F1 âm tính F2 tiếp xúc lúc đó được giải phóng cách ly. Vì khi xét nghiệm F1 âm tính, lúc đó virus đang trong tế bào, số lượng chưa đủ lớn ra mũi họng, do đó người F1 lúc đó vô hại, chưa thể lây cho ai, vì vậy những người F2 tiếp xúc với F1 trước thời điểm lấy mẫu âm tính đó cũng vô hại. Tuy nhiên, cũng có thể ngay ngày hôm sau virus nhân lên với số lượng đủ lớn, tiết ra mũi họng lúc đó xét nghiệm dương tính là chuyện bình thường bởi virus nhân lên số lượng đủ lớn thì mới phát bệnh. Thậm chí có người sáng âm tính, chiều lại dương tính vì chiều đúng thời điểm virus có số lượng đủ lớn để giải phóng ra dịch tiết mũi họng.  Xét nghiệm càng dày trong khu cách ly tập trung càng nắm bắt được sớm hơn nguồn lây.

Theo Sức khỏe đời sống

Nghệ An: F1 tử vong khi chưa kịp lấy mẫu xét nghiệm, bệnh viện phong toả 1 khoa
Ông cụ 88 tuổi, là F1 của bệnh nhân dương tính với Covid -19 tử vong khi chưa kịp lấy mẫu xét nghiệm.
HOÀNG DƯƠNG (Tổng hợp)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dịch COVID-19