Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm A/H1N1 gây nên. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao và lây lan nhanh trong cộng đồng. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu biết cách.
Virus cúm A/H1N1 sống rất dai
Cúm A/H1N1 thường dễ mắc và lây lan vào mùa đông xuân, nhưng khác với cúm mùa thông thường, chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng – Bộ Y tế, cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 đến 48 giờ trên các bề mặt như bàn, ghế, tủ, tay vịn cầu thang...
Virus cúm A/H1N1 sống rất lâu và lây lan nhanh.
Tồn tại trong quần áo từ 8 đến 12 giờ và duy trì được 5 phút trong lòng bàn tay. Loại virus này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước, có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C.
Do đó, các hồ bơi trong các khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường cho virus phát triển, nhất là vào tiết trời mưa dầm, thiếu ánh nắng để diệt vi rút.
Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
Người mang vi rút cúm A(H1N1) có khả năng truyền virrus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ...
Cần phải đặc biệt chú ý đến dịch tiết mũi họng, đây là tác nhân lây bệnh rất nhanh.
Bệnh thường có biểu hiện như sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể bị suy hô hấp và dẫn đến tử vong.
Phòng bệnh ra sao?
Cách phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh cá nhân và nơi ở sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng và che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Khi phát hiện mắc cúm cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, đồng thời nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Khi mắc cúm, người bệnh nên uống nhiều nước và nghỉ ngơi, hầu hết sẽ hồi phục trong vòng một tuần. Ngoài ra có thể dùng thuốc kháng virus cúm, để làm giảm các biến chứng nặng và nguy cơ tử vong.
Thuốc được chỉ định đối với các nhóm có nguy cơ cao như: người mắc các bệnh mãn tính, người già, trẻ nhỏ… và cần được dùng sớm (trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện các triệu chứng) theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cần phải tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm.
Dược sĩ Nguyễn Thị Hường cho biết, có thể phòng bệnh cúm A/H1N1 bằng thảo dược, trong đó có tinh dầu tràm.
Liên quan đến việc phòng bệnh cúm A/H1N1, dược sĩ Nguyễn Thị Hường (Hà Nội) cho biết, người dân có thể phòng bệnh bằng thảo dược, đó là dùng tinh dầu tràm.
Tuy nhiên, khi sử dụng phải đảm bảo hoạt chất a- Tepineol (có trong tinh dầu tràm) ở mức 5 – 12% nồng độ.
Theo dược sĩ Hường, tinh dầu tràm đảm bảo nồng độ trên sẽ có hiệu quả cao trong việc chống lại nhiễm trùng từ vi khuẩn, virrus và nấm, ví dụ như uốn ván (vi khuẩn), cúm (virus) và các bệnh truyền nhiễm như bệnh tả và thương hàn.
Do có tính sát khuẩn cao, nên tinh dầu tràm khiến cho việc miễn nhiễm với các loại virus có trong không khí, ức chế sự phát triển trong các môi trường yếm khí của virus.
Có thể dùng loại tinh dầu này để xông phòng, tắm hoặc rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh… để phòng bệnh.
Khuyến cáo phòng bệnh cúm A/H1N1 của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế: 1. Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. 2. Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn thông thường. 3. Người dân nên tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… thì thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu được xác định mắc cúm thì cần được cách ly và đeo khẩu trang. 4. Những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. 5. Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc bệnh cúm. 6. Cần đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh. 7. Không tự ý sử dụng thuốc đặc biệt là thuốc kháng vi rút như Tamiflu mà phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc. |