Với những triệu chứng tương đồng lại cùng gây ra bởi virus, cúm thường và cúm A rất khó phân biệt với nhau.
Cúm A là gì?
Bệnh cúm do virus truyền nhiễm tấn công hệ hô hấp của bạn. Virus cúm lây nhiễm sang người có thể được phân thành 3 nhóm chính: A, B và C. Trong đó, cúm A gây ra các triệu chứng bệnh nghiêm trọng hơn, có khả năng lây lan rộng và tạo thành dịch.
Các triệu chứng thông thường của nhiễm cúm A có thể bị nhầm lẫn với các loại cúm thông thường hoặc các bệnh lý khác. Nhiễm cúm A trong trường hợp nhẹ có thể tự khỏi nhờ cơ chế miễn dịch của cơ thể, nhưng trường hợp nặng cũng có thể gây nguy hiểm tới tính mạng.
Không giống như cảm lạnh thông thường, bệnh cúm A thường xảy ra với các triệu chứng khởi phát đột ngột, bao gồm:
- Ho khan
- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
- Hắt xì
- Viêm họng
- Sốt
- Đau đầu
- Mệt mỏi, đau nhức cơ thể
- Ớn lạnh
Đôi khi, các triệu chứng cúm A có thể tự hết. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng kéo dài hơn một tuần mà không có tiến triển, hãy đi thăm khám bác sĩ. Những người có nguy cơ cao bị biến chứng cúm, chẳng hạn như những người từ 65 tuổi trở lên hoặc những người bị suy giảm hệ thống miễn dịch, nên đi khám ngay lập tức. Trong một số trường hợp hiếm hoi, bệnh cúm A có thể gây chết người.
Nếu không được điều trị, bệnh cúm A có thể gây ra:
- Nhiễm trùng tai
- Tiêu chảy
- Buồn nôn, nôn mửa
- Chóng mặt
- Tức ngực
- Hen suyễn
- Viêm phổi
- Viên phế quản
- Các vấn đề về tim mạch
Cúm A khác gì cúm thường?
Cúm thường hay còn được gọi là cảm cúm hoặc cảm lạnh. Đây là một nhóm các triệu chứng ở đường hô hấp trên do hơn 200 loại virus gây ra. Chúng thường phát triển mạnh ở điều kiện ẩm ướt, mát mẻ, nhiệt độ thấp, đặc biệt vào mùa thu đông. Trong số các loại virus gây nên bệnh cúm thường thì virus Rhinovirus là loại thường gặp nhất và gây bệnh ở mũi.
Bệnh cảm cúm thường nhẹ, nhanh khỏi sau vài ngày và ít gây ra các biến chứng nguy hiểm. Virus lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp, dịch tiết mũi họng từ người sang người hoặc lây qua đường tiếp xúc với vật bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng của cảm lạnh thông thường kéo dài khoảng một tuần và virus này dễ lây lan trong thời gian nhiễm bệnh.
Trong khi đó, cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính. Bệnh cúm A gây ra bởi các chủng của virus cúm A, bao gồm: H1N1, H5N1, H7N9. Hầu hết những người nhiễm bệnh có thể khỏi bệnh mà không cần dùng đến điều trị thuốc. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhập viện và tử vong vì nhiễm virus này. Cúm A rất dễ lây lan và có những triệu chứng nặng hơn cúm thường rất nhiều, thời gian khỏi bệnh cũng lâu hơn. Cúm A có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ em, phụ nữ mang thai và người già.
Chẩn đoán cúm A
Trước khi điều trị cúm A, bác sĩ sẽ cần kiểm tra virus cúm. Thử nghiệm ưu tiên là xét nghiệm phân tử nhanh bằng cách lấy dịch mũi hoặc họng. Xét nghiệm sẽ phát hiện RNA của virus cúm trong vòng 30 phút hoặc ít hơn. Ngoài ra, bác sĩ cũng phải dựa vào các triệu chứng và dấu hiệu để chẩn đoán bệnh.
Cách điều trị cúm A
Trong một số trường hợp, các triệu chứng cúm A có thể tự khỏi khi nghỉ ngơi nhiều và uống nhiều nước. Trong các trường hợp khác, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus để chống lại nhiễm trùng.
Các đơn thuốc kháng virus phổ biến bao gồm:
- zanamivir (Relenza)
- oseltamivir (Tamiflu)
- peramivir (Rapivab)
Những loại thuốc này, được gọi là chất ức chế neuraminidase, làm giảm khả năng lây lan của virus cúm từ tế bào này sang tế bào khác, từ đó làm chậm quá trình lây nhiễm. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ, chẳng hạn như buồn nôn và nôn mửa. Nếu gặp các triệu chứng bất thường hoặc tình trạng bệnh xấu đi khi dùng thuốc, nên tới ngay cơ sở y tế để thăm khám.
Cách phòng tránh cúm A hiệu quả nhất
Cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh cúm là tiêm chủng hàng năm. Mỗi mũi tiêm phòng cúm bảo vệ chống lại 3 đến 4 loại virus cúm khác nhau.
Các cách khác để phòng tránh bệnh cúm A bao gồm:
- Rửa tay thường xuyên
- Che miệng khi hắt hơi hoặc ho
- Tránh đưa tay trực tiếp lên mặt
- Không nên tiếp xúc với người đang bị các bệnh đường hô hấp
- Tránh tới nơi đông người khi bị ốm
- Thường xuyên vệ sinh, khử trùng các bề mặt thường xuyên đụng chạm
- Ăn uống điều độ, tập thể dục và nghỉ ngơi đầy đủ
- Cân nhắc và tham khảo thêm ý kiến bác sĩ về việc bổ sung vitamin tổng hợp để hỗ trợ tăng cường miễn dịch.
Nhóm đối tượng có nguy cơ cao cần phòng bệnh cúm A
Trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi
Cúm là bệnh lý rất nguy hiểm với trẻ em. Trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt dưới 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng nghiêm trọng của cúm như mất nước, nhiễm trùng tai, viêm phổi,… thậm chí tử vọng nếu không may mắc bệnh.
Phụ nữ mang thai
Phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh 2 tuần nếu bị cúm dễ rơi vào tình trạng bệnh nặng hơn.
Người từ 65 tuổi trở lên
Người cao tuổi trên 65 tuổi cũng có nguy cơ cao mắc phải các biến chứng liên quan tới cúm. Lý do không nhỏ là do hệ miễn dịch đã dần suy yếu theo tuổi tác. Trong hầu hết các đợt cúm trong năm, người lớn tuổi đều chiếm đa số các ca tử vong và chiếm hơn 50% số ca nhập viện vì cúm.
Người đang có các bệnh mãn tính
Một số bệnh mãn tính có nguy cơ trở nên nghiêm trọng hơn nếu người bệnh mắc phải cúm. Ví dụ như bệnh nhân tim mạch có thể bị đau tim cao gấp 6 lần trong vòng 7 ngày đầu nhiễm cúm. Những người bị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) có nguy cơ tiến triển biến chứng nguy hiểm liên quan tới cúm như hen và bệnh phổi mạn tính dễ vào kịch phát phải nhập viện. Người bị tiểu đường cũng vậy, nhiễm cúm có khả năng gây mất kiểm soát lượng đường huyết dẫn đến các biến chứng.
Người bị suy giảm hệ miễn dịch
Những người có hệ thống miễn dịch yếu như bệnh nhân ung thư, người từng mắc ung thư, người bị HIV/AIDS có nguy cơ cao gặp nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng – thậm chí là đe dọa tính mạng khi bị cúm.
Người béo phì
Người có BMI (chỉ số cơ thể) từ 40 trở lên có tỷ lệ biến chứng nặng vì cúm cao hơn người có cân nặng khỏe mạnh (có BMI từ 18.5 tới dưới 25).
Nguồn tham khảo: Signs and Symptoms of Type A Influenza - Đăng tải trên trang tin y tế Health Line - Xuất bản ngày 10/6/2020. |