Ngộ độc thực phẩm do rất nhiều vi khuẩn gây nên. Đáng nói là chúng xuất hiện ở không ít các loại thực phẩm thiết yếu hằng ngày của con người. Để phòng ngừa nhiễm khuẩn, bạn nên biết đến danh sách những loại dễ bị nhiễm độc hàng đầu hiện nay.
1. Thịt đỏ. Các loại vi khuẩn gây ngộ độc thức ăn phổ biến nhất như Salmonella, E. coli và Listeria thường có trong thịt bò, thịt cừu, thịt lợn và một số loại thịt đỏ khác. Vì vậy, nếu thịt nấu chưa chín kĩ, các vi khuẩn này chưa bị tiêu diệt thì sẽ có cơ hội gây bệnh khi xâm nhập vào cơ thể người. Điều này có thể đặc biệt nguy hiểm với trẻ em, người già và phụ nữ đang mang thai vì những đối tượng này có hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu hơn.
2. Trứng rất dễ nhiễm vi khuẩn Salmonella – loại vi khuẩn này có thể ngấm vào tận bên trong trứng. Vì vậy, khi mua trứng, bạn xem chú ý tới ngày đóng hộp. Trứng sẽ an toàn trong khoảng thời gian từ trước 4 – 5 tuần sau khi đóng gói. Ngoài ra, bạn cần lưu ý nấu chín trứng là điều rất cần thiết và nên từ bỏ thói quen ăn trứng sống.
3. Các sản phẩm sữa không tiệt trùng. Nếu bạn là một fan của các loại pho mát hay các loại sữa tươi được lấy trực tiếp từ động vật, bạn đã nằm trong nhóm có nguy cơ cao nhiễm Listeria, Salmonella và E. Coli, những loại vi khuẩn được tìm thấy khá nhiều trong sữa chưa được tiệt trùng. Nếu động vật cho sữa bị nhiễm khuẩn E.coli, sữa của chúng hoàn toàn có khả năng gây ngộ độc, gia tăng các bệnh đường ruột cho người uống.
4. Thịt gia cầm dễ nhiễm Salmonella, đặc biệt nguy hiểm với trẻ em, người già và phụ nữ đang mang thai vì những đối tượng này có hệ thống miễn dịch đã bị suy yếu. Tất cả các sản phầm thịt gia cầm nên được nấu đến nhiệt độ bên trong ít nhất là 165 độ.
5. Rau có lá. Rau diếp, rau bina và các loại rau lá xanh khác dễ bị nhiễm E. coli và salmonella từ các hóa chất dùng để bón và thúc đẩy phát triển. Những loại quả có vỏ bảo vệ bên ngoài, trong khi rau sẽ bị nhiễm vi khuẩn trực tiếp chủ yếu trên lá.
6. Rau sống khi được sử dụng trực tiếp đều tiềm ẩn nhiều nguy hại cho sức khỏe con người. Nguyên nhân là do bên cạnh việc tồn tại trong cơ thể động vật, vi khuẩn e.coli cũng có thể dễ dàng xâm nhập vào môi trường nước bao gồm: sông, hồ, ao, thậm chí cả nước sinh hoạt. Sau đó, các loại rau lại được tưới bằng thứ nước nhiễm khuẩn này. Bạn nên lưu ý lựa chọn các cơ sở rau quả có chất lượng và rửa sạch chúng bằng nước muối trước khi sử dụng.
7. Rau mầm thường được trồng trong điều kiện nóng, ẩm ướt. Đó cũng là điều kiện tốt nhất để vi khuẩn giống E. coli và salmonella phát triển. Nhật Bản đã từng trải qua một đợt bùng phát E. coli tồi tệ nhất trong lịch sử vào năm 1996 với khoảng 10.000 người nhiễm bệnh do mầm củ cải bị nhiễm độc.
8. Thực phẩm dành cho trẻ em. Một nghiên cứu của Quỹ Bảo vệ môi trường (EDF) ở Mỹ đã phát hiện ra rằng: Thực phẩm là một nguyên nhân đáng ngạc nhiên gây nhiễm độc chì, trong đó thực phẩm dành cho trẻ em có mức độ nhiễm chì cao hơn thức ăn thông thường với 20% trong số 2.164 mẫu thực phẩm dành cho trẻ em bị phát hiện nhiễm chì. Những loại thức ăn dành cho trẻ em bị nhiễm chì ở mức nghiêm trọng nhất là: nước nho (89% mẫu có chứa chì), khoai lang (86%) và bánh mứt (64 %).
9. Trái cây và rau quả thường là nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm. Năm 2006,dịch nhiễm Salmonella trong cà chua đã ảnh hưởng tới 183 người Mỹ. Và trong năm 2011, dịch Listeria bùng phát vì ăn dưa hấu nhiễm độc đã giết chết 33 người.
10. Thực phẩm đóng hộp. Nếu khi mua và sử dụng không cẩn thận, con người có thể bị ngộ độc do ăn phải mầm bệnh phát triển ở trong loại thực phẩm này do bị nhiễm độc tố vi khuẩn Clostridium botulinum, một loại vi khuẩn kị khí gram dương. Nó có khả năng sinh nha bào khi gặp điều kiện sống không thuận lợi. Nha bào của vi khuẩn có thể chịu được nhiệt độ 1200C trong 4 phút. C. botulinum sống trong đất, bùn, bụi bẩn, ruột cá, ruột gia súc và đặc biệt phát triển mạnh trong thức ăn ôi thiu, môi trường kín như thịt hộp để lâu ngày.
11. Cá ngừ rất dễ nhiễm độc tố scombrotoxin. Độc tố này gây ra những triệu chứng ngộ độc như sốt, đau đầu, co giật cơ... Nếu bảo quản ở nhiệt độ không thích hợp, cá ngừ sẽ tiết ra độc tố và điều nguy hại là độc tố này không bị tiêu hủy khi nấu nướng.
12. Hàu rất dễ bị nhiễm virus Norovirus và vi khuẩn Vibrio vulnificus, gây nôn mửa và tiêu chảy. Bởi vậy, món hàu sống là không nên dùng, dù ăn với mù tạt.
13. Kem lạnh thường bị nhiễm vi khuẩn Salmonella và Staphylococcus. Những loại kem “handmade” sử dụng trứng sống thì cũng rất dễ bị dính Salmonella.
14. Nước. Mặc dù không phải thực phẩm nhưng nước rất cần phải đề cập đến vì nó là thứ thiết yếu cho cuộc sống. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh tiêu chảy do nước gây tử vong cho 2 triệu người mỗi năm, phần lớn là ở trẻ em dưới 5 tuổi. Các mầm bệnh khác nhau từ vi khuẩn E. Coli, Legionella và enteroviruses có thể xuất hiện trong nước. Vì vậy, hãy lọc nước hoặc đun sôi cẩn thận trước khi uống.