Bảo quản thực phẩm trong dịp Tết vô cùng quan trọng, tuy nhiên không phải ai cũng biết được cách bảo quản đúng, để tránh vi khuẩn xâm nhập.
Trong những ngày Tết, vấn đề bảo quản thực phẩm làm sao cho an toàn khiến không ít gia đình đau đầu. Với số lượng đồ ăn sống và chín rất nhiều, nếu không bảo quản đúng cách và an toàn sẽ gây nên rất nhiều hệ lụy đối với sức khỏe, thậm chí phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm.
Trao đổi với phóng viên PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh – Chuyên gia Dinh dưỡng Bệnh viện Medlatec cho biết, hiện nay hầu hết các gia đình đều đã có tủ lạnh để dự trữ đồ ăn. Tuy nhiên tủ lạnh không phải là chiếc “chìa khóa vạn năng” để bảo quản thực phẩm.
Theo phân tích của PGS Nguyễn Xuân Ninh không phải loại thực phẩm nào khi bảo quản trong tủ lạnh cũng tốt. Vì nó sẽ mất đi giá trị dinh dưỡng và vẫn sản sinh ra các vi khuẩn gây hại cho sức khỏe nếu bảo quản lâu ngày.
Chính vì lý do đó, để tiết kiệm các gia đình nên chế biến phù hợp với số lượng ăn bữa nào hết bữa đó trừ một số món phải chế biến lâu như măng, giò, chả… những trường hợp đó phải bảo quản cẩn thận.
PGS Vũ Xuân Ninh cho rằng, tủ lạnh không phải là giải pháp bảo quản đồ lâu dài, vì dễ bị vi khuẩn tấn công và mất chất dinh dưỡng.
“Như món măng hầm nếu nấu một nồi to, khi ăn nên cho ra từng nồi nhỏ rồi mới đun, chứ không nên đun cả nồi to rồi cứ múc ra đổ vào, như vậy sẽ rất nhanh hỏng. Nhìn chung các món để lâu ngày tôi khuyên các bà nội trợ nên chia ra các nồi nhỏ, ăn tới đâu lấy tới đó”, PGS Ninh khuyến cáo.
Đồng quan điểm trên, TS Đặng Thị Thanh Quyên – Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ sinh học và Vệ sinh an toàn thực phẩm (Trường đại học Kinh tế kỹ thuật công nghiệp) cũng cho rằng, khi bảo quản thức ăn trong những ngày tết cần phải có kỹ thuật để tránh bị hỏng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Với các thực phẩm tươi sống như thịt, cá bắt buộc phải bảo quản trong điều kiện lạnh đông (ngăn đá). Tuy nhiên, TS Quyên cũng cho rằng khi bảo quản thực phẩm ở ngăn đá cũng cần có sự sàng lọc.
Không nên để quá nhiều đồ trong tủ lạnh. Khi bảo quản cần phải có túi và hộp chuyên dụng để bảo quản.
“Khi bảo quản ở ngăn đá với nhiệt độ thấp hầu như sẽ ức chế sự phát triển của vi sinh vật, nhưng chất lượng bị thay đổi. Đặc biệt, khi mang thực phẩm ra ngoài để rã đông, khi đó vi sinh vật rất dễ xâm nhập và gây ảnh hưởng đến sức khỏe”, TS Quyên cảnh báo.
Đối với các loại rau củ quả không nên sử dụng sản phẩm trái mùa. Trước khi bảo quản không nên rửa vì khi dính nước rau củ quả rất dễ ủng, hỏng. Các gia đình chỉ nên sơ chế và cho vào các loại bao bì phù hợp để ở ngăn mát (nhiệt độ dương).
“Thông thường ngăn mát tủ lạnh của các gia đình thường để nhiều loại thực phẩm khác nhau. Vì thế vấn đề sơ chế là rất quan trọng. Ngoài ra, việc chọn bao bì để lưu trữ cũng giúp sản phẩm để được lâu hơn.
Bởi trong trường hợp để rau hoặc buộc bó sẽ gây hiện tượng đọng nước bên dưới, nghĩa là hơi nước trong rau bốc lên rồi đọng lại. Khi bị đọng nước rau củ dễ bị thối vừa gây lãng phí, nếu sử dụng gây ảnh hưởng đến sức khỏe”, TS Quyên chia sẻ.
Đối với một số sản phẩm khác như bánh kẹo, đường, rượu bia, bánh kẹo, TS Quyên cho rằng, chỉ cần bảo quản nơi khô ráo thoáng mát, không nhất thiết phải bảo quản trong tủ lạnh.