Nhìn những món ăn trên bàn có vài sợi lông chó, tôi lại cảm thấy lo lắng cho tương lai khi về chung một nhà với gia đình bạn trai.
Nhiều gia đình ngày nay thích nuôi chó, mèo trong nhà và yêu quý chúng như người thân trong gia đình, thậm chí còn để thú cưng ăn chung, ngủ chung. Tuy nhiên, không ít người cho rằng việc nuôi chó mèo trong gia đình lại còn ăn chung, ngủ chung rất mất vệ sinh.
Dù vậy, đây là quan điểm cá nhân của mỗi người nhưng nếu hai phe đối lập này lại về chung một nhà thì sao? Một nữ cư dân mạng người Trung Quốc đã chia sẻ trên mạng xã hội ẩn danh Dcard về câu chuyện với tiêu đề "Vì con chó của gia đình bạn trai mà tôi muốn chia tay".
Cụ thể, cô gái chia sẻ mới đây đã về ra mắt nhà bạn trai lần đầu tiên. Khi tới nhà, cô rất bất ngờ khi "người" đầu tiên mẹ bạn trai giới thiệu với cô lại là con chó cưng trong nhà tên Malta. Thậm chí người mẹ còn bảo cô chào hỏi con chó. Khi con chó sủa vào cô như đe dọa, mẹ bạn trai không hề tỏ ý ngăn cản mà còn cười.
Điều không ngờ hơn nữa là khi ngồi vào bàn ăn, cô phát hiện trong bát canh có sợi lông chó nổi lềnh phềnh, trong bát cơm cũng thấy lông chó. Cô gái còn hãi hùng hơn khi thấy con chó thay vì có bát ăn riêng, lại được bà chủ thản nhiên lấy bát đĩa ăn của gia đình ra cho dùng.
Tôi kinh hãi khi thấy trên bát canh và bát cơm có lông chó. (Ảnh minh họa)
Cô gái cho biết suốt bữa ăn, cô chỉ dám ăn rất ít vì sợ rằng có thể những đĩa thức ăn khác cũng có lông chó trong khi mọi người xung quanh vẫn thoải mái ăn uống. Mặc dù gia đình bạn trai rất thân thiện, chào đón nhưng cô gái cảm thấy không thoải mái khi nghĩ đến cảnh lông chó có thể ở đâu đó khắp nhà.
Nhưng điều hãi hùng nhất là khi cô thấy cảnh tượng bạn trai rồi cả bố người yêu để con chó liếm lên mặt và cả miệng và còn cười thích thú. Thậm chí, họ còn bảo con chó cưng lại gần liếm mặt cô.
Lúc này, cô gái cảm thấy quá sức chịu đựng nên đã lấy cớ có việc gấp xin phép gia đình ra về sớm. Trên đoạn đường về nhà, cô gái kinh hãi khi nghĩ lại những lần hôn nhau với bạn trai liệu không biết anh ta có hôn con chó trước khi hôn cô hay không.
Nhưng điều đáng lo lắng hơn là cô gái cho biết đã mang bầu và sợ rằng nếu sau này sinh em bé mà sống trong gia đình bạn trai với con chó như vậy sẽ ảnh hưởng đến con mình. Bản thân cô cũng là người ưa thích sạch sẽ, không thích nuôi chó mèo trong nhà. Cô gái cũng biết chắc sẽ không thể nào ra ở riêng vì người yêu là con trai một, gia đình cũng không quá khá giả để có thể mua cho họ căn nhà.
Vì vậy, cô bắt đầu lo lắng nghĩ việc liệu có nên nói chuyện lại với bạn trai, nếu như gia đình anh không đồng ý thì cô gái có nên chia tay.
Tôi bắt đầu suy nghĩ về việc có nên chia tay với bạn trai vì con chó của gia đình anh. (Ảnh minh họa)
Nhiều cư dân mạng chỉ ra rằng "Vấn đề không phải ở con chó mà là ở gia đình bạn trai, họ không có ý thức về vấn đề vệ sinh. Nếu bạn về đấy ở dễ sẽ phải thành người hầu suốt ngày dọn dẹp". Một số khác lại đưa ra lời khuyên nhẹ nhàng hơn rằng cô gái nên tâm sự với bạn trai về vấn đề này để xem phía anh và gia đình có giải pháp nào để cả hai bên đều thoải mái hay không".
Vật nuôi trong nhà có ảnh hưởng gì đến trẻ em?
Thực tế, việc nuôi chó mèo trong nhà khi có trẻ nhỏ là vấn đề mà nhiều người rất quan tâm bởi hệ miễn dịch của trẻ non nớt hơn so với người lớn. Vậy việc nuôi thú cưng trong gia đình có những tác động gì tới trẻ:
Ưu điểm:
Bạn đồng hành tập thể dục
Nghiên cứu từ Đại học Deakin, Melbourne (Australia) cho thấy trẻ nhỏ chơi với chó có nguy cơ bị thừa cân hoặc béo phì thấp hơn tới 50%.
Gia tăng sự thân mật
Tiến sĩ June McNicholas, nhà tâm lý học từ Đại học Warwick (Anh), người chuyên về tương tác giữa người và thú cưng, cho biết hơn 90% trẻ em liệt thú cưng vào danh sách mười mối quan hệ đặc biệt nhất của chúng. “Trong một số trường hợp, thú cưng thậm chí còn được đặt lên hàng đầu, trên tất cả các mối quan hệ của con người. Những đứa trẻ, 7 và 8 tuổi, cho biết chúng tâm sự với thú cưng và tìm đến chúng để được an ủi khi ốm", tiến sĩ June cho hay.
Trẻ nuôi đông vật tránh được tăng cân béo phì, sức khỏe tinh thần tốt,... (Ảnh minh họa)
Biết kiên nhẫn
Maggie O'Haire từ Trường Tâm lý học và Trung tâm Sức khỏe Động vật Đồng hành của Đại học Queensland cho biết, thú cưng giúp trẻ phát triển tính kiên nhẫn và khả năng giải quyết vấn đề . “Chó hoặc mèo không phải lúc nào cũng làm theo những gì mà một đứa trẻ muốn chúng làm”, Maggie nói, điều đó dạy cho trẻ sự thỏa hiệp. “Một khi đứa trẻ đứng ở góc độ của một con vật, chúng có xu hướng thay đổi hành vi của mình. Những bài học này thường chuyển thành giao tiếp tốt hơn với mọi người trong cuộc sống của đứa trẻ. Học cách giao tiếp với người khác không dùng lời nói cũng là một bài học tuyệt vời về sự kiên nhẫn”.
Sống trách nhiệm
Chăm sóc động vật có thể là một cơ hội mà trẻ em phải học các kỹ năng nuôi dưỡng và chăm sóc. Việc hàng ngày phải đảm bảo bữa ăn, vận động cho vật nuôi sẽ khiến trẻ có trách nhiệm hơn.
Cơ sở chăm sóc này có thể chuyển thành quan điểm phù hợp về phúc lợi động vật nói chung.
Khuyết điểm
Trẻ bị dị ứng
Nghiên cứu của Mỹ cho thấy trẻ em tiếp xúc với mèo hoặc chó trong năm đầu đời giảm nguy cơ phát triển nhạy cảm với các chất gây dị ứng và có thể là bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, một khi trẻ bị dị ứng, việc tránh vật nuôi để không gây ra các triệu chứng cũng là một điều hợp lý.
Nhiễm trùng MRSA
Giun tròn không phải là sinh vật duy nhất lây truyền qua vật nuôi. Một nghiên cứu của Lancet cho thấy MRSA, một chủng vi khuẩn “tụ cầu khuẩn” thường được tìm thấy trong bệnh viện, cũng có thể được mang và truyền qua chó và mèo. Richard Oehler từ Khoa Truyền nhiễm và Y học Quốc tế của Đại học Nam Florida (Mỹ) cho biết: “Một vết xước hoặc vết cắn có thể truyền MRSA, nhưng phần lớn sự lây truyền có thể là do tiếp xúc trực tiếp với vết thương trên da hoặc chất tiết của vật nuôi. Rửa tay bằng xà phòng là cách tốt nhất".
Trẻ bị cắn
Các khoa cấp cứu điều trị 250.000 vết thương do chó cắn mỗi năm và 60% các trường hợp nghiêm trọng nhất xảy ra ở trẻ em dưới mười tuổi. Hơn 60% trường hợp bị chó cắn là do vật nuôi trong gia đình hoặc của bạn bè, hàng xóm hoặc họ hàng.