Đi khám bị u bì buồng trứng phải, bác sĩ mổ bóc buồng trứng trái

Ngày 09/05/2024 17:15 PM (GMT+7)

Khi lên bàn mổ, bác sĩ hỏi thì chị L. trả lời "bị u bì buồng trứng phải", “đến khi họ đưa cho tôi giấy phẫu thuật ghi là bóc u bì buồng trứng trái”.

Cắt xong bệnh vẫn còn nguyên

Do cảm thấy bị đau phần bụng nhiều nên chị Nguyễn Thị Minh L. (SN 1988; trú xã Tam Ngọc, Tp.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam khám.

Theo Người Lao Động, ngày 16/4, kết quả siêu âm xác định "tử cung DAP#41mm, nội mạc #6mm – Hai phần phụ: Buồng trứng phải có khối tăng âm, bờ đều, ranh giới rõ kích thước #38x33".

Bác sĩ kết luận chị bị "u bì buồng trứng phải", cần phải nhập viện để phẫu thuật vì khối u đã lớn. Lúc này, chị L. xin về nhà để sắp xếp công việc, chuẩn bị các điều kiện để đi phẫu thuật.

Ngày 19/4, chị L. ra Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng khám, thì Bệnh viện cũng có kết quả siêu âm xác định chị L. bị u buồng trứng phải, vòng đúng vị trí trong tử cung. Các bác sĩ cũng khuyên cần nhập viện sớm để phẫu thuật.

“Tôi thấy kết quả siêu âm giống nhau, nên về BVĐK tỉnh điều trị cho gần nhà. Sáng 22/4, tôi đến nhập viện, họ hẹn sáng 23/4 sẽ mổ, lúc đó bác sĩ vẫn nói bị u bì buồng trứng phải”, chị L. chia sẻ.

Thông tin trên báo Pháp Luật Tp.Hồ Chí Minh, 5 ngày sau (28/4), bác sĩ cho chị L. đi siêu âm kiểm tra. Tại đây các bác sĩ có những trao đổi với nhau mà bà không hiểu được, bà thắc mắc. Sau đó bà về khoa và được điều dưỡng hướng dẫn, nếu có thắc mắc bác sĩ sẽ trao đổi với người nhà. Ngày 29/4, chị L. ra viện về nhà. Về nhà, chị L. vẫn bị đau bụng trầm trọng, các triệu chứng không hề thuyên giảm. Lúc này, chị cứ nghĩ cơn đau là do các vết mổ.

“Đến hẹn, ngày 2/5, tôi đến bệnh viện xin giấy ra viện. Họ đưa cho tôi giấy phẫu thuật ghi là bóc u bì buồng trứng trái”, chị L. nói.

Nghi ngờ có sự nhầm lẫn, chị L. đến bệnh viện Đa khoa Thái Bình Dương - Tam Kỳ khám kiểm tra, bác sĩ khám thăm hỏi tình trạng bệnh đã phẫu thuật trước đó. “Bác sĩ nói mổ rồi mà sao u còn nguyên, hiện nay kích thước đã to lắm rồi!”, chị L. thuật lời bác sĩ khám.

Chị L. cho biết sau đó, người nhà đến bệnh viện để hỏi thì các bác sĩ giải thích quanh co, nói rằng trong quá trình phẫu thuật, phát hiện buồng trứng trái "có khối u lớn, có nguy cơ vỡ" nên thực hiện mổ bóc tách khối u ở buồng trứng trái!?

Điều đáng nói là bản thân chị và gia đình không hề được bác sĩ thông tin việc phẫu thuật buồng trứng trái, không được tư vấn, dặn dò về việc các khối u buồng trứng phải "vẫn còn nguyên, chưa được bóc tách".

Phiếu siêu âm ngày 16/4 của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam xác định chị L. bị u bì buồng trứng phải

Phiếu siêu âm ngày 16/4 của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam xác định chị L. bị "u bì buồng trứng phải"

Sau hai lần yêu cầu mới có một lần giải trình

Theo đó, sáng 8/5, phóng viên báo Người Lao Động có gọi điện thì ông Ẩn đề nghị liên hệ với ông Nguyễn Tam Thăng, Phó Giám đốc BV và cho biết "Đảng ủy, Ban giám đốc BV giao cho ông Thăng giải quyết sự việc".

Trước đó, ngày 6/5, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam Mai Văn Mười ký công văn yêu cầu Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam báo cáo quá trình điều trị cho bệnh nhân L.

“Để có cơ sở trả lời với các cơ quan chức năng liên quan, Sở Y tế đề nghị Giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Nam khẩn trương chỉ đạo các bộ phận liên quan báo cáo quá trình điều trị của bệnh nhân L. gửi về Sở Y tế trước 9h ngày 7/5”, Sở Y tế Quảng Nam yêu cầu.

Tuy nhiên, yêu cầu của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam không được cấp dưới thực hiện. BVĐK tỉnh Quảng Nam “phớt lờ” yêu cầu, không báo cáo.

Đến sáng 8/5, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam tiếp tục ký văn bản yêu cầu BVĐK tỉnh Quảng Nam báo cáo (lần 2). Ông Mười yêu cầu báo cáo trước 11h ngày 8/5, nhưng đến 9/5, BVĐK tỉnh Quảng Nam vẫn chưa báo cáo vụ việc.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tam Thăng, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Quảng Nam - người được bệnh viện giao giải quyết vụ việc, cho hay đã có báo cáo gửi Sở Y tế và đề nghị phóng viên liên hệ với Khoa Sản để tìm hiểu thông tin vụ việc.

Theo Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đã báo cáo: Khoa Phụ sản chưa tuân thủ quy trình phẫu thuật. Đánh giá tổn thương trong mổ còn hạn chế. Công tác tư vấn cho người bệnh và người nhà người bệnh chưa tốt, nhất là khi có thay đổi chẩn đoán, phương pháp mổ, sau phẫu thuật và khi ra viện, làm cho người bệnh hoang mang, lo lắng, thắc mắc.

Lời khai ban đầu của đối tượng nhiều lần đánh thuốc mê cướp của trong bệnh viện
Đối tượng này tiếp cận những phụ nữ ngồi một mình trong bệnh viện trò chuyện để tạo lòng tin, sau đó đưa nạn nhân uống 1 ly nước có pha thuốc an...

An ninh hình sự

Theo Quỳnh Chi (t/h)
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các vấn đề sức khỏe khác