Để có một mùa nóng an toàn, cần chú ý tới vấn đề an toàn thực phẩm trong mỗi bữa ăn.
Vấn đề ATTP hiện nay đang rất được báo chí và công chúng quan tâm, nhất là trong thời gian gần đây nhiều vụ việc liên quan đến tình trạng thực phẩm đường phố không hợp vệ sinh, nước uống ở các hàng quán lề đường không sạch sẽ… làm dấy lên sự lo lắng của công chúng.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM thì để khỏe và an toàn trong mùa nóng, điều quan trọng phải là chế độ dinh dưỡng hợp lý, cũng như tránh xa hàng quán vỉa hè, đường phố không an toàn vì có thể gây bệnh nghiêm trọng cho sức khỏe và chọn các thức uống an toàn, có nguồn gốc thiên nhiên giúp thanh lọc cơ thể.
Trước những thông tin liên tiếp gần đây về thực phẩm bẩn, nước uống bẩn gây nguy hiểm cho người dân nhưng người tiêu dùng vẫn tỏ ra khá “thờ ơ” trong việc giữ gìn sức khỏe. Bác sĩ có ý kiến gì về tình trạng này?
Theo tôi, người tiêu dùng cần có ý thức hơn về việc mình ăn gì và uống gì vì đây là một trong những con đường dẫn đến bệnh dễ dàng nhất. Theo nhiều cuộc nghiên cứu gần đây thì ung thư dạ dày và các loại bệnh liên quan đến đường tiêu hóa ở Việt Nam ngày càng tăng cao với một tốc độ chóng mặt. Chắc chắn rằng thái độ sống hôm nay biết chi tới ngày mai là một trong những thái độ cần phải thay đổi nơi người tiêu dùng Việt Nam. Bạn ăn món đồ đó hôm nay, nó sẽ chưa cho thấy hậu quả ngay tức thì nhưng nếu bạn cứ lặp đi lặp lại hành động đó thì một kết quả xấu là một
chuyện khó tránh khỏi. Người tiêu dùng nên là những người thông thái, có trách nhiệm đối với chính bản thân mình và có chỉ ăn uống những món ăn hay ở những hàng quán nào hợp vệ sinh. Chắc chắn tỉ lệ ung thư sẽ giảm đáng kể nếu như bạn biết ngăn ngừa nó từ ngày hôm nay.
Đồ uống cho mùa nóng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Theo BS thì người tiêu dùng phải làm thế nào để có thể tự bảo vệ sức khỏe của mình trước các vấn nạn thực phẩm bẩn, nước uống không an toàn đang “bủa vây” người Việt như hiện nay?
- Các thức ăn ở lề đường nằm trong nhóm nguy cơ cao gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm đối với người sử dụng. Không chỉ thực phẩm không an toàn, giá trị dinh dưỡng không cao mà việc chế biến, bảo quản trong điều kiện vệ sinh kém có thể gây ra nhiều tác hại đối với sức khoẻ. Trong mùa nóng nhiệt độ, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để các loại vi khuẩn sinh sôi nảy nở rất nhanh và đây chính là nguồn gây các bệnh như: tiêu chảy cấp, thương hàn, viêm gan, dịch tả...
Các thức ăn, đồ uống vỉa hè này nếu được chế biến bởi các thực phẩm không đảm bảo chất lượng, sử dụng các phụ gia giúp thực phẩm lâu ôi thiu, tạo màu, tạo mùi,... không an toàn, còn có khả năng gây ngộ độc mạn tính.Để đảm bảo sức khoẻ, chúng ta nên chọn các quán ăn sạch sẽ có uy tín. Riêng các loại đồ uống để giải khát trong mùa nắng nóng, nên chọn các loại nước đóng chai được sản xuất bởi các công ty có uy tín. Không nên uống các loại nước tự chế biến không nhãn mác.
Đang là cao điểm mùa nóng, chúng ta nên có chế độ ăn uống như thế nào để hợp lý, tránh bệnh tật và không lo “nóng trong người”, thưa bác sĩ?
- Cả nước đang bước vào mùa nóng và vì vậy chúng ta nên tìm hiểu một số bệnh để phòng tránh chúng. Và nên nhớ hãy tập thói quen “phòng bệnh chủ động” để không “mất bò mới lo làm chuồng”. Để cơ thể được thanh lọc, mát mẻ hơn trong mùa nóng, chúng ta nên có chế độ dinh dưỡng và ăn uống hợp lý.
Điều đầu tiên luôn nhớ là ăn chín, uống sôi. Tránh xa các thực phẩm, đồ uống bày bán trên đường phố, vỉa hè mất vệ sinh, không đảm bảo về an toàn thực phẩm. Bụi bẩn, vi khuẩn, rác thải, tình trạng tay chân nhiễm khuẩn, dụng cụ chế biến nhiễm khuẩn, không bao gói, che đậy cẩn thẩn của các loại đồ ăn, thức uống đường phố là nguồn cơn gây ra bệnh tật và các vụ ngộ độc thực phẩm nguy hiểm gần đây. Vì vậy, nên chọn các quán ăn sạch sẽ, có cửa ngăn giữa đường phố và quán ăn, có chỗ chế biến sạch sẽ, nhìn thấy được và nhân viên chế biến phải dùng bao tay, che đậy cẩn thận.
Chú ý luôn rửa tay trước khi ăn uống, dù bất cứ ở đâu. Nên tự chế biến thức ăn ở nhà để đảm bảo sạch sẽ và an toàn. Áp dụng chế độ ăn uống mà chúng tôi thường gọi vui là “4 ít: ít thịt, nhiều rau củ, trái cây tươi, hoặc chuyển sang ăn cá, hải sản. Hạn chế ăn các loại đồ nhiều dầu mỡ, chiên xào, ngọt đậm hay các loại trái cây nóng như mít, sầu riêng, nhãn…
Cũng nên chú ý không nên ăn nhiều gia vị như tiêu,ớt, hồi, sa tế… vì gia vị nhiệt sẽ không chỉ làm cho mọi người khó chịu và cố chấp mà còn có thể sẽ gây ảnh hưởng đến tiêu hóa và các bệnh đường tiết niệu. Ăn các loại gia vị nhiệt quá nhiều có thể gây táo bón, bệnh trĩ, đầy hơi, tiểu khó, đau thận, cũng như một số bệnh hệ thống, chẳng hạn như viêm miệng, viêm họng, viêm kết mạc, đột quỵ nhiệt….
Nếu những người bị bệnh mãn tính ăn quá nhiều gia vị nóng, nó sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm. Do đó, nó không thích hợp để sử dụng cho nhiều gia vị nhiệt trong chế độ ăn mùa nóng. Chú ý uống nhiều nước, chọn các loại nước trái cây, trà thảo mộc, trà xanh… để giúp cơ thể được thanh lọc, bổ sung vitamin và cung cấp nước cho cơ thể.
Xin cảm ơn bác sĩ.