Việc ăn uống nhiều, không điều độ và khoa học trong dịp tết sẽ gây áp lực với nhiều cơ quan trong cơ thể, điển hình nhất là gan.
Nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội
Tết Nguyên đán là dịp mọi người quây quần bên gia đình, thường tổ chức những buổi ăn uống, liên hoan. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo mọi người cần đặc biệt chú ý trong việc ăn uống, nếu không sau những ngày vui, lá gan sẽ “kêu cứu” tức thì.
Hại đầu bảng là rượu bia
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Chuyên gia về Công nghệ thực phẩm cho biết, một trong những thói quen “bức tử” lá gan năm nào cũng được cảnh báo là uống quá nhiều rượu bia. Ông Thịnh cho biết rượu bia không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư gan, xơ gan mà còn gây nhiều hệ lụy khác như mất trật tự xã hội, mất an toàn giao thông….
“Biết là độc hại, dù đã nói nhiều nhưng không ai nghe. Với nhiều người, Tết là uống hết mình, tư tưởng này thật sự quá nguy hiểm”, ông Thịnh cho hay. Việc uống rượu bia dù không gây ung thư gan ngay lập tức, nhưng đã có nhiều trường hợp hôn mê gan vì uống rượu bia liên tục, khi gan không thể đào thải được các chất độc.
Rượu bia là kẻ thù số 1 của gan. Ảnh minh họa.
Do vậy, để bảo vệ lá gan nói riêng, bản thân và gia đình nói chung, mọi người nên hạn chế tối đa việc uống rượu bia. “Nếu ai bỏ được rượu bia càng tốt, bởi cứ khuyên hạn chế, nhưng có ai uống ít đâu”, PGS Thịnh chia sẻ.
Canh măng khô hay tươi đều hại
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, canh măng là món khoái khẩu của rất nhiều người trong dịp tết, bao gồm cả măng tươi và măng khô. Cả hai loại măng này đều có nguy cơ gây hại cho gan khi sử dụng.
Với măng khô, nếu mua ngoài chợ hoặc hàng trôi nổi thì dễ bị “ngậm” hóa chất bảo quản, trong đó hóa chất được biết đến nhiều nhất là chất lưu huỳnh. Chất này thường được xông vào măng trong quá trình sấy khô để chống mốc.
“Măng bị xông lưu huỳnh rất khó để loại trừ được hết trong quá trình sơ chế và chế biến. Chất độc này khi đi vào cơ thể sẽ gây hại nhiều bộ phận, trong đó có gan. Do vậy, mọi người cần đặc biệt lưu ý khi sử dụng loại thực phẩm này”, ông Thịnh cho hay.
Dù măng tươi hay măng khô đều không nên ăn nhiều. Ảnh minh họa.
Với măng tươi, nếu nấu không kỹ, ăn vào có thể gây ngộ độc cấp tính. Bởi trong măng tươi có chứa hàm lượng cyanide cao, khoảng 230mg/kg măng củ. Vì vậy, nếu nấu không kỹ hoặc ăn quá nhiều măng có chất này, các enzyme trong đường tiêu hóa sẽ biến cyanide thành axit cyanhidric gây hại cho gan. Để giải quyết vấn đề, tốt nhất không ăn, vì theo ông Thịnh măng không có giá trị dinh dưỡng. Nếu muốn ăn phải luộc đi luộc lại nhiều lần trước khi nấu để giảm chất độc có trong măng.
Nước ngọt, bánh mứt, ô mai đều có nguy cơ gây hại cho gan
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trên bàn mời khách của các gia đình ngày Tết đều có bánh mứt, nước ngọt, kẹo… Đó là đồ ăn quen thuộc và không ai nghĩ sẽ gây độc hại cho gan. Thực tế, những sản phẩm trên nếu rõ nguồn gốc ràng, đảm bảo an toàn và ăn điều độ thì không gây hại. Nhưng nếu lạm dụng sẽ "hại đơn, hại kép".
Bánh kẹo, ô mai, mứt tết chứa nhiều đường, ăn nhiều sẽ hại gan. Ảnh minh họa.
“Những đồ ăn chứa nhiều đường này chỉ an toàn nếu chúng ta sử dụng với lượng vừa đủ. Các đường đơn đều qua gan chuyển hóa, nếu ăn quá nhiều với hàm lượng lớn không kịp chuyển hóa hết, nó sẽ dự trữ ở gan.
Trong khi gan không chỉ chuyển hóa mỗi đường mà còn nhiều loại thực phẩm khác. Do vậy khi các chất dự trữ trong gan quá nhiều sẽ gây áp lực, ảnh hưởng đến chức năng gan. Ngay cả những loại hoa quả ngọt ăn nhiều cũng không tốt cho gan”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.
Tin liên quan
Việc ăn uống và sinh hoạt cân bằng trong dịp Tết Nguyên đán là rất quan trọng để vừa bảo vệ sức khỏe, vừa không bị đảo lộn nhịp sinh học của...
Tin bài cùng chủ đề An toàn thực phẩm
Rau quả là nguồn thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, nhưng liệu bạn có tự tin mình đã biết cách nhận diện rau quả sạch, an toàn? Tham gia bài trắc nghiệm sau đây để kiểm tra kiến...