Dù mới gần 40 tuổi nhưng bệnh nhân C. vô cùng hốt hoảng, lo lắng vì mắc phải căn bệnh mà trong suy nghĩ của anh chỉ có người già mới gặp phải.
Nhập viện sau khi sụt 10kg, thích ăn nhiều đồ ngọt
Anh T.K.C. (38 tuổi, ở Hà Nội) vừa được các bác sĩ thăm khám, điều trị ổn định sau khi chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường, thậm chí chỉ vào viện chậm một chút là có thể dẫn tới hôn mê, nguy kịch.
Theo chia sẻ của anh C. gần đây anh thấy cơ thể rất mệt mỏi, theo dõi cân nặng thấy gầy sụt đi hẳn,1 tháng sụt 10kg. Trong khi đó, anh ăn rất nhiều đồ ngọt như bánh kẹo, bánh kem, mía… Ngoài ra, gần đây anh liên tục khát nước dù uống rất nhiều, việc đi tiểu cũng thường xuyên hơn.
Anh C. cho biết, đây là lần đầu anh sụt cân như vậy, trước đó chưa hề có bệnh lý gì và cũng được kiểm tra sức khỏe định kỳ thường xuyên. Lo lắng khả năng mắc ung thư, anh C. đã đến bệnh viện khám.
Tại đây sau khi được khám và làm các xét nghiệm về máu nước tiểu cũng như siêu âm ổ bụng, siêu âm tim, điện tim và soi đáy mắt, các bác sĩ chẩn đoán anh C., bị đái tháo đường type II với đường huyết 13,33 mmol/l (cao gấp 2,5 lần chỉ số đường huyết ở người bình thường) và chỉ số HbA1c lên đến 12.88%.
Qua xét nghiệm phát hiện chỉ số đường huyết của anh C. cao gấp 2 lần so với người bình thường.
Khi bác sĩ thông báo kết quả, anh C. sững sờ và vô cùng lo lắng khi bản thân còn trẻ nhưng lại mắc căn bệnh mà hơn 3,5 triệu người Việt đang mắc. Hơn nữa, bản thân anh nghĩ rằng tiểu đường chỉ gặp ở người cao tuổi, chứ không nghĩ lại gặp ở người trẻ, khỏe mạnh như anh. Sau 5 ngày nhập viện điều trị, anh C. đã ổn định, tránh được biến chứng cấp tính nguy hiểm.
Không chủ quan với việc tiểu nhiều, khát nước
Bác sĩ Nguyễn Thị Ly - Chuyên khoa Nội tiết, người trực tiếp điều trị cho anh C. cho biết, trường hợp của anh C., do đường huyết cao dẫn đến mất nước thẩm thấu qua nước tiểu và có tình trạng dị hóa biểu hiện bằng triệu chứng khát nước nhiều, da khô, tiểu tiện nhiều, sụt cân nhiều, mệt mỏi. Rất may, bệnh nhân đến viện khám và điều trị kịp thời.
“Nếu đến viện muộn hơn. anh C. có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm như hôn mê tăng áp lực thẩm thấu, hôn mê nhiễm toan Ceton, thậm chí là tử vong”, BS Ly cho hay.
Những người bị tiểu đường cần hạn chế đồ ngọt, tăng cường nhóm vitamin, ăn ngũ cốc nguyên cám.
BS Ly cho biết, thống kê từ Hội đái tháo đường Việt Nam năm 2021, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 3,5 triệu người Việt đang mắc đái tháo đường. Dự kiến số người mắc đái tháo đường tại Việt Nam sẽ tăng lên gần 6,3 triệu vào năm 2045.
Đáng báo động là tỷ lệ người mắc đái tháo đường tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người ở độ tuổi 25-30 tuổi mắc đái tháo đường mà không biết. Đây là căn bệnh có diễn tiến âm thầm nhưng nguy hiểm và gây nhiều biến chứng nguy hiểm như 34% biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.
Những biến chứng này không chỉ làm gia tăng chi phí y tế mà còn làm giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh, vì vậy, người dân nên đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
BS Ly khuyến cáo, người dân cần đi khám nếu xuất hiện các dấu hiệu như: Mệt mỏi, khát nước, sụt cân, đi tiểu nhiều, cần chủ động đến cơ sở y tế để kiểm tra vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường.
Để phòng đái tháo đường, trong cuộc sống người dân cần ăn uống, sinh hoạt lành mạnh như hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt, tinh bột, ăn đa dạng các nhóm chất nhất là vitamin, ngũ cốc nguyên cám,… tăng cường tập thể dục đều đặn và phù hợp với sức khỏe cơ thể.