Dụi mắt, nữ sinh suýt bị mù, bác sĩ chuyên khoa mắt chỉ cách sơ cứu

Ngày 29/04/2019 14:30 PM (GMT+7)

Khi dị vật bay vào mắt, phản ứng đầu tiên của nhiều người thường có phản xạ dụi mắt liên tục đến khi cảm thấy dễ chịu hơn hoặc nhờ người khác "thổi" dị vật ra ngoài. Tuy nhiên điều này sẽ khiến dị vật bị cọ xát mạnh với mắt làm rách giác mạc.

Dụi mắt, nữ sinh suýt mù

TS. BS Hoàng Cương, BV Mắt T.Ư cho biết, thời tiết xuân hè giao mùa bắt đầu bệnh nhân đến khám tăng lên rõ rệt, biểu đồ tăng lên kinh khủng nhất là mùa nóng, tăng từ 800-1000 bệnh nhân. Hiện nay, số bệnh nhân đến viện đã tăng lên 1.600 và dự kiến khi chính thức bước vào cao điểm của mùa hè sẽ tăng lên tới 3.000 người/ngày.

 “Bệnh nhân đến khám đa phần là do dị ứng, miễn dịch, liên quan đến thời tiết thay đổi; không khí ô nhiễm khói bụi đậm đặc, hoa nở phấn hoa thì người dị ứng nhiều. Thường gặp bệnh nhân bị viêm kết mạc dị ứng, viêm kết mạc mùa xuân, có thể có cả thể dị ứng quanh năm gọi là viêm cơ địa.

Thứ 2, thời điểm này cũng là mùa virus tấn công, ngoài gây bệnh toàn thân cũng tấn công vào mắt. Qua thực tế thăm khám tại bệnh viện cho thấy, bệnh nhân bị viêm kết mạc do virus cũng nhiều lên”, TS. BS Hoàng Cương cho biết.

Dụi mắt, nữ sinh suýt bị mù, bác sĩ chuyên khoa mắt chỉ cách sơ cứu - 1

TS BS Hoàng Cương:  Khi dị vật bay vào mắt, phản ứng đầu tiên của nhiều người thường có phản xạ dụi mắt liên tục. Tuy nhiên điều này sẽ khiến dị vật bị cọ xát mạnh với mắt làm rách giác mạc. Nếu chẳng may do dụi mạnh khiến côn trùng nát và mắc trong mắt càng khiến chúng tiết nhiều độc tố hơn, thậm chí lông của côn trùng có thể xuyên sâu rất khó lấy ra và gây viêm nhiễm, suy giảm thị lực.

Đặc biệt, có rất nhiều bệnh nhân đến viện do côn trùng lao vào mắt, TS. BS Hoàng Cương vừa khám điều trị cho một nữ bệnh nhân 16 tuổi ở Hải Dương nhập viện trong tình trạng mắt phải sưng nề, phù mắt đỏ, thị lực chỉ còn 3/10.

Nữ sinh này kể lại, trên đường đi học về, em bất ngờ bị côn trùng bay vào mắt. Em vội dừng xe, nhờ bạn “thổi” vào mắt để côn trùng bay ra nhưng mắt vẫn cứ cay xè, cộm lên rất khó chịu.

“Em liền dụi mắt liên tục với hy vọng côn trùng sẽ ra ngoài. Nhưng do dụi mạnh quá, côn trùng bị nát trong mắt và bám vào màng mắt đau rát. Em liền ra hiệu thuốc mua nước muối sinh lý và thuốc nhỏ mắt để nhỏ cho mắt bớt đỏ nhưng sau hơn 2 ngày tự chữa, mắt em sưng vù, đỏ lựng. Em được đưa đi khám và rất sốc khi thị lực chỉ còn 3/10”, nữ sinh này nói.

Theo bác sĩ Cương, tình trạng dị vật bay vào mắt như côn trùng, bụi, phấn hoa... gặp khá phổ biến ở các cơ sở chuyên khoa mắt nhưng điều đáng nói là việc xử lý hầu hết đều không đúng cách. "Khi dị vật bay vào mắt, phản ứng đầu tiên của nhiều người thường có phản xạ dụi mắt liên tục đến khi cảm thấy dễ chịu hơn hoặc nhờ người khác "thổi" dị vật ra ngoài.

Tuy nhiên điều này sẽ khiến dị vật bị cọ xát mạnh với mắt làm rách giác mạc. Nếu chẳng may do dụi mạnh khiến côn trùng nát và mắc trong mắt càng khiến chúng tiết nhiều độc tố hơn, thậm chí lông của côn trùng có thể xuyên sâu rất khó lấy ra và gây viêm nhiễm, suy giảm thị lực.

Nếu là Kiến Ba khoang hay phấn bướm thì nguy cơ bị bỏng giác mạc rất cao. Ngoài ra, việc nhờ người khác thổi vào mắt cũng có nguy cơ gây viêm nhiễm mắt vì trong nước bọt của người thổi có chứa rất nhiều vi khuẩn gây hại, có thể xâm nhập khi thổi vào mắt”, BS Hoàng Cương nhấn mạnh.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, mắt là bộ phận rất dễ bị tổn thương nên dẫu chỉ là hạt cát, bụi hay côn trùng, hóa chất… bay vào đều có khả năng làm nhiễm trùng mắt, thậm chí gây biến chứng nguy hiểm cho mắt nhất là trẻ nhỏ.

Cần sơ cứu đúng cách

Do đó việc sơ cứu đúng cách vô cùng quan trọng. Đơn giản nhất là chớp mắt liên tục bởi đây chính là cách tốt để loại bỏ các dị vật nhỏ, khi nước mắt chảy ra sẽ loại bỏ sạch các dị vật nhỏ trong mắt trôi ra một cách tự nhiên.

Trong trường hợp ở nhà có thể nhúng bên mắt có dị vật vào một bát nước sạch và chớp liên tục để dị vật trôi ra, tuyệt đối không dụi mắt. Sau đó, dùng nước muối sinh lý hay thuốc nhỏ mắt có thành phần Natri clorid 0,9% để tra mắt. Có thể tra liên tục 3- 4 lần sau đó để loại bỏ hoàn toàn dị vật, nhất là với những trường hợp bị côn trùng bay vào mắt.

Đối với dị vật lớn nên đến bệnh viện càng sớm càng tốt để dị vật ra khỏi mắt. Trên đường đến cơ sở y tế cần phải che mắt bằng vải ẩm. Không dụi mắt hoặc chà miếng vải lên mắt, chỉ cần giữ miếng vải ở đó để bảo vệ mắt. Trường hợp bị hóa chất bắn vào mắt nên ngâm hẳn mắt vào thau nước sạch hoặc dưới vòi nước trong khoảng 15-20 phút để loại bỏ hóa chất rồi đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Bác sĩ Cương cũng lưu ý nhiều người mắt thường rửa mắt bằng cách nhỏ nước muối sinh lý. Tuy nhiên khi sử dụng nước muối để rửa mắt hằng ngày cần phải lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, không chất bảo quản để sử dụng cho chăm sóc mắt để an toàn vì mắt là cơ quan nhạy cảm, dễ phản ứng, dị ứng.

Con không mở nổi mắt phải đi khám, mẹ hối hận khi nghe bí mật động trời của con
Đưa con đi khám mắt, người mẹ giật mình khi bác sĩ nói rằng mắt của con trai còn kém hơn cả người trung niên và cao tuổi. Lúc này, cậu bé mới tiết lộ...
Theo N. Huyền
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Các bệnh khác