Nhiều người không chỉ dùng nghệ trong nấu ăn mà còn xem đó là phương thuốc giúp chữa bệnh nên sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên nếu tiêu thụ nghệ quá liều lượng có thể gây tổn hại tới sức khỏe.
Nghệ không chỉ là một loại gia vị phổ biến mà từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền phương đông vì những lợi ích của nó đối với sức khỏe. Curcumin - thành phần hoạt tính sinh học chính trong nghệ, là một chất chống oxy hóa mạnh có đặc tính chống viêm.
Dùng nghệ hay bột nghệ mỗi ngày có an toàn không?
Nhiều người sử dụng bột nghệ hàng ngày để cải thiện sức khỏe như pha sữa nghệ hay dùng nghệ với mật ong để chữa bệnh dạ dày. Vậy liệu việc sử dụng bột nghệ hay nghệ hàng ngày có sao không?
Dùng nghệ với lượng thấp (hàm lượng được bổ sung trong thực phẩm) thường không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêu thụ 1,4 mg nghệ cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày là an toàn. Tuy nhiên, nếu sử dụng liều lượng nghệ cao hơn và tiêu thụ trong thời gian dài hơn có thể gây hại cho cơ thể.
Theo báo cáo, người tiêu thụ lượng nghệ cao (hơn 1500 mg hai lần/ngày) sẽ gặp nguy hiểm về tim. Mặc dù không có bằng chứng cụ thể cho thấy nhịp tim bất thường là do nghệ, nhưng tốt hơn hết là bạn nên tránh dùng nghệ với liều lượng cao, đặc biệt là trong thời gian dài hơn.
Nếu một người đang có vấn đề sức khỏe hoặc đang sử dụng thuốc (bao gồm thuốc làm loãng máu, thuốc điều trị bệnh tim, huyết áp, tiểu đường, bệnh gan hoặc bệnh thận), nên nghe theo lời khuyên của bác sĩ trước khi sử dụng nghệ.
Lạm dụng nghệ có thể gây tổn hại gan
Gần đây, một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Y học của Mỹ đã đánh giá mối tương quan giữa việc tiêu thụ nghệ và khả năng gây tổn thương gan ở những người tham gia vào Mạng lưới chấn thương gan do thuốc của Mỹ (DILIN).
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy tổng cộng 16 trường hợp chấn thương gan do nghệ trong số những người tham gia chương trình DILIN từ năm 2011–2022. Mức độ của những chấn thương này được báo cáo là từ trung bình đến nghiêm trọng, dẫn đến 5 trường hợp nhập viện và thậm chí 1 trường hợp tử vong do tổn thương gan cấp tính.
Phân tích hóa học sâu hơn đã xác nhận rằng ba trong số những bệnh nhân này cũng tiêu thụ nghệ kết hợp với hạt tiêu đen, một thành phần mà nhiều chuyên gia khuyên dùng với nghệ vì nó giúp cơ thể tiêu hóa nó hiệu quả hơn.
Đây không phải là nghiên cứu đầu tiên kết nối tổn thương gan với việc tiêu thụ nghệ nên cần lưu tâm tới những nguy cơ tiềm ẩn này. Từng ghi nhận một số trường hợp bị tổn thương gan có liên quan tới việc sử dụng nghệ.
Mặc dù những báo cáo này không mang tính cảnh báo khẩn cấp vì tổn thương gan trực tiếp do tiêu thụ nghệ vẫn hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên nếu bạn có ý định dùng nghệ hay bột nghệ thường xuyên, nên tham khảo ý kiến chuyên gia.
Ngoài nguy cơ gây tổn thương gan, việc lạm dụng nghệ có thể dẫn tới những tác dụng phụ sau:
- Các tác dụng phụ nhẹ bao gồm đau bụng, trào ngược axit, tiêu chảy, chóng mặt và đau đầu.
- Củ nghệ có nhiều oxalat, một chất hóa học được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Theo Trung tâm Y tế Đại học Rochester (Mỹ), dư thừa oxalat có thể kết hợp với canxi để tạo thành sỏi thận. Tiêu thụ liều lượng lớn chất bổ sung nghệ có thể làm tăng đáng kể nồng độ oxalat trong nước tiểu, làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
- Vì nghệ hoạt động như một chất làm loãng máu, nên tránh dùng nếu bạn bị rối loạn chảy máu.
- Củ nghệ có thể tương tác tiêu cực với các loại thuốc bao gồm thuốc làm loãng máu, thuốc chống trầm cảm , thuốc kháng sinh, thuốc kháng histamine, thuốc điều trị tim và hóa trị liệu. Nó cũng có thể gây trở ngại cho các loại thuốc điều trị tiểu đường và dẫn đến lượng đường trong máu thấp đến mức nguy hiểm.
- Nghệ có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề về dạ dày, chẳng hạn như trào ngược axit và sỏi mật.
- Vì nghệ hạn chế sự hấp thụ sắt, bạn không nên dùng nó nếu bạn đang bị thiếu sắt.
- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú có thể ăn thực phẩm có chứa nghệ như một loại gia vị nhưng nên tránh uống chất bổ sung nghệ. Những chất bổ sung này có thể kích thích các cơn co thắt tử cung và gây ra các biến chứng.