Lò vi sóng là vật dụng rất phổ biến và được sử dụng rộng rãi ở các hộ gia đình, tuy nhiên theo các chuyên gia dinh dưỡng, nhiều người vẫn đang sử dụng thiết bị này sai cách, dẫn đến những tác động không tốt với sức khoẻ.
Theo lời chị Nguyễn Thị Bảo Ngọc (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM), từ khi chị sắm lò vi sóng, gia đình tiết kiệm rất nhiều thời gian trong việc nấu nướng. "Tôi và chồng đều làm văn phòng, lại có 2 con nhỏ, mỗi chiều tan ca xong là phải tranh thủ chia nhau đón 2 con ở 2 trường khác nhau nên ít thời gian đi chợ. Cứ 3-4 ngày tôi sẽ đi chợ một lần, mua thực phẩm trữ sẵn trong ngăn đông, đại loại như thịt, cá... Khi tan làm về nhà, tôi chỉ việc cho thức ăn đông lạnh vào lò vi sóng rã đông, chỉ vài phút thì tảng thịt to đã tan hết đá, lò vi sóng lại rất tiện khi hâm đồ ăn, đồ ăn hôm nay nếu ăn không hết chỉ cần bỏ vào lò, nhấn nút một phút sau là cơm canh đã nóng ngon như mới", chị Ngọc cho biết.
Cũng là một người nội trợ "phát cuồng" vì công dụng của lò vi sóng, chị Ngọc Vy (27 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) cho biết chị hay cho trực tiếp hộp thuỷ tinh vào lò vi sóng để hâm thức ăn, vừa tiện, tiết kiệm thời gian lại đỡ chùi rửa. Hầu như đây là vật dụng nhà bếp không thể thiếu khi chế biến bữa ăn của chị Vy.
Nhiều người vẫn chưa hiểu được đúng nguyên tắc sử dụng lò vi sóng.
Lò vi sóng ngày càng thiết yếu khi giúp các bà nội trợ tiết kiệm thời gian chế biến thức ăn chỉ trong vài giây. Đó là lí do vật dụng này được nhiều chị em ưu ái lựa chọn, tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về cơ chế hoạt động của loại lò này cũng như những điều cần lưu ý trong khi sử dụng.
Lưu ý khi sử dụng lò vi sóng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe
Theo Bác sĩ Chuyên khoa 2, Dương Thị Kim Loan, Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế BV Thống Nhất (TP.HCM), lò vi sóng (hay còn gọi là lò vi-ba), nghĩa là các sóng điện từ có bức điện siêu ngắn hay tần số siêu cao. Đây là một trong những thiết bị nhà bếp hữu dụng được sử dụng để rã đông hoặc nấu chín thức ăn, giúp tiết kiệm thời gian trong quá trình chế biến món ăn. Tuy nhiên, theo bác sĩ Loan, hiện tại nhiều người vẫn đang sử dụng thiết bị này sai cách, dẫn đến những tác động không tốt với sức khoẻ.
Đây là một trong những thiết bị nhà bếp hữu dụng được sử dụng để rã đông hoặc nấu chín thức ăn, giúp tiết kiệm thời gian trong quá trình chế biến món ăn. (Ảnh minh họa)
Dù là một vật dụng đa năng, thường được dùng để hâm nóng, luộc, rang... nhưng bác sĩ Loan cho rằng, không phải vật dụng nào để đựng thức ăn cũng có thể đưa vào lò vi sóng. Chuyên gia này lưu ý cách sử dụng lò vi sóng đúng cách:
Đối với vật dụng đựng thức ăn:
- Tránh những loại vật dụng như chén, dĩa, tô... được chế tạo từ nhựa dùng một lần, hay những loại nhựa không được phép cho vào lò vi sóng. "Nhựa khi gặp nhiệt độ cao sẽ nóng chảy ra, sản sinh các chất độc hại, bám vào thức ăn, ảnh hưởng rất lớn với sức khoẻ. Do đó, chỉ được cho vào lò vi sóng những loại vật dụng bằng nhựa mà nhà sản xuất ghi rõ có thể sử dụng trong lò vi sóng", bác sĩ Loan nói.
- Không được cho vào lò vi sóng các vật dụng bằng kim loại vì sóng viba bên trong lò vi sóng sẽ dội lại các thành kim loại bên trong lò, lệch ra khỏi thực phẩm, có thể phá hỏng nội thất của lò. Kim loại ở nhiệt độ cao có thể phát ra các tia lửa điện. Thậm chí những loại thuỷ tinh hay sứ có tráng một lớp kim loại mỏng cũng không nên sử dụng.
Không được cho vào lò vi sóng các vật dụng bằng kim loại vì sóng viba bên trong lò vi sóng sẽ dội lại các thành kim loại bên trong lò, lệch ra khỏi thực phẩm, có thể phá hỏng nội thất của lò. (Ảnh minh họa)
- Tránh sử dụng vật dụng có màu để đựng thức ăn trong lò vi sóng vì khi ở nhiệt độ cao, màu trong vật đựng có thể thôi nhiễm hoá chất vào thực phẩm. Khi ăn thực phẩm nhiễm hóa chất có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe.
- Nên sử dụng thuỷ tinh, sứ hoặc những vật dụng không màu cho phép dùng trong lò vi sóng.
- Nên sử dụng những loại vật dụng đựng thực phẩm hình tròn, đáy tròn hơn là góc cạnh vì sẽ làm thực phẩm chín đều hơn. Bởi nếu thực phẩm không chín, vẫn còn tái sống nếu chứa vi khuẩn hay ký sinh trùng có thể xâm nhập vào cơ thể.
Khi chế biến thực phẩm:
- Khác với những loại bếp điện hay củi, lò vi sóng sử dụng sóng điện tử, sóng ngắn thâm nhập vào thực phẩm làm chín thực phẩm hoặc làm sôi nước phân bố theo hình li tâm hình tròn do đó thực phẩm sẽ chín không đều, những thức ăn ở giữa sẽ chín chậm hơn. Lưu ý khi xếp thực phẩm vào trong lò, nên rải theo hình tròn, ở tâm để thực phẩm mỏng, xung quanh để dày hơn. "Khi lấy thức ăn nhớ kiểm tra coi thực phẩm có chín đều chưa, nếu chưa thì nên nấu lại. Đóng cửa lò vi sóng để thực phẩm chín đều và đảm bảo an toàn cho sức khoẻ", chuyên gia phân tích
- Đựng thực phẩm vừa đủ trong hộp chứa, không nên để quá đầy vì sẽ làm tràn ra ngoài gây khó vệ sinh cho lò cũng như khó làm chín thực phẩm.
- Những loại thức ăn có chất béo cao như mỡ, da... hạn chế cho vào lò vi sóng.
- Khi dùng lò vi sóng để rã đông thực phẩm nên đưa vào sử dụng luôn, không nên rã đông xong rồi rã đông lại.
- Khi cho thức ăn vào lò vi sóng phải tuân theo nguyên tắc an toàn vệ sinh thực phẩm không nên ăn thức ăn để qua đêm, không nên hâm đi hâm lại thực phẩm vì đôi khi mùi vị không thay đổi mà đã có vi khuẩn. Khi hâm đi hâm lại, thực phẩm sẽ sắc lại, khiến lượng muối tăng nhiều hơn, vị ngon giảm đi. Do đó nên nấu một lượng vừa đủ cho số lượng thành viên trong gia đình, không nên hâm đi hâm lại trong lò vi sóng.