Trẻ bị bệnh về mắt ngày càng gia tăng mà một trong những nguyên nhân là do có quá ít thời gian vận động trong môi trường tự nhiên.
Ngày 21-11, bé Huỳnh Ngọc Thúy Hân, lớp 4 Trường Tiểu học Tân Nhựt (Bình Chánh, TP.HCM) đến BV Mắt khám, đo mắt lần đầu tiên. Kết quả đo thị lực cho thấy hai mắt bé chỉ nhìn được 2/10, chỉ định bé phải mang kính cận gần 2 độ. Mẹ bé Hân cho biết bé học lớp bán trú, ngoài giờ học bé chỉ học thêm tại nhà. Cũng tại BV này, mẹ em Hồng Minh, lớp 6 Trường THCS Lê Quý Đôn, cho biết em vừa đo lại thị lực, tăng từ 4 lên 6,5 độ, phải đổi kính. Ngoài giờ học bán trú ở trường, tuần ba buổi Minh học thêm ở một trung tâm ngoài giờ.
BS CK2 Võ Thị Chinh Nga, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Mắt TP.HCM, cho biết cứ vào những ngày nghỉ, trẻ em ở TP.HCM và các khu vực lân cận tập trung về BV Mắt TP.HCM để khám và mua kính mắt rất đông. Chẳng hạn như ngày 20-11 vừa rồi, hàng trăm trẻ chen chúc trong phòng đo mắt kính và chờ đến lượt lấy kính.
Ở nhà, trên lớp đều xa mặt trời
Theo BS Võ Thị Chinh Nga, BV Mắt TP được giao phụ trách, hỗ trợ cho 23 tỉnh, thành phía Nam về phòng, chống mù lòa, trong đó có mắt học đường.
“Qua thực tế khám khúc xạ, phát kính miễn phí cho một số tỉnh phía Nam, chúng tôi thấy tỉ lệ đeo kính ở trẻ em ngoại thành và vùng nông thôn thấp hơn trẻ thành thị rất nhiều. Ví dụ, một trường 200 em nhưng chỉ có 2-3 em bị tật khúc xạ. Trong khi đó, tại TP.HCM, đặc biệt là những lớp chuyên thì đến 60% học sinh đeo kính. Năm 2008, một nghiên cứu chỉ ra các trường chuyên như Lê Hồng Phong, Trần Đại Nghĩa... có tỉ lệ học sinh cận thị cao nhất. Càng lên lớp trên, tỉ lệ học sinh bị cận thị càng nhiều hơn” - BS Nga nói.
Học quá mức, tiếp xúc nhiều với máy tính, tivi, smartphone..., ít vui chơi vận động ngoài trời là nguyên nhân dẫn đến tật cận thị. Ảnh: TÙNG SƠN
Trong các tật khúc xạ (bao gồm cận, viễn, loạn thị) và các bệnh về mắt bẩm sinh thì cận thị chiếm đa số. Nghiên cứu của BV Mắt TP.HCM cho thấy có nhiều nguy cơ gây tật khúc xạ cho trẻ ở thành thị. Trẻ thành thị sống nhiều trong bốn bức tường, điều này không có nghĩa trẻ học nhiều mà là trong không gian chật hẹp; đọc sách quá gần; tiếp xúc quá lâu với máy tính, tivi, smartphone. Ở trường, các yếu tố trong học đường gồm: ngồi học không đúng tư thế; học trong điều kiện thiếu sáng; bàn ghế không đúng chuẩn; thầy cô giáo chưa hiểu biết đầy đủ về bệnh mắt học đường…
BS Nga lý giải trong chính khóa, số giờ học giáo dục thể chất ngoài trời của trẻ quá ít. Nhiều phụ huynh lo lắng về điểm số nên bắt trẻ học thêm suốt ngày, không khuyến khích cho trẻ vận động ngoài trời, tiếp xúc với môi trường thiên nhiên vào ngày nghỉ. “Thời gian học nhiều và kéo dài khiến mắt phải hoạt động, điều tiết liên tục. Mắt cũng ít nhìn được khoảng xa rộng, ít thư giãn thì bệnh mắt sẽ gia tăng” - BS Nga khuyến cáo.
Phát hiện sớm để can thiệp
Phần lớn tật khúc xạ ở trẻ em thường chỉ phát hiện khi các em bắt đầu đi học. Cô giáo thấy đọc sai chữ trên bảng, nhầm chữ hoặc bé học sa sút, lúc đó cha mẹ mới cho đi khám và đeo kính. Để tránh trường hợp bị nhược thị do tật khúc xạ, các phụ huynh cần lưu ý và cho trẻ đi khám mắt khi nhận thấy các bé có dấu hiệu sau: Trẻ mẫu giáo có khuynh hướng nhìn vật gì cũng phải đưa sát vào mắt mới nhìn rõ như ngồi quá gần tivi, cúi sát mắt vào sách vở. Trẻ lớn hơn thì hay nheo mắt để nhìn mọi vật, đặc biệt khi ánh sáng yếu; nghiêng hoặc quay đầu để nhìn cho rõ; thường dụi mắt mặc dù trẻ không buồn ngủ; sợ sáng, chói mắt, hay chảy nước mắt; kết quả học tập sút kém, kêu nhìn mờ hoặc nhức mắt… Có một số trẻ có hai mắt không đồng đều nhau, một con thấy rõ, con kia thì không, tình cờ đi khám mắt thì phát hiện trẻ đã bị cận, viễn, loạn thị nặng.
Theo BS Nga, thị lực của mắt có thể phục hồi nếu được khám phát hiện sớm và chăm sóc mắt đúng cách. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn trẻ học tập và vui chơi ở không gian thích hợp, ngồi học đúng tư thế, đủ ánh sáng. Một lưu ý nữa là chế độ ăn uống hợp lý: Thực đơn hằng ngày cho trẻ nên có nhiều các loại rau xanh thẫm, cà rốt, bí đỏ, cà chua… Những thực phẩm này cung cấp các vitamin dưỡng mắt như vitamin A, vitamin E, vitamin B... giúp mắt trẻ phát triển tốt. Điều cần thiết là sắp xếp thời gian hợp lý để trẻ chơi đùa, vận động tự do ngoài thiên nhiên, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời càng nhiều càng tốt.
Theo một nghiên cứu về mù lòa trẻ em của GS Hans Limburg vào năm 2011 thì tỉ lệ mù lòa trẻ em (0-15 tuổi) của Việt Nam là 7/10.000 trẻ. Nguyên nhân chính gây mù ở trẻ em chủ yếu là do tật khúc xạ, sẹo giác mạc, bệnh bán phần sau… Trong đó, tật khúc xạ chưa được chỉnh kính là một trong ba nguyên nhân chính gây tổn hại thị lực ở trẻ em, mà điều này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được. Nghiên cứu của BV Mắt TP.HCM gần đây cho thấy tại TP.HCM, tỉ lệ tật khúc xạ chung ở học sinh là 39,4%, trong đó đa số là cận thị (96,5%). Các nghiên cứu cũng cho thấy tỉ lệ cận thị gia tăng theo độ tuổi. Tỉ lệ cận thị ở học sinh cấp 1: 20%, cấp 2: 46,1%, cấp 3: 43,7%. Vùng trung tâm thành phố có tỉ lệ cao hơn so với vùng ven và ngoại thành. BS VÕ THỊ CHINH NGA, Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, BV Mắt TP.HCM |