Ho lúc chuyển mùa - Thuốc gì?

Ngày 16/03/2014 00:00 AM (GMT+7)

Khi ho nặng, kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thì cần đến các thuốc giảm ho.

Ho là một phản ứng tốt của cơ thể để tống các dị vật hoặc đờm khỏi đường thở (phế quản, họng). Tuy nhiên, khi ho nặng, kéo dài gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thì cần đến các thuốc giảm ho.

Chuyển mùa là lúc thời tiết thay đổi nhiều: đông sang xuân (lạnh sang ấm, gió mùa đông bắc lạnh và khô sang gió nồm ấm và ẩm), xuân sang hè (ấm sang nóng), hè sang thu (nóng sang mát), thu sang đông (mát sang lạnh, chủ yếu là gió đông bắc) nên có ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhất là người già và trẻ nhỏ (đặc biệt là đông sang xuân) biểu hiện thường gặp là: ho, cảm, cúm, chảy nước mũi, hắt hơi, gây khó chịu trong người. Sau đây xin điểm qua một số loại thuốc trị ho thông thường.

Thuốc giảm ho dân gian: ít độc hại

Nhân dân thường dùng một số thức ăn, gia vị thường có trong vườn nhà để chữa ho như: cho người lớn hoặc trẻ trên 7 tuổi sử dụng quả chanh hoặc quả quất chín, quả khế thái lát trộn với muối hoặc chút mật ong để ngậm rồi nuốt nước. Ngậm một lát gừng tươi hoặc nghệ tươi thỉnh thoảng nhấm nhẹ, nuốt nước. Hoặc dùng thuốc ho Đông y có bán ở các nhà thuốc hợp pháp. Trẻ em dưới 2 tuổi thì dùng hoa đu đủ đực hoặc hoa hồng bạch, lá hẹ trộn với đường phèn hấp chín cho ăn.

Ho lúc chuyển mùa - Thuốc gì? - 1

Quất chưng đường phèn trị ho

Lưu ý: Tuyệt đối không dùng: quả quất làm cảnh, hoa hồng bạch mua ở chợ (do nhiễm lượng lớn hóa chất bảo vệ thực vật) để trị ho.

Thuốc giảm ho tác dụng thần kinh trung ương, bao gồm các loại như: codein, pholcodin, dextromethorphan... trị ho khan (dùng thuốc không quá 7 ngày). Thuốc ít có tác dụng với ho nặng kéo dài. Không dùng các loại thuốc này cho trẻ dưới 2 tuổi, người suy hô hấp, phụ nữ có thai, các trường hợp ho có nhiều đờm.

Thuốc long đờm

Thường có các loại như terpin hydrat, natri benzoat có tác dụng làm loãng đờm (terpin hydrat thường phối hợp với codein). Eprazinone (có tên biệt dược như mucitux, molitoux) có tác dụng làm loãng dịch tiết phế quản nên long đờm (không phá hủy cấu trúc của đờm nên không ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày) làm dễ thở do chống co thắt phế quản. Chữa ho do viêm phế quản cấp và mạn, suy hô hấp mạn, hen phế quản hoặc ho do cúm, viêm mũi xoang.

Các loại thuốc long đờm có tác dụng phá hủy cấu trúc của đờm như ambroxol, bromhexine, N- acetylcysteine, carbocistein... dùng chữa ho do các bệnh phế quản, phổi cấp và mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản. Viêm xoang và tai mũi họng. Không dùng cho người bệnh: viêm loét dạ dày - tá tràng. Phụ nữ có thai hoặc cho con bú.

Thuốc chống dị ứng

Thường dùng nhóm kháng histamin H1 như chlorpheniramin maleat. Cetirizin, loratadin, fexofenadin có tác dụng chống chảy nước mũi gây ho và khó chịu qua đó có tác dụng giảm ho. Trong nhóm kháng histamin H1 chỉ có chlorpheniramin maleat là được các nhà bào chế thuốc tin dùng hơn cả, vì tác dụng nhanh và mạnh hơn các loại khác (nên thường có trong các biệt dược chữa cảm cúm, chữa ho nhiều thành phần). Để giảm tác hại của nó, chỉ nên dùng liều nhỏ, đặt dưới lưỡi (1/2 hoặc 1/3 viên hàm lượng 4mg, ngày dùng 1 - 2 lần). Không dùng chlorpheniramin cho người bệnh: hen cấp, loét dạ dày, tá tràng, tắc môn vị, tắc cổ bàng quang, glocom góc hẹp, trẻ sơ sinh, người mang thai, người cho con bú.

Thuốc chống viêm dạng men

Các loại như alpha chymotrypsin, seratiopeptidase (tốt nhất nên đặt dưới lưỡi mỗi viên 6 giờ/lần) cho các trường hợp ho do viêm đường hô hấp.

Thuốc kháng sinh

Các loại kháng sinh như amoxillin, cephalosporin, cefuroxim,chỉ có tác dụng khi nguyên nhân gây ho là vi khuẩn, vi nấm ở đường hô hấp mà không có tác dụng khi nguyên nhân gây ho là virut và các nguyên nhân khác. Theo quy định thì tất cả các trường hợp sử dụng kháng sinh đều phải thử kháng sinh đồ, dùng với liều phù hợp, tránh dùng liều cao, bao vây sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Corticoide

Corticoide dạng xịt mũi có tác dụng cắt cơn ho nhanh trong trường hợp ho do viêm mũi dị ứng, thường dùng fluticasone propinate: 2 ngày đầu mỗi ngày xịt 2 lần lúc 8 giờ và 20 giờ. Sau đó, mỗi ngày xịt 1 lần. Không dùng cho trẻ dưới 12 tuổi và phụ nữ có thai 3 tháng đầu.

Phòng bệnh

- Thường xuyên vệ sinh răng miệng ngay sau khi ăn hoặc uống nước ngọt, súc họng trước khi đi ngủ bằng nước muối đẳng trương (Nacl 0,9%).

- Hàng ngày cần tập luyện vận động cơ thể trong đó chủ yếu có phần tập thở 4 thì (luyện thở ít nhất là 10 phút/ngày). Cần hướng dẫn tập thở cho trẻ ngay từ 7 tuổi để các cháu luyện tập thành thói quen và mọi người kể cả người bệnh để tăng khả năng miễn dịch ở phổi và hỗ trợ cơ thể chống tác nhân gây bệnh.

- Giữ ấm cổ ngực và đôi chân khi trời lạnh dưới 20oC (nhất là người già, trẻ nhỏ).

- Tránh xa nicotin (thuốc lá, thuốc lào) và ethanol (bia, rượu các loại).

- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể và đặc biệt ở màng phổi bằng cách bổ sung vitamin A (hoặc beta-caroten) vitamin D3, vitamin C, vitamin B2, đặc biệt là người đang điều trị ho do vi khuẩn, virut.

- Thông gió tránh ô nhiễm cho phòng ngủ đặc biệt trong những ngày có độ ẩm cao. Khi trong nhà có người nhiễm cúm cần xông khói bồ kết để diệt virut (đốt quả bồ kết khô trong bát rồi luân chuyển khắp nơi trong buồng có người bệnh).

Theo DS. Trần Xuân Thuyết (Sức khỏe & Đời sống)

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sống khỏe