Không chỉ khoai tây mọc mầm, khi khoai tây có biểu hiện này bạn cũng không nên ăn để tránh ngộ độc.
Khoai tây là loại rau củ rất phổ biến, có một số lợi ích sức khỏe và dinh dưỡng đáng ngạc nhiên. Mặc dù khi chiên lên có thể chứa nhiều chất béo và calo, nhưng bản thân khoai tây lại không có chất béo và cholesterol, cũng như ít natri. Nếu chế biến đúng cách, khoai tây có thể tạo ra một món ăn ngon, bổ dưỡng.
Bên cạnh đó, khoai tây còn là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào. Chất xơ có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim bằng cách giữ cho lượng cholesterol và lượng đường trong máu luôn ở mức kiểm soát. Khoai tây cũng chứa nhiều vitamin tốt cho cơ thể, cũng như các chất chống oxy hóa có tác dụng ngăn ngừa bệnh tật.
Mặc dù khoai tây bổ dưỡng như vậy nhưng cần tránh ăn nếu củ đã mọc mầm bởi nó có thể chứa lượng lớn độc tố solanin rất nguy hiểm. Khi một củ khoai tây quá già, các chất tinh bột trong khoai được chuyển đổi thành các loại đường. Đường này sẽ biến đổi thành các alcaloit gọi là solanine và chaconine-alpha. Các alcaloit thường tập trung trong thân, lá, mầm khoai tây cũng như khu vực vỏ màu da xanh lá cây của củ.
Ngộ độc solanine và chaconine-alpha có thể gây rối loạn tiêu hóa và vấn đề thần kinh với các triệu chứng như tiêu chảy, buồn nôn, đau dạ dày, đau đầu, chóng mặt, ảo giác, tê liệt, giãn đồng tử... Hàm lượng solanin trong mầm (1,34g/kg) cao hơn nhiều trong ruột khoai tây (0,04 - 0,07g/kg) hoặc trong vỏ (0,03 - 0,05g/kg). Độc tố này có khả năng chịu được nhiệt độ cao nên nó sẽ vẫn tồn tại ngay cả khi bỏ mầm hoặc nấu ở nhiệt độ cao.
Khoai tây mọc mầm không nên ăn vì có thể chứa độc tố solanin. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, một số củ khoai tây dù không mọc mầm nhưng nếu có những đốm xanh cũng nên cẩn thận. Khi củ khoai tây có các mảng màu xanh nghĩa là nó đã bị nhiễm chất độc solanin.
Thứ làm cho khoai tây có màu xanh là chất diệp lục, và mặc dù sắc tố đó không phải nguyên nhân chính gây hại cho bạn, nhưng nó là lời cảnh báo tốt nhất không nên ăn. Khi một củ khoai tây tiếp xúc với ánh sáng, nó sẽ tạo ra chất diệp lục, điều này cũng có thể dẫn đến hàm lượng solanin cao. Như đã nói, solanin là một chất độc thần kinh, nếu không may ăn phải có thể gây ra các triệu chứng đau đầu, buồn nôn. Nếu ăn số lượng lớn còn gây sốt, khó thở và đau dạ dày.
Làm thế nào để tránh ngộ độc khi ăn khoai tây?
Ngộ độc khoai tây có thể tránh được bằng việc lưu trữ đúng cách. Tránh để khoai tây tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để giảm khả năng chúng sản sinh độc tố. Khoai tây mọc mầm nhờ đủ độ ẩm, ánh sáng. Vì vậy, nên cất khoai chưa rửa ở nơi mát, tối, khô ráo.
Khoai tây mua về nên ăn sớm. Không nên sử dụng khoai tây đã héo, cũ, mọc mầm. Với những củ khoai tây có mảng xanh, nếu diện tích phần màu xanh lớn thì nên bỏ, nếu nhỏ có thể dùng dao cắt bỏ trước khi chế biến.
Nên chọn khoai còn rắn, chắc tay, không có mầm khi mua tại chợ, siêu thị.
Cách nấu khoai tây cũng quyết định đến nồng độ của solanine và chaconine-alpha. Nên nấu ở nhiệt độ cao (170 độ C).
Nếu bạn vô tình ăn phải khoai tây chứa chất độc, hãy đến bác sĩ ngay.