Bắp cải là loại rau phổ biến bán đầy ở chợ Việt nhưng nhiều người không đánh giá cao tác dụng của nó với sức khỏe.
Bắp cải là loại rau phổ biến của mùa thu đông nhưng ngày nay mọi người có thể mua bắp cải vào bất cứ thời điểm nào trong năm. Bắp cải dễ ăn, dễ chế biến nên cũng được yêu thích nhưng cũng vì rất phổ biến nên mọi người không đánh giá quá cao, chỉ xem như rau ăn hàng ngày.
Bắp cải - thuốc bảo vệ dạ dày tự nhiên
Thực chất rau bắp cải tuy giá thành rẻ nhưng lại khá bổ dưỡng, có chứa những nguồn dinh dưỡng tốt và được ví như "thuốc chữa bệnh dạ dày tự nhiên". Thực phẩm này không chỉ có thể ngăn ngừa viêm loét dạ dày, bảo vệ và phục hồi niêm mạc dạ dày mà còn duy trì chức năng bình thường của tế bào dạ dày, giảm khả năng mắc bệnh. Khả năng tuyệt vời này của bắp cải là nhờ vitamin U có trong nó.
Bắp cải chứa một thành phần gọi là methylmethionine sulfonium chloride, tương tự như vitamin và có tác dụng ức chế vết loét (Ulcer), nên được gọi là vitamin U. Bác sĩ Trung y người Hàn Quốc Zheng Shiyan giải thích rằng bắp cải có thể đại khái chia thành ba phần: lá xanh bên ngoài, lá bên trong và cuống màu trắng. Theo nghiên cứu của Khoa Thực phẩm và Dinh dưỡng tại Đại học Nữ sinh Deok Sung, Hàn Quốc, phần lá bên trong bắp cải chứa nhiều vitamin U nhất.
Bắp cải chứa vitamin U giúp nuôi dưỡng, bảo vệ và chữa lành dạ dày. (Ảnh minh họa)
Ngoài ra, bắp cải có hàm lượng vitamin C đặc biệt cao và hàm lượng axit folic xếp thứ hai trong số các loại rau. Axit folic là một loại vitamin tan trong nước, chủ yếu chứa trong các loại rau lá xanh, axit folic có thể thúc đẩy hiệu quả quá trình trao đổi chất của bà bầu, nâng cao sức đề kháng của bà bầu, thúc đẩy thai nhi phát triển tốt hơn.
Hơn nữa, tổng hàm lượng vitamin trong bắp cải gấp 3 lần cà chua nên có tác dụng chống oxy hóa, chống lão hóa mạnh. Trong 90% bắp cải là nước, chứa đầy vitamin tan trong nước nên nó là "người nhặt rác" của mạch máu, giúp ngăn ngừa xơ vữa động mạch, hiệu quả rất tuyệt vời.
Bắp cải cũng chứa các chất có khả năng chống oxy hóa mạnh như Indole, isothiocyanate, sulforaphane và các chất hóa học thực vật khác có thể giúp ức chế sự phát triển của các tế bào ung thư, chẳng hạn như ung thư vú và ung thư đại trực tràng.
Nấu chín bắp cải không tốt bằng ăn sống
Ngoài vitamin U có lợi cho dạ dày, bắp cải còn chứa các chất dinh dưỡng như glucosinolates, sulforaphane,-carotene, vitamin và vitamin C, không chỉ có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch mà còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư hiệu quả. Tuy nhiên, để cơ thể hấp thụ được đầy đủ các dưỡng chất này thì phương pháp nấu ăn rất quan trọng.
Vitamin U không chịu được nhiệt và glucosinolates đều dễ bị mất đi khi đun nóng. Do đó, bác sĩ Zheng Shiyan đề xuất rằng tốt hơn nên ăn bắp cải sống hoặc hấp thay vì luộc để giữ lại được lượng vitamin cao nhất. Vì vitamin U tan trong nước nên thay vì ngâm rửa trực tiếp trong nước, mọi người nên rửa nhẹ nhàng dưới vòi nước chảy.
Bắp cải muối lên men được người Nhật yêu thích và ca ngợi tốt hơn cả ăn sữa chua. (Ảnh minh họa)
Để ăn bắp cải sống dễ dàng hơn, Koichiro Fujita, bác sĩ y khoa và giáo sư danh dự của Đại học Nha khoa Tokyo, Nhật Bản gợi ý có thể làm món bắp cải muối lên men đơn giản mà người Nhật thường rất thích ăn, thậm chí còn ca ngợi nó tốt hơn sữa chua.
Món ăn này ngoài việc bổ sung chất xơ còn có thể ức chế sự gia tăng oxy hoạt tính, các vi khuẩn axit lactic hình thành trong quá trình muối có thể giúp cải thiện hệ vi khuẩn đường ruột và cải thiện tình trạng khó chịu ở đường tiêu hóa. Đồng thời vitamin U giúp bảo vệ dạ dày trong bắp cải cũng tránh bị suy giảm.
Cách làm bắp cải muối:
Nguyên liệu: 1/2 bắp cải (khoảng 500g), 2 muỗng cà phê muối (khoảng 10g), 1 túi zip (túi có khóa kéo)
Bắp cải rửa sạch, vẩy ráo nước, thái nhỏ, cho vào bát, rắc muối trộn đều. Bảo quản trong túi zip, hút bớt không khí, sau đó dùng chai nhựa 2000cc đổ đầy nước ấn vào, để không khí không dễ lọt vào, ngăn vi khuẩn sinh sôi.
Để ở nhiệt độ phòng trong 24-48 giờ, sau khi bắp cải chuyển sang màu vàng, cho cả túi vào ngăn mát tủ lạnh, có thể bảo quản được khoảng nửa năm.