Thói quen của các mẹ có con gái có thể khiến bé nhập viện, kém xinh đẹp khi lớn

LÊ PHƯƠNG. - Ngày 20/08/2021 09:07 AM (GMT+7)

Việc bấm lỗ tai cho trẻ, nhất là các bé gái tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đối với sức khỏe. Tuy nhiên đây lại là một thói quen rất nhiều gia đình thực hiện.

Ngay từ khi còn nhỏ, các gia đình có con gái thường có thói quen bấm (bắn) lỗ tai cho bé để sau này có thể đeo những đồ trang sức, làm đẹp bản thân. Sở dĩ rất nhiều gia đình có thói quen bấm lỗ tai cho trẻ từ khi còn nhỏ vì cho rằng giai đoạn này các bé ít bị đau đớn, dễ quên khi bị đau… Tuy nhiên, các mẹ không biết rằng việc này lại tiềm tàng rất nhiều mối nguy hiểm đối với trẻ và ngay cả khi bé lớn, những nguy hiểm này vẫn còn tồn tại.

BS Trần Văn Đồng (Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết mới đây các bác sĩ tiếp nhận một bé gái mới 27 ngày tuổi được mẹ bắn lỗ tai cho, xỏ khuyên tạm bằng sợi chỉ. Thế nhưng chỉ vài hôm sau, tai bé gái bắt đầu có dấu hiệu sưng tấy, mưng mủ và phải nhập viện thăm khám, xử lý.

Hình ảnh bé gái 17 ngày tuổi gặp biến chứng sau khi bấm lỗ tai.

Hình ảnh bé gái 17 ngày tuổi gặp biến chứng sau khi bấm lỗ tai.

Tình trạng trẻ gặp phải vấn đề khi bắn lỗ tai không hiếm gặp, trước đó một bé gái mới 15 ngày tuổi, ở Tiền Giang được đưa tới viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, người mệt lả, bỏ bú. Hai bên mang tai bé bị tấy đỏ, phần lỗ tai mới bấm bị chảy mủ.

Theo chia sẻ của mẹ bệnh nhi, sau khi sinh bé, gia đình có nhờ người đến nhà để xỏ lỗ tai cho con vì nghĩ rằng xỏ càng sớm, bé sẽ không bị đau. Tuy nhiên vài ngày sau đó, thấy tai con bị sưng, kèm mủ, sốt cao nên gia đình mới vội đưa con đến viện.

Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán cháu bé bị viêm mô tế bào vùng quanh 2 bên lỗ tai, có nguy cơ bị nhiễm trùng huyết nặng. Ngay sau đó, các bác sĩ đã cấp cứu rửa vết thương, cắt sợi chỉ xỏ lỗ tai, lấy mủ ra, đồng thời tiêm thuốc kháng sinh cho cháu bé. Rất may, sau khi được điều trị, hai bên tai bớt sưng, cháu bé bú được, sức khỏe có nhiều chuyển biến tích cực.

Trẻ lớn bấm lỗ tai cũng phải lưu ý đảm bảo vô trùng. (Ảnh minh hoạ)

Trẻ lớn bấm lỗ tai cũng phải lưu ý đảm bảo vô trùng. (Ảnh minh hoạ)

BS Đồng cho biết thói quen bấm lỗ tai cho trẻ khi còn nhỏ, thậm chí khi trẻ đã lớn nhưng không được làm đúng cách là rất nguy hiểm. Việc làm này có thể gây nên tình trạng nhiễm khuẩn huyết, nhất là với trẻ sơ sinh có miễn dịch kém, da non nớt dễ tổn thương và miễn dịch tại chỗ cũng kém, do đó dễ bị nhiễm khuẩn ngay cả từ các vết xước nhỏ.

“Khi bé bắn lỗ tai mà chưa rõ dụng cụ đảm bảo vô khuẩn hay không, nếu gây ra một "vết thương hở" sẽ dễ bị nhiễm khuẩn. Ngoài ra, các sợi chỉ và bàn tay dùng để thao tác buộc sợi chỉ không sạch cũng sẽ làm nhiễm khuẩn da bé.

Da trẻ rất nhiều mạch máu, nhưng tế bào máu có nhiệm vụ "ăn và diệt" vi khuẩn còn hoạt động kém, vì vậy vi khuẩn gây nhiễm trùng dễ tấn công sâu hơn vào máu gây nhiễm khuẩn máu, nhất là tụ cầu vàng kháng thuốc có thể de dọa tính mạng trẻ”, BS Đồng cảnh báo.

Nhiều trẻ bị biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ vì bấm lỗ tai.

Nhiều trẻ bị biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ vì bấm lỗ tai.

Ngoài vấn đề nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, việc bấm lỗ tai cho trẻ khi còn quá nhỏ có thể gây áp xe, thậm chí biến dạng cả sụn vành tai. Vì vậy, các bác sĩ không khuyến cáo việc bấm lỗ tai, nhất là với trẻ nhỏ.

Với trẻ đã lớn, khi hệ miễn dịch ổn định, nếu có ý định xỏ lỗ tai cho trẻ, bố mẹ cũng nên tìm địa chỉ tin cậy, uy tín, đảm bảo vô trùng để tránh vi khuẩn xâm nhập gây hại cho con. Sau khi xỏ lỗ tai cho con, nếu thấy bất kỳ dấu hiệu nào bất thường (sưng, tấy đỏ, chảy dịch…) bố mẹ phải đưa đến các cơ sở y tế để được xử lý kịp thời. Trường hợp tự ý điều trị, đưa tới viện quá muộn, vành tai đã bị áp xe nặng, gây hỏng vành tai.

Ngoài ra, người lớn cũng nên bỏ thói quen dùng kim chích nhể nanh sữa, bắn xỏ lỗ tai ở trẻ nhỏ hay tự nặn mụn nhọt cho bé... vì việc làm này khiến trẻ dễ bị nhiễm khuẩn nặng hơn.

Mùa đông ngứa ngáy cào xước da, dễ nhiễm khuẩn: Chuyên gia chỉ 6 cách đơn giản để hết ngứa
Tình trạng ngứa ngáy vào mùa đông rất hay gặp ở nhiều người, nếu cố gãi mạnh làm xước da thì nguy cơ vi khuẩn xâm nhập gây nhiễm khuẩn là rất lớn.

Dị ứng da

LÊ PHƯƠNG.
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bác sĩ CK Nhi Trần Văn Đồng