Bông cải xanh được xem là "siêu thực phẩm" vì có vô vàn tác dụng tốt cho sức khỏe, ngừa tới 8 bệnh ung thư nhưng rau mầm bông cải xanh thậm chí còn tốt hơn gấp nhiều lần.
Nhiều người cho rằng so với rau mầm mới mọc, rau khi trưởng thành giàu dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên, chuyên gia dinh dưỡng và làm đẹp người Nhật Bản, Nana Fujinaka chỉ ra rằng hầu hết các chất dinh dưỡng của thực vật đều ẩn trong hạt mầm và mất dần khi chúng lớn lên, vì vậy ăn rau mầm là cách hấp thụ hiệu quả nhất.
Rau mầm bông cải xanh có vẻ là loại thực phẩm không được nhiều người Việt dùng nhưng nó lại có giá trị dinh dưỡng cao, được không ít người theo đuổi chế độ ăn uống lành mạnh yêu thích và thậm chí còn từng tạo nên cơn sốt ở châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản.
Không phải tự nhiên loại rau mầm bông cải xanh lại được yêu thích đến vậy, nó thực sự cung cấp những chất dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe và thậm chí còn tốt hơn ăn bông cải xanh.
Rau mầm bông cải xanh rất được yêu thích ở Nhật, châu Âu và châu Mỹ.
Sức mạnh giải độc gan tuyệt vời của rau mầm bông cải xanh
Bông cải xanh và rau mầm bông cải xanh đều có chứa sulforaphane, có tác dụng cải thiện chức năng gan. Gan là cơ quan quan trọng đảm nhiệm chức năng chuyển hóa, giải độc, phân hủy đường, chất béo, cồn... Sulforaphane có thể giúp gan tăng cường giải độc, đẩy nhanh quá trình thải độc tố tích tụ trong cơ thể, từ đó thúc đẩy quá trình trao đổi chất. Ngoài ra, giám đốc dinh dưỡng Nhật Bản Chie Yasunaka cho biết, theo thí nghiệm trên động vật, sulforaphane còn có thể ngăn ngừa tích tụ chất béo, loại bỏ bệnh béo phì và hội chứng chuyển hóa.
Rau mầm bông cải xanh rất giàu sulforaphane, gấp 7 lần so với bông cải xanh trưởng thành. Asami Iwata, một chuyên gia dinh dưỡng y học cổ truyền của Nhật Bản, cho biết chỉ cần dùng 50 gam rau mầm bông cải xanh đã đạt được tác dụng tương tự như ăn 1kg bông cải xanh trưởng thành.
Vì nhiều chất dinh dưỡng không thể dự trữ lâu trong cơ thể mà phải tiêu thụ hàng ngày, tuy nhiên giám đốc dinh dưỡng Chie Yasunaka cho biết tác dụng của sulforaphane có thể kéo dài 3 ngày nên bạn chỉ cần ăn rau mầm bông cải xanh 3 ngày một lần, mỗi lần khoảng 20 gam có thể đạt được tác dụng bảo vệ gan.
Rau mầm bông cải xanh giàu sulforaphane, gấp 7 lần so với bông cải xanh trưởng thành.
Những tác dụng khác của rau mầm bông cải xanh
Nhờ hàm lượng sulforaphane, rau mầm bông cải xanh có rất nhiều lợi ích cho sức khỏe, dưới đây là những tác dụng cụ thể của loại rau này do trang tin sức khỏe Healthline tổng hợp.
Có thể chống ung thư
Sulforaphane là một hợp chất có đặc tính chống ung thư mạnh mẽ. Trên thực tế, đây là lý do tại sao rau mầm bông cải xanh từ lâu đã được nghiên cứu về tác dụng chống ung thư.
Các nghiên cứu cho thấy rằng sulforaphane có thể:
- Thúc đẩy quá trình tự chết của tế bào ung thư.
- Ức chế sự hình thành mạch, hoặc sự phát triển của các mạch máu mới, nuôi các tế bào ác tính.
- Giảm viêm.
- Giảm sự xâm lấn và lây lan của tế bào ung thư.
Sulforaphane hoạt động bằng cách tăng một số enzyme giải độc trong gan. Những enzym này vừa chống lại vừa giúp gan loại bỏ các tác động gây ung thư tiềm ẩn trong chất độc hoặc hóa chất từ thực phẩm và môi trường.
Các nghiên cứu trên ống nghiệm và động vật cũng cho thấy sulforaphane từ rau mầm bông cải xanh có thể chống ung thư vú, tuyến tiền liệt, ruột kết, gan và phổi.
Rau mầm bông cải xanh có thể ngừa ung thư.
Có thể hỗ trợ sức khỏe tinh thần và não bộ
Chất sulforaphane trong rau mầm bông cải xanh cũng có thể chống lại một số tình trạng não, bao gồm đột quỵ não, bệnh Alzheimer và Parkinson, đồng thời cải thiện một số triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ (ASD).
Trong trường hợp đột quỵ não, sulforaphane có thể làm giảm sự chết của tế bào não, do đó làm giảm lượng mô não bị mất.
Trong trường hợp mắc bệnh Alzheimer, sulforaphane có tác dụng bảo vệ các tế bào não khỏi độc tính beta-amyloid - một loại protein tích tụ trong não có liên quan đến sự khởi phát của bệnh.
Bệnh Parkinson gây ra bởi sự suy yếu hoặc chết của các tế bào não sản xuất dopamine - chất dẫn truyền hóa học ảnh hưởng đến tâm trạng, sự tập trung và trí nhớ của bạn. Sulforaphane bảo vệ các tế bào này khỏi stress oxy hóa do các gốc tự do có hại gây ra.
Có thể cải thiện sức khỏe đường ruột
Do đặc tính chống oxy hóa và kháng khuẩn, sulforaphane từ rau mầm bông cải xanh có thể tăng cường sức khỏe đường ruột.
Tác dụng chống oxy hóa của sulforaphane có thể giúp các tế bào đường ruột hoạt động bình thường, từ đó cải thiện nhu động ruột. Ngoài ra, sulforaphane có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với H. pylori, một loại vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng đường tiêu hóa, viêm dạ dày và loét dạ dày.
Các lợi ích tiềm năng khác
- Cải thiện sức khỏe tim mạch. Rau mầm có thể làm giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim, chẳng hạn như mức cholesterol cao chất béo trung tính và cholesterol LDL (có hại). Chúng cũng giàu coenzym Q10, một hợp chất có tác dụng hạ huyết áp.
- Hạ đường huyết. Các nghiên cứu trên động vật và ống nghiệm cho thấy chiết xuất rau mầm bông cải xanh có thể cải thiện độ nhạy insulin, từ đó có thể làm giảm lượng đường trong máu.
- Tốt cho khớp: Các nghiên cứu trong ống nghiệm đã xác định rằng sulforaphane trong mầm bông cải xanh có thể làm giảm các dấu hiệu viêm liên quan đến viêm khớp.
Đây là cách ăn rau mầm bông cải xanh hiệu quả nhất
Thêm rau mầm bông cải xanh vào súp, canh, mì hoặc làm salad đều ngon.
Rau mầm bông cải xanh có vị tươi mát, giòn thích hợp làm nộm, salad, ai sợ đắng có thể cắt nhỏ và rắc thêm hạt mắc ca để tăng thêm thêm béo. Nhưng ăn salad hàng ngày dễ ngán, nhất là vào mùa đông lạnh giá thì lại càng không thích hợp.
Giám đốc dinh dưỡng Chie Yasunaka gợi ý rằng có thể cho rau mầm bông cải xanh vào canh, súp miso hoặc mì, sau khi đun nóng, vị đặc trưng của bông cải xanh sẽ giảm bớt, không chỉ giúp ăn ngon miệng hơn mà còn bổ sung lượng rau cần thiết. Ngoài ra, ăn kèm với các thực phẩm giàu chất xơ như nấm, rong biển sẽ giúp làm sạch môi trường đường ruột, tống xuất phân tích tụ, giải độc tốt hơn.