Thông tin măng cụt xanh có thể gây ngộ độc, thậm chí tử vong khi kết hợp với đường khiến nhiều người hoang mang, nhất là khi món gỏi gà măng cụt xanh đang được ưa chuộng.
Gần đây món gỏi gà măng cụt đang “gây bão” trên mạng xã hội, rất nhiều người vì tò mò bởi món ăn “hot trend” này nên đã tự tay vào bếp chế biến.
Tuy nhiên, gần đây, NSƯT Thành Lộc có bài đăng trên trang cá nhân cảnh báo về món ăn này. Cụ thể bài viết của nghệ sĩ Thành Lộc cho rằng những năm 70-80 đã rộ lên kiểu ăn nhậu lấy măng cụt sống chấm đường, sau đó có nhiều người ngộ độc.
Chia sẻ trên mạng xã hội của nghệ sĩ Thành Lộc khiến nhiều người lo lắng.
“Mủ của quả măng cụt gặp đường mía sẽ gây phản ứng thành độc và tử vong cũng không ít. Vụ này những ai vào độ tuổi của tôi chắc còn nhớ vì báo chí lúc đó đăng tin nhiều. Giờ người ta lấy măng cụt sống (xanh) làm gỏi dễ gì không nêm đường. Tới giờ chưa nghe tin gì, nhưng cũng thấy lo lo vì cái tin măng cụt sống chấm đường ăn vô là chết nó khắc vào đầu tôi từ đó đến tận bây giờ", nghệ sĩ Thành Lộc đăng tải.
Với những người từng trải nghiệm làm món gỏi gà măng cụt, đa số họ đều thừa nhận rằng vỏ măng cụt rất cứng và nhựa măng cụt thật sự kinh khủng. Chị Khánh Hà (ở Hà Nội) chia sẻ măng cụt xanh vỏ cứng như quả ổi xanh, nhựa rất nhiều. Khi làm món gỏi gà măng cụt, chị Hà phải dùng găng tay để sơ chế, sau khi gọt vỏ, nhựa măng cụt dính vàng hết cả găng tay.
Hình ảnh măng cụt sau khi gọt vỏ nhựa tiết ra vàng như nghệ. Ảnh: Ha Chip.
Sau khi sơ chế, măng cụt trắng nõn nà vô cùng bắt mắt. Ảnh: Ha Chip.
Đặc biệt, khi ngâm măng cụt vào nước, phần nhựa thôi ra nhìn vàng như nghệ. Tuy nhiên, để tạo thành món gỏi ngon và bắt mắt, người làm sẽ phải loại bỏ nhựa măng cụt đi, chỉ lấy phần cùi bên trong. “Tôi vừa gọt vỏ vừa phải xả nước để mủ trôi đi. Gọt xong tôi ngâm nhiều lần với nước và cả dấm. Đến khi tách hết vỏ và ngâm nhiều lần với nước, phần cùi rất trắng và đẹp mắt chứ không còn mủ nữa. Như vậy chế biến thành món ăn sẽ rất an toàn, ngon và đẹp mắt”, chị Hà cho hay.
Dưới góc độ chuyên môn, trao đổi với PV, BSCK II Huỳnh Tấn Vũ - Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM (cơ sở 3) cho biết, măng cụt là một loại quả giàu dinh dưỡng và còn là vị thuốc. Măng cụt xanh trộn gỏi gà là món ăn ngon, được nhiều người yêu thích, nhất là trong mùa hè.
Còn với thông tin, măng cụt xanh kết hợp với đường sẽ gây phản ứng, ngộ độc, thậm chí tử vong, bác sĩ Vũ cho rằng đó chỉ là nhận định chủ quan của người không có chuyên môn. “Đến nay chưa có công trình nghiên cứu, chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh điều này”, bác sĩ Tấn Vũ cho hay.
Với món gỏi gà măng cụt xanh, bác sĩ Vũ cho biết khi chế biến mọi người đã cẩn thận lọc bỏ phần vỏ, loại bỏ nhựa chỉ lấy phần cùi phía trong để trộn gỏi. Và khi trộn gỏi thường sẽ cho thêm đường để món ăn được ngon hơn và sẽ không gây độc.
Gỏi gà trộn măng cụt xanh sau khi đã sơ chế kỹ lưỡng nếu có kết hợp với đường cũng không lo bị ngộ độc. Ảnh: Hà Chíp.
“Trong vỏ măng cụt hay nhựa măng cụt có chất tanin, nếu khi làm không loại bỏ phần đó hoặc ăn quá nhiều có thể sẽ làm se niêm mạc đường tiêu hóa, từ đó dẫn đến tắc ruột và có thể gây tử vong. Vì thế người có bệnh đường tiêu hóa, người già, trẻ nhỏ không nên ăn nhiều măng cụt. Ngay với người bình thường cũng không nên ăn măng cụt xanh khi chưa bỏ vỏ hoặc nhựa. Còn đường phản ứng với măng cụt xanh gây ngộ độc tử vong là không có”, bác sĩ Vũ thông tin.
Măng cụt có nhiều giá trị với sức khỏe
Theo bác sĩ Vũ, măng cụt có vị ngọt thanh, từng múi trắng như sữa là thứ trái nhiều người thích ăn. Bên cạnh đó măng cụt còn có những công dụng chữa bệnh. Từ ruột tới vỏ của măng cụt đều chứa các thành phần dược học có khả năng phòng, hỗ trợ điều trị một số bệnh.
Ngoài ra, măng cụt rất giàu dưỡng chất như chất đạm, chất béo, chất carbonhydrates, chất xơ, canxi, chất sắt, phốt pho và vitamin như B1, C.
Trong đông y, măng cụt xanh là bài thuốc chữa tiêu chảy, kiết lỵ rất hiệu quả. Ảnh: Hà Chíp.
Thành phần có giá trị dược lý của măng cụt là một nhóm hợp chất có tên “xanthone”. Chất này thuộc nhóm chống oxy hóa có nguồn gốc thực vật (polyphenol). Có khoảng 40 xanthone được nhận dạng trong măng cụt, nhiều nhất ở vỏ. Điều này giúp măng cụt là loại trái cây chứa nhiều xanthone nhất. Những đặc tính của xanthone gồm:
- Chống oxy hóa: Xanthone là một hợp chất hóa học có hoạt tính chống oxy hóa rất cao, nhiều hơn cả dâu tây.
- Kháng nấm: Nhiều loại xanthone và những dẫn chất của chúng đã được chứng minh có đặc tính kháng nấm và kháng vi khuẩn, kể cả những vi khuẩn có khả năng đề kháng kháng sinh.
- Kích thích hệ thống miễn dịch cơ thể, giúp cơ thể chống lại những vi sinh vật lạ xâm nhập.
- Ức chế sự oxy hóa của LDL, vì thế có tác động làm giảm cholesterol.
- Có tác dụng bảo vệ tế bào gan, ức chế những tế bào ung bướu, vì vậy được xem là một chất có tác dụng kháng ung thư.
- Tác động giảm đau: Một số xanthone có khả năng ức chế các hoạt động của men cyclo-oxygenase, nên măng cụt được dùng như một loại thuốc cổ truyền điều trị những chứng đau, viêm, làm hạ nhiệt độ cơ thể khi bị sốt...
- Xanthone còn được xem là “ứng viên tiềm năng” trong việc chữa trị những chứng bệnh Parkinson và Alzheimer.
Còn trong y học cổ truyền, măng cụt được dùng để chữa bệnh tiêu chảy, kiết lỵ. Trong dân gian thường dùng vỏ quả măng cụt làm thuốc chữa tiêu chảy, kiết lỵ, rối loạn tiêu hóa và giải trừ các chất độc do ăn uống. Tác dụng này của măng cụt chủ yếu là do chất tanin, chiếm 7-13% trong thành phần của vỏ quả. Khi bị đau bụng, đi tiêu lỏng, bệnh vàng da, người bệnh thường được cho uống nước sắc vỏ măng cụt.