Gần đây, nhiều chị em mách nhau làm trà măng cụt vừa ngon vừa đẹp nhưng ít người biết loại quả này bổ dưỡng cho sức khỏe thế nào và có thể gây tác dụng phụ gì.
Măng cụt có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe và được nhiều người chế biến thành các món đồ ăn, thức uống hấp dẫn.
Gần đây, trên một số hội nhóm mạng xã hội, nhiều chị em mách nhau cách làm trà từ quả măng cụt với công thức vô cùng đơn giản. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng việc làm trà măng cụt dùng cả vỏ tươi là không nên, vì nếu không đúng liều lượng sẽ dễ gây tác dụng phụ, điển hình là bị táo bón. Ngoài ra, việc kết hợp với một số hỗn hợp thực phẩm khác như đường, mật ong nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn để tránh gây ra những tác dụng phụ.
Chia sẻ về cách làm nước măng cụt uống giải nhiệt nhận được sự quan tâm của nhiều người.
Trước trào lưu trên, đại tá, lương y Bùi Hồng Minh (Hà Nội) cho biết, việc sử dụng măng cụt làm thứ nước uống nếu làm đúng cách không gây hại cho sức khỏe. Theo đó, cùi măng cụt màu trắng, vỏ măng cụt màu tím nếu dùng kết hợp xay nhuyễn thì sẽ ra màu hơi tím, tuy nhiên đây không thể gọi là trà măng cụt mà chỉ được coi là măng cụt dầm hoặc sinh tố măng cụt dùng với mục đích giải nhiệt mùa hè.
Về cơ bản, việc dùng hỗn hợp cả vỏ và cùi măng cụt như vậy không ảnh hưởng gì đến sức khỏe nhưng nếu cho quá nhiều phần vỏ vào thì sản phẩm sẽ bị chát, khó sử dụng, thậm chí là gây tình trạng táo bón. Tuy nhiên, không nhiều người dùng kiểu sinh tố măng cụt như vậy, đa số chỉ sử dụng phần cùi.
Măng cụt là loại quả cực tốt cho sức khỏe, có thể dùng cả phần cùi trắng và vỏ.
Lương y Bùi Hồng Minh cho biết, trong quá trình sử dụng măng cụt, đa số mọi người vứt bỏ phần vỏ, tuy nhiên ít ai biết rằng vỏ măng cụt mới là phần có giá trị rất tốt, hỗ trợ điều trị được nhiều loại bệnh.
“Trà măng cụt là loại trà được làm từ phần vỏ chứ không phải phần cùi. Khi kết hợp vỏ măng cụt (khô) với một số vị thuốc khác sẽ hỗ trợ chữa được nhiều loại bệnh, trong đó có cả phòng chống ung thư, rất tốt cho cơ thể”, lương y Hồng Minh chia sẻ.
Theo lương y Bùi Hồng Minh, trong đông y, vỏ quả măng cụt có vị chua chát, tính bình, đi vào hai kinh phế, có công năng chi huyết, dùng để trị tiêu chảy, ngộ độc thức ăn… Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng vỏ măng cụt có chứa hơn 80 loại dưỡng chất tốt cho cơ thể. Trong đó, một số chất có khả năng giúp vết thương mau lành, kháng khuẩn và giảm đau hiệu quả.
Tuy cả cùi và vỏ măng cụt đều có tác dụng rất tốt, nhưng khi sử dụng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ, nhất là người mẫn cảm với các thành phần của loại quả này. Tuy nhiên, tác dụng phụ này không quá nguy hiểm.
Lương y Minh cũng khuyến cáo, những người béo phì nên hạn chế ăn quả này. Măng cụt cũng có thành phần kali tương đối cao, nên người mắc bệnh thận và tim mạch cũng phải thận trọng khi ăn.
Vỏ măng cụt là một vị thuốc sử dụng hỗ trợ, điều trị nhiều loại bệnh.
Một số bài thuốc có thể tham khảo từ quả măng cụt
- Vỏ măng cụt phơi khô, bảo quản cẩn thận. Mỗi ngày chỉ cần dùng 15g vỏ đem sao vàng hạ thổ, rồi sắc với 600ml nước làm trà vỏ măng cụt để uống. Ngoài ra, có thể kết hợp với một số vị thuốc khác như cỏ sữa, rau má, trà xanh, cam thảo… để tăng hiệu quả, tác dụng với cơ thể.
- Chữa đau bụng tiêu chảy, chữa lỵ: Cho khoảng 10 vỏ quả măng cụt vào một nồi đất, thêm nước vào cho ngập rồi đun sôi kỹ trong vòng 15 phút. Ngày uống 3-4 lần, mỗi lần chén to.
- Chữa lỵ: Dùng vỏ quả măng cụt 6g, rau sam, rau má, cỏ nhọ nồi, cỏ sữa (mỗi thứ 8g), trà xanh (loại ngon) 6g, cam thảo, vỏ quýt (mỗi thứ 4g), gừng 3 lát. Đem tất cả nấu lấy nước để uống trong ngày.
- Giảm cân hiệu quả: Pha chế trà từ vỏ măng cụt bằng cách thái nhỏ vỏ, mang phơi khô. Mỗi lần dùng cho một nắm nhỏ vào đun sôi với nước trong 5 phút.
- Hỗ trợ chữa rạn da sau sinh ở phụ nữ: Sử dụng vỏ măng cụt phơi khô qua 2 lần nắng, sau đó cho vào bình kín rồi cho rượu vào ngâm trong vòng 2 tuần. Dùng bông thấm rượu thuốc, xoa đều lên vùng da bị rạn, đều đặn mỗi ngày 2-3 lần. Thực hiện trong vòng 1-2 tháng vết rạn dần biến mất.