Cứ đến lễ, Tết, bệnh nhân ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ngộ độc rượu lại tấp nập vào viện.
Bỏ mạng vì ngộ độc rượu
Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai cho biết: Ba tháng nay, ngày nào trung tâm cũng tiếp nhận ca cấp cứu ngộ độc rượu; Có ngày 2-3 trường hợp nhập viện. Điều đáng nói, phần lớn ca nhập viện do ngộ độc rượu đều trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, ngừng tim không còn cơ hội sống.
Điển hình như trường hợp bệnh nhân N.Đ.T. (Thạch Thất, Hà Nội) được gia đình đưa vào Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai khi đã có dấu hiệu hôn mê, tổn thương não nghiêm trọng. Theo người thân cho biết, khi nhà có đám cưới, ông T. đã uống rượu triền miên suốt 3-4 ngày. Chỉ đến khi ngất xỉu, gia đình mới vội vàng đưa đến bệnh viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy, hàm lượng rượu cồn công nghiệp (methanol) trong máu bệnh nhân lên tới gần 300mg/100 ml máu (trong khi chỉ với mức trên 20mg/100ml máu đã được ghi nhận là ngộ độc methanol). Trường hợp này, bệnh nhân tử vong sau khi nhập viện cho dù đã được các bác sĩ nỗ lực can thiệp.
Bệnh nhân ngộ độc rượu được cấp cứu tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội.
BS. Trung Nguyên cho hay, các trường hợp ngộ độc rượu khá phổ biến, nhưng đáng ngại nhất là các trường hợp ngộ độc rượu có chứa methanol (loại cồn công nghiệp). Đa phần các ca ngộ độc methanol có nguy cơ tử vong rất cao. “Tỷ lệ ngộ độc methanol cũng tăng nhanh trong thời gian gần đây, cho dù việc nhận biết methanol có trong rượu rất rõ ràng”, BS. Nguyên nói.
Cách cấp cứu ngộ độc rượu
Cũng theo cảnh báo của BS. Nguyên, người càng trẻ, có thể trạng gầy yếu thì nguy cơ ngộ độc rượu dẫn đến hạ đường huyết, gây tổn thương não càng cao. Bên cạnh đó, cũng không hiếm trường hợp còn phải chịu di chứng sau điều trị ngộ độc rượu như suy thận, viêm tụy…
“Đáng nói, nhiều gia đình do xử trí không đúng cách, sau khi bệnh nhân ngộ độc không còn nhận biết đã cố cho ăn, uống thuốc giải rượu, làm tràn vào phổi khiến bệnh nhân thêm viêm phổi. Hoặc nhiều trường hợp cho rằng, có thuốc giải rượu thì “vô tư” uống, nhưng trên thực tế, không có loại dược phẩm nào có tác dụng “chống say” rượu, phòng tránh ngộ độc rượu thật sự, có chăng đó chỉ mang tính hỗ trợ một phần, bù các chất điện giải, vitamin, đường… mà thôi”, BS. Nguyên cho biết.
Để phòng tránh ngộ độc rượu, BS. Nguyên cho rằng, tốt nhất nên hạn chế tối đa, tránh lạm dụng rượu. Trong trường hợp uống nhiều rượu nhưng vẫn đủ tỉnh táo thì nên cho bệnh nhân ăn chất tinh bột, uống nước đường, sữa có đường và tiếp tục theo dõi. Còn với người sau khi uống rượu có dấu hiệu nói ú ớ, gọi không biết, thở khò khè, tay chân tím tái, lạnh thì nên cấp cứu ngay tại chỗ bằng cách cho nằm nghiêng bên phải, không cho dùng bất kỳ đồ ăn, thức uống nào và gọi cấp cứu 115.
Sai lầm khi tích trữ quá nhiều đồ ăn trong tủ lạnh
Chị Mai Anh (Hai Bà Trưng) vẫn nhớ mãi Tết năm trước, nhà có 4 người thì 2 người phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm. “Cũng không xác định được rõ nguyên nhân là do đâu, nhưng có thể vì món thịt cừu. Do miếng thịt cừu được cho ra vào ngăn đông lạnh nhiều lần trước khi chế biến vì thế có thể nhiễm khuẩn”, chị Mai Anh cho hay.
Theo BS. Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, chính thói quen trữ đồ ăn nhiều trong ngày Tết cũng là nguyên nhân dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. “Việc trữ nhiều đồ ăn trong tủ lạnh nếu không vệ sinh sạch sẽ, để lẫn lộn đồ ăn sống với đồ ăn chín đôi khi lại tự mình biến tủ lạnh gia đình thành ổ vi khuẩn. Chính vì vậy, ngoài việc lựa chọn thực phẩm an toàn, có nguồn gốc thì các gia đình cũng không nên tích trữ quá nhiều thức ăn trong tủ lạnh”, BS. Hải khuyến cáo.
Theo khuyến cáo của BS. Hải, thường gặp nhất là ngộ độc do vi sinh vật, khi ăn đồ ôi thiu. Tùy vào tình trạng đi ngoài, rối loạn tiêu hóa của bệnh nhân mà quyết định ở nhà hay đi viện. Khi bị ngộ độc, người nhà có thể pha ngay nước điện giải, hoặc nấu cháo, lấy nước cháo loãng cho muối để người bệnh uống. Người ngộ độc phải uống nhiều nước để bù nước, bù điện giải. Trong trường hợp, có dấu hiệu đi tiêu nhiều, nôn dữ dội thì phải đưa đi bệnh viện.
Bên cạnh ngộ độc rượu, thì các nhóm bệnh nhân bị rối loạn tiêu hóa, nhóm bệnh nhân bị chấn thương liên quan đến sử dụng rượu, bia trong dịp lễ, Tết cũng tăng hơn so với các dịp khác". TS. BS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, BV Đại học Y Hà Nội |