Do tự ý mua thuốc nhỏ mắt cho con sử dụng, chỉ sau hơn 3 tháng đôi mắt của của nam sinh đã bị mất thị lực, dẫn đến mù lòa.
Tiến sĩ, bác sĩ Anh Tuấn cảnh báo tình trạng tự ý dùng thuốc tra mắt ở trẻ.
Tiến sĩ, bác sĩ Vũ Anh Tuấn – Giảng viên trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, hiên nay không chỉ bệnh về nhãn khoa mà tất cả các mặt bệnh khác, nhiều người khi thấy triệu chứng là tự ý đi mua thuốc điều trị. Đây là việc làm vô cùng nguy hiểm, với thực tế qua quá trình thăm khám bác sĩ đã gặp rất nhiều trường hợp đáng tiếc, không thể cứu vãn được đôi mắt.
Điển hình như trường hợp T.V.N. (16 tuổi, ở Hà Nội) một mắt bị mất thị lực hoàn toàn (mù), một mắt thị lực chỉ còn 1/10 do tự ý dùng thuốc tra mắt. Theo chia sẻ của gia đình, trước khi bị mất thị lực N. có triệu chứng đỏ và ngứa cả 2 mắt. Thấy vậy, mẹ của N. ra hiệu thuốc và mua cho con một loại thuốc tra.
Ban đầu mới tra thuốc, N. thấy dễ chịu và đỡ hẵn. Tuy nhiên, khi dừng thuốc tình trạng ngứa mắt, khó chịu lại tăng lên nên mua thuốc tra mắt liên tục trong một thời gian dài. Khoảng 6 tháng liên tục dùng thuốc tra mắt, N. thấy mắt ngày càng mờ đi và được mẹ cho vào viện thăm khám.
Rất nhiều trẻ mắc các bệnh về mắt vì sai lầm của phụ huynh.
Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn cho biết, qua thăm khám, tình trạng nhãn áp của thiếu niên này rất cao, chỉ nhìn được ở khoảng cách 30cm. Khám chuyên sâu thì dây thần kinh mắt đã bị teo đến 90%, những sợi thần kinh còn hoạt động rất ít. “Dù đã nỗ lực điều trị nhưng một mắt của bệnh nhân này mất hoàn toàn thị lực, mắt còn lại thị lực chưa đến 1/10. Đây là trường hợp khiến chúng tôi vô cùng đau lòng vì tuổi đời của bệnh nhân còn rất trẻ”, tiến sĩ Anh Tuấn nói.
Một trường hợp khác là bé trai 7 tuổi ở Hà Tĩnh, cũng gần như bị mù vì tự ý nhỏ thuốc điều trị bệnh về mắt. Theo đó, ban đầu bé trai này bị viêm kết mạc dị ứng. Gia đình cho đi khám và được bác sĩ kê thuốc nhỏ mắt. Sau đó, cứ thấy mắt đau, gia đình lại theo đơn cũ mua thuốc tra mắt cho con mà không biết thuốc này chứa corticoid, chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ.
Khi thị lực giảm nhiều, gia đình đưa đến Bệnh viện Mắt Trung ương với biểu hiện bệnh Glocom rất nặng, chỉ còn nhìn được bóng bàn tay mình. Dù đã được điều trị tích cực, thay thủy tinh thể 2 mắt nhưng thị lực của cậu bé này chỉ ở mức 1/10.
Bác sĩ Anh Tuấn cho biết, trong thời đại kỹ thuật số trẻ mắc bệnh về mắt ngày càng gia tăng.
Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn cho rằng, trong thời đại công nghệ số hiện nay việc sử dụng các thiết bị thông minh là yếu tố nguy cơ rất lớn đối với mắt. Việc sử dụng quá nhiều gầy nên những tác hại như khô mắt, mỏi mắt, cận thị… Khi gặp những vấn đề này phụ huynh lại coi nhẹ, nghĩ là bình thường nên tự ý mua thuốc tra mắt cho trẻ. Từ đó dẫn đến những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, với trẻ đang trong độ tuổi học sinh, thời lượng xem tivi không nên quá 1 giờ/ ngày. Đối với trẻ phải học sử dụng thiết bị thông minh thì nên cho mắt nghỉ sau 45 phút hoạt động và không nên nhìn màn hình quá 3 tiếng/ngày.
Để phòng các bệnh về mắt, tiến sĩ Tuấn khuyến cáo phụ huynh nên hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị màn hình (tivi, điện thoại, ipad, máy tính…). Ngoài ra cần bổ sung nhiều yếu tố vi lượng như vitamin nhóm A, vitamin nhóm C, vitamin nhóm D để phục vụ quá trình sinh hóa trong mắt…