Mẹ mua thuốc tự chữa thủy đậu khiến con tử vong: Phải điều trị sao cho đúng?

Ngày 15/05/2018 19:00 PM (GMT+7)

Việc tự ý điều trị thủy đậu dù theo bất kể phương pháp nào, nếu không có sự tư vấn, hướng dẫn của các bác sĩ cũng vô cùng nguy hiểm.

Biến chứng tử vong khi mắc thủy đậu

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một ca bệnh bị biến chứng do thủy đậu vô cùng nguy hiểm. Dù đã tận tình cứu chữa, nhưng do bệnh đã tiến triển quá nặng, không đáp ứng điều trị nên gia đình xin đưa bệnh nhân về và đã qua đời tại nhà.

Mẹ bệnh nhân chia sẻ, trước đó khi thấy con trai (28 tuổi) sốt cao, mệt mỏi, ngoài da có nốt phỏng nước nên đã tự đi mua thuốc về điều trị, trong các loại thuốc mua về có thuốc Medrol (là một loại corticoid).

Sau khi uống thuốc 2 ngày, nam bệnh nhân không khỏi mà các vết phỏng nước lan rộng khắp cơ thể, do đó gia đình đã đưa đến bệnh viện địa phương (ở Sơn La) để điều trị. Tại đây, bệnh nhân được xác định mắc thủy đậu và có biến chứng. Sau 1 ngày điều trị không thuyên giảm, bệnh nhân được chuyển xuống BV Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, nam bệnh nhân được xác định đã ở trong tình trạng nặng, đáp ứng điều trị kém. Sau 3 ngày tích cực chữa trị, bệnh nhân không thuyên giảm, xuất hiện tình trạng xuất huyết dưới da, rối loạn đông máu toàn bộ, suy đa phủ tạng, tiên lượng rất xấu… sau đó gia đình đã xin về.

BS Nguyễn Trung Cấp (khoa Cấp cứu – BV Nhiệt đới Trung ương) cho biết, việc tự ý điều trị thủy đậu vô cùng nguy hiểm. Cũng tại bệnh viện này, từ đầu năm 2018 đến nay đã có 1 trường hợp khác tử vong liên quan đến việc sử dụng corticoid khi mắc thủy đậu.

Mẹ mua thuốc tự chữa thủy đậu khiến con tử vong: Phải điều trị sao cho đúng? - 1

Cháu bé bị nhiễm trùng toàn thân vì dùng nước lá tắm khi mắc thủy đậu.

Ngoài việc tự ý mua thuốc sử dụng khi mắc thủy đậu, trước đó tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận một bệnh nhi bị nhiễm độc da toàn thân do mẹ dùng nước lá tắm cho con khi mắc thủy đậu.

Bệnh lành tính nhưng không được chủ quan

BS Đỗ Thiện Hải – Phó trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi Trung ương) cho biết, thủy đậu là một bệnh do virus Varicella – Zoster gây ra. Bệnh có thể lây truyền từ người sang người chủ yếu qua dịch tiết đường hô hấp khi người bệnh nói, hắt hơi (nhảy mũi) hoặc ho,... các virus sẽ theo nước bọt, nước mũi bắn ra ngoài hoặc dịch các nốt phỏng nước trên da vỡ ra.

Bệnh có thể gây thành dịch, thường xảy ra vào mùa đông xuân và có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, ở những nơi đông đúc như nhà trẻ, trường học….

Việc không điều trị kịp thời, hoặc tự ý điều trị thủy đậu sẽ dễ để lại biến chứng nguy hiểm. Theo BS Hải, một số biến chứng thường gặp khi mắc thủy đậu đó là: nhiễm trùng da, nặng hơn có thể gây nhiễm trùng huyết, viêm não, viêm phổi… Đặc biệt, phụ nữ mang thai mắc bệnh thì có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho như đầu nhỏ, chân tay khoèo, bại não, …

Mẹ mua thuốc tự chữa thủy đậu khiến con tử vong: Phải điều trị sao cho đúng? - 2

Bệnh thủy đậu nếu không chữa trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng. (Ảnh minh họa)

Về phương pháp điều trị căn bệnh này, BS Hải cho rằng khi mắc thủy đậu chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc tại chỗ. Theo đó, khi mắc bệnh cần cho người bệnh uống nhiều nước và vitamin nhóm B, C.

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tắm nước sạch, không dùng xà phòng, tránh chà sát da làm vỡ mụn nước. Bôi các vùng da tổn thương bằng dung dịch sát khuẩn nhẹ (như betadin, xanh methylene…) hoặc mỡ acyclovir.

Khi sốt cao, dùng thuốc hạ sốt paracetamon, acetaminophen, không dùng aspirin. Chăm sóc trẻ với chế độ dinh dưỡng tốt: thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả. Đặc biệt, khi dùng thuốc phải có sự chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.

Nếu có các triệu chứng: sốt cao liên tục không hạ được nhiệt độ, lơ mơ, mệt mỏi, co giật, hôn mê… cần đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Để phòng bệnh thủy đậu, BS Hải khuyến cáo nên đưa trẻ đi tiêm phòng vắc xin đầy đủ. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Bởi, vắc xin đã được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ cao (trên 95 – 97%) và kéo dài suốt đời.

– Tiêm mũi 1 cho mọi đối tượng từ 12 tháng tuổi trở lên.

– Tiêm mũi 2 nhắc lại cách mũi 1 sau 6 tuần trở đi.

Khi được chẩn đoán mắc bệnh thủy đậu, cần phải:

– Cách ly tương đối là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh.

– Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, bát, cốc….

– Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý có nồng độ 0,9%.

– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.

– Vệ sinh nơi ở của người bệnh: lau sàn nhà, bàn ghế, đồ chơi của trẻ hàng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Đối với những đồ vật nhỏ có thể đem phơi nắng. Lớp học có trẻ mắc bệnh cần lau rửa đồ chơi, cửa, sàn nhà hàng ngày bằng các dung dịch sát trùng nhẹ.

7 thắc mắc phổ biến nhất về bệnh thủy đậu mà ai cũng muốn biết nhưng ngại hỏi bác sĩ
Thủy đậu không chỉ mang đến cảm giác khó chịu cho cơ thể, mà nó còn tiềm ẩn những biến chứng khôn lường ai cũng cần biết để phòng tránh.
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thủy đậu ở trẻ em