7 thắc mắc phổ biến nhất về bệnh thủy đậu mà ai cũng muốn biết nhưng ngại hỏi bác sĩ

Ngày 10/05/2018 15:24 PM (GMT+7)

Thủy đậu không chỉ mang đến cảm giác khó chịu cho cơ thể, mà nó còn tiềm ẩn những biến chứng khôn lường ai cũng cần biết để phòng tránh.

BỆNH THỦY ĐẬU LÀ GÌ?

Thuỷ đậu có tên tiếng anh là varicella, có đặc điểm nhận biết khá nổi bật là các nốt mụn đỏ và ngứa xuất hiện trên khắp cơ thể, được gây ra bởi vi rút. Căn bệnh này thường xuất hiện ở trẻ em, và phổ biến đến mức được coi là căn bệnh ai cũng mắc phải thời ấu thơ.

Rất hiếm trường hợp mắc lại bệnh thuỷ đậu. Nhất là sau khi vắc xin phòng chống thuỷ đậu được công bố vào giữa những năm 1990, tình trạng mắc lại bệnh thuỷ đậu gần như không còn.

7 thắc mắc phổ biến nhất về bệnh thủy đậu mà ai cũng muốn biết nhưng ngại hỏi bác sĩ - 1

TRIỆU CHỨNG CỦA BỆNH THỦY ĐẬU RA SAO?

Phát ban, ngứa là triệu chứng phổ biến nhất của bệnh thủy đậu. Vi rút sẽ ủ bệnh ở trong cơ thể bạn khoảng 7 đến 21 ngày trước khi phát ban và xuất hiện các triệu chứng khác. Bạn có thể lây nhiễm cho những người xung quanh trong 48 giờ trước khi tình trạng phát ban trên da bắt đầu xảy ra.

Các triệu chứng khác của thuỷ đậu có thể kéo dài vài ngày, bao gồm:

- Sốt;

- Đau đầu;

- Ăn mất ngon.

Một hoặc hai ngày sau khi bạn gặp những triệu chứng này, tình trạng phát ban sẽ bắt đầu phát triển. Phát ban sẽ trải qua ba giai đoạn trước khi bạn hồi phục, bao gồm:

- Mọc các nốt mụn đỏ hoặc hồng trên khắp cơ thể;

- Các vết sưng trở thành mụn nước chứa đầy chất lỏng;

- Các vết mụn nước bắt đầu đóng vảy và lành lại.

Các vết mụn sẽ không xuất hiện cùng một lúc, mà chúng có thể xuất hiện theo từng đợt. Có thể những vết mụn mới sẽ “hiện hình” sau khi lớp mụn cũ se lại. Đặc biệt, phát ban sẽ đem lại cảm giác ngứa ngáy rất khó chịu, đặc biệt là trước khi những vết mụn đóng vảy.

Bạn vẫn có thể truyền nhiễm căn bệnh này kể cả khi những vết mụn nước trên cơ thể bạn đã đóng vảy. Bạn chỉ khỏi hoàn toàn khi các vết mụn nước cuối cùng se lại, đóng vảy và rơi ra. Quá trình này phải mất từ 7 đến 14 ngày.

NGUYÊN NHÂN GÂY BỆNH THỦY ĐẬU LÀ GÌ?

Vi rút Varicella-zoster (VZV) có khả năng gây nhiễm trùng, là nguyên nhân chính của bệnh thủy đậu. Vi rút này rất dễ lây cho những người xung quanh bạn, nhất là trong một đến hai ngày trước khi mụn nước xuất hiện. Vi rút này có thể lây lan qua:

- Nước bọt;

- Ho;

- Hắt xì;

- Tiếp xúc với chất lỏng từ mụn nước.

7 thắc mắc phổ biến nhất về bệnh thủy đậu mà ai cũng muốn biết nhưng ngại hỏi bác sĩ - 2

BỆNH THỦY ĐẬU CÓ TÁI PHÁT KHÔNG?

Bất cứ ai chưa từng nhiễm căn bệnh này đều có thể bị nhiễm virus. Tuy nhiên ngay cả khi bạn đã từng mắc thì vẫn có thể tái phát lại. Nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng theo các điều kiện sau đây:

- Bạn đã có tiếp xúc gần đây với người bị nhiễm bệnh;

- Trẻ dưới 12 tuổi;

- Bạn là một người lớn sống chung với trẻ em mắc bệnh thủy đậu;

- Bạn làm việc ở một trường học hoặc cơ sở chăm sóc trẻ em;

- Hệ miễn dịch của bạn bị tổn hại do bệnh tật hoặc thuốc men.

BỆNH THỦY ĐẬU CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?

Bệnh thủy đậu nếu chăm sóc cẩn thận, chú ý kiêng kị đầy đủ sẽ không gây ra nguy hiểm. Tuy nhiên nếu gặp các dấu hiệu dưới đây thì bạn nên gọi ngay cho bác sĩ.

- Phát ban lan đến mắt bạn;

- Vết phát ban rất đỏ, mềm và ấm (dấu hiệu nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn);

- Phát ban kèm theo chóng mặt hoặc khó thở;

Khi biến chứng xảy ra, chúng thường ảnh hưởng nhất tới các đối tượng sau:

- Trẻ sơ sinh;

- Người cao tuổi;

- Những người có hệ miễn dịch yếu;

- Phụ nữ mang thai.

Những nhóm người này cũng có thể mắc bệnh viêm phổi do vi rút VZV hoặc nhiễm khuẩn ở da, khớp hoặc xương.

Phụ nữ nếu mắc bệnh thủy đậu trong khi mang thai có thể sinh con bị khuyết tật, bao gồm:

- Tăng trưởng kém;

- Đầu có kích thước nhỏ;

- Những vấn đề về mắt;

- Thiểu năng trí tuệ.

CHỮA BỆNH THỦY ĐẬU NHƯ THẾ NÀO?

Hầu hết những người được chẩn đoán mắc bệnh thuỷ đậu đều được khuyên nên cách ly với người khác trong khi chờ khỏi bệnh hoàn toàn. Trẻ em nên được nghỉ học và giữ ở trong nhà, người lớn cũng tránh ra ngoài.

Bác sĩ có thể kê một số loại thuốc chữa thủy đậu như thuốc kháng histamine hoặc thuốc mỡ bôi tại chỗ, hoặc bạn có thể tự mua các loại thuốc này ở quầy thuốc để giúp giảm ngứa. Bạn cũng có thể làm dịu ngứa da bằng cách:

- Tắm nước ấm nhưng không được chà xát quá mạnh làm mụn nước bị vỡ;

- Sử dụng kem dưỡng da không mùi;

- Mặc quần áo nhẹ, mềm;

- Kiêng một số thực phẩm người bị thủy đậu không nên ăn như đồ ăn nhiều gia vị cay nóng, thịt gà, ngan, đồ hải sản.

7 thắc mắc phổ biến nhất về bệnh thủy đậu mà ai cũng muốn biết nhưng ngại hỏi bác sĩ - 3

Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng vi rút nếu bạn gặp các biến chứng hoặc có nguy cơ chịu các tác dụng phụ. Những người có nguy cơ này thường là trẻ em, người lớn tuổi hoặc những người có vấn đề y tế tiềm ẩn. Các thuốc kháng vi rút này không chữa khỏi bệnh thủy đậu, chúng chỉ làm cho các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn bằng cách làm chậm hoạt động của vi rút. Điều này sẽ cho phép hệ thống miễn dịch của cơ thể hồi phục nhanh hơn.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ PHÒNG BỆNH THỦY ĐẬU?

Thuốc tiêm chủng phòng ngừa bệnh thủy đậu có tỉ lệ thành công cao, khoảng 98% những người tiêm vắc xin đủ 2 liều sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh. Con bạn nên được tiêm chủng khi trẻ từ 12 đến 15 tháng tuổi. Trẻ em nên được tiêm tăng cường khi ở trong độ tuổi từ 4 đến 6 tuổi.

Trẻ lớn hơn và người lớn chưa được tiêm chủng ngừa hoặc mới tiếp xúc với người bệnh có thể nhận được liều vắc xin khẩn cấp. Vì bệnh thủy đậu có xu hướng nặng hơn ở người lớn tuổi, vậy nên những người chưa được chủng ngừa phải đặc biệt lưu ý và tốt nhất nên tiêm vắc xin ngay khi có thể

Những người không thể tiêm chủng ngừa có thể cố gắng tránh vi rút bằng cách hạn chế tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Nhưng điều này có thể sẽ khó khăn, do chúng ta không thể xác định được người kia có bị thuỷ đậu không, trừ khi người đó nổi mụn nước.

Trị thủy đậu không để lại sẹo chỉ bằng các nguyên liệu tự nhiên cực dễ kiếm
Kể từ khi vắc xin phòng ngừa ra đời, tỉ lệ mắc thủy đậu đã rất thấp. Tuy nhiên hầu như ai trong chúng ta cũng phải từng bị thủy đậu ở một thời điểm...
Hoàng Lan ( Dịch từ Healthlines )
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Bệnh thủy đậu