Sau khi có biểu hiện mệt mỏi, sụt cân, hay đau vặt, cô gái trẻ ở TP.HCM tưởng ốm xoàng nên không đi khám. Chỉ đến khi cân nặng sụt liên tục trong 6 tháng mới đi khám thì phát hiện căn bệnh cả đời không thể chữa khỏi hoàn toàn.
6 tháng qua, T.Q.T.D (24 tuổi, ở TP. HCM) xuất hiện biểu hiện mệt mỏi, run tay, hồi hộp, trống ngực nhưng không đi khám vì nghĩ bị ốm xoàng, cảm cúm bình thường. Chỉ đến khi cân nặng sụt nhiều với 9kg trong vòng 6 tháng, kèm theo đó cổ xuất hiện khối to, lúc này D mới đi khám.
Tại đây, qua thăm khám lâm sàng bác sĩ chưa phát hiện ra bất thường, sau đó tiếp tục chỉ định siêu âm tuyến giáp cho người bệnh. Kết quả cho thấy, tuyến giáp tăng sinh lan tỏa và có dấu hiệu viêm tuyến giáp. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân có các chỉ số đánh giá chức năng tuyến giáp tăng cao vượt ngưỡng cho phép, đây là dấu hiệu điển hình của bệnh tuyến giáp tự miễn.
Dựa vào kết quả thăm khám cùng các dấu hiệu điển hình của hội chứng nhiễm độc giáp (sụt cân, bồn chồn, run tay, nhịp tim nhanh) và hội chứng thay đổi hình thái tuyến giáp trên siêu âm, bác sĩ kết luận bệnh nhân mắc Basedow.
Khi có biểu hiện sụt cân nhiều đi khám, cô gái trẻ phát hiện mắc bệnh tự miễn cả đời không chữa khỏi. Ảnh minh họa.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương, Chuyên khoa Xét nghiệm tại một phòng khám ở quận Gò Vấp, nơi bệnh nhân đến khám cho biết, Basedow là một bệnh lý tự miễn điển hình của tuyến giáp. Bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn mà cần theo dõi, điều trị theo giai đoạn, theo tiến triển riêng biệt của từng cá thể người bệnh.
Bệnh nhân D sau đó được tư vấn điều trị ngoại trú và cần phối hợp theo dõi sát sao theo từng giai đoạn, phòng tránh biến chứng nguy hiểm của bệnh có thể xảy ra. Theo đó, nếu không được theo dõi sát sao, điều trị phù hợp, bệnh có thể tiến triển nặng gây ra biến chứng gồm:
- Đột quỵ;
- Suy tim/ các vấn đề về tim;
- Mỏng xương, dẫn đến loãng xương;
- Cơn bão giáp (triệu chứng tăng đột ngột đe dọa nghiêm trọng tính mạng).
Ngoài ra, Basedow là nguyên nhân phổ biến gây cường giáp với biểu hiện đặc trưng gồm bướu giáp lan tỏa, lồi mắt, phù niêm trước xương chày.
Khi mắc bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa.
Theo các thống kê y khoa, nữ giới bị bệnh nhiều gấp 5 - 10 lần nam giới. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất trong độ tuổi 20 - 40. Biểu hiện của bệnh được chỉ ra gồm hồi hộp, đánh trống ngực, có thể có cảm giác nghẹt thở, đau vùng trước tim, rối loạn tiêu hóa, gầy sụt cân nhanh chóng, lồi mắt, sờ thấy có một khối u ở giữa cổ, có ranh giới rõ ràng, không đau, di động theo nhịp nuốt...
Theo bác sĩ Phương, Basedow là bệnh tự miễn, trong đó cơ chế của bệnh chưa thật sự rõ ràng. Tuy nhiên, bệnh có tính chất gia đình với khoảng 15% người bệnh có họ hàng cùng bị bệnh, trong đó 50% họ hàng các bệnh nhân có kháng thể kháng tuyến giáp lưu hành.
Bác sĩ Phương cho biết, hiện nay hầu hết các bệnh có liên quan đến tuyến giáp đều có thể điều trị để đưa chức năng của tuyến giáp trở về trạng thái bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân cần thường xuyên sử dụng thuốc để kiểm soát bệnh.
Trong một số trường hợp nhất định, thuốc kháng giáp có thể làm biến mất các kháng thể kích thích tuyến giáp, từ đó giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh Basedow và bệnh nhân có thể ngừng sử dụng thuốc sau đó. Tuy nhiên, những kháng thể này có thể quay trở lại khi có yếu tố thuận lợi như nhiễm khuẩn, nhiễm virus, mang thai…
“Như vậy, về bản chất bệnh Basedow không thể chữa khỏi hoàn toàn. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh Basedow, tất cả bệnh nhân cần được theo dõi y tế suốt đời để đảm bảo rằng tuyến giáp của họ vẫn hoạt động trong phạm vi tốt nhất”, bác sĩ Phương khuyến cáo.