Mộc nhĩ là một gia vị quen thuộc trong mỗi gian bếp Việt. Không chỉ giúp những món ăn thêm phần hấp dẫn, mộc nhĩ còn là một bài thuốc bổ, chữa được nhiều căn bệnh, được Đông y tin dùng từ xưa đến nay.
Mộc nhĩ, hay còn gọi là nấm mèo, nấm tai mèo, tên khoa học là Auricularia auricula. Mộc nhĩ thường mọc trên những thân cây gỗ mục, ẩm ướt, lại có hình dạng giống tai người nên được gọi là mộc nhĩ (tai của gỗ).
Theo ghi chép của sách Đông y, mộc nhĩ có vị ngọt, tính bình, dễ dàng đi vào các kinh tỳ vị, đại tràng, gan, thận. Tác dụng chính của mộc nhĩ là làm mát máu, làm ngưng chảy máu ngoài da. Hay những tác dụng khác có thể kể đến như nhuận tràng, lợi trường vị, bổ khí, bền cơ, hoạt huyết. Ngoài ra, mộc nhĩ còn hỗ trợ đắc lực cho việc điều trị các bệnh trường phong hạ huyết, lỵ ra máu, đái dắt,…
Ngăn chặn tình trạng xơ vữa động mạch
Trong mộc nhĩ chứa nhiều thành phần như lecithin, cephalin, cephalin hay plasmalogen,… Đây đều là các dưỡng chất có tác dụng giảm hàm lượng cholesteron trong gan, ngăn ngừa sự tích tụ mỡ ở thành động mạch và sự hình thành huyết khối do xơ vữa động mạch.
Chống oxy hóa
Mộc nhĩ có khả năng chống oxy hóa rất cao bởi nồng độ phenol cân bằng trong nó. Với công dụng này, chị em nên tận dụng để nuôi dưỡng làn da khỏe đẹp từ sâu bên trong.
Ngăn ngừa hiện tượng đông máu
Chất Polysaccharide có trong mộc nhĩ có khả năng ức chế sự kết dính tiểu cầu và tăng thời gian máu không đông trong ống nghiệm và cơ thể sống.
Giảm lượng cholesteron trong máu
Bên cạnh công dụng ngăn ngừa đông máu, chất Polysaccharide cũng được chứng minh là có khả năng làm giảm mức độ cholesteron trong máu, mức độ triglyceride và LDL; tăng cường mức độ HDL trong máu, cũng như tỉ lệ HDL/TC và HDL/LDL.
Người cao tuổi nên bổ sung mộc nhĩ vào bữa cơm hằng ngày để giảm cholesterone trong máu, kiểm soát cân nặng, ngăn chặn bệnh tắc hoặc vỡ mạch máu, ức chế tai biến, nhồi máu cơ tim. Hơn nữa, mộc nhĩ còn giúp lưu thông máu lên mãu, giúp duy trì trí nhớ tốt.
Các chị em cũng nên sử dụng mộc nhĩ nhiều hơn để kiểm soát cân nặng và làn da mịn màng, tươi sáng.
Bình thường mộc nhĩ là một món gia vị cho miến, các món xào… Nhưng nếu muốn bổ sung mộc nhĩ một cách đầy đủ nhất, chị em có thể tham khảo một vài công thức dành riêng cho mộc nhĩ để mâm cơm thêm màu sắc và đặc biệt là bổ sung dinh dưỡng cho cả gia đình.
Món ăn từ mộc nhĩ
1. Nộm mộc nhĩ
Món ăn này có tác dụng hỗ trợ điều trị di chứng tai biến mạch máu não, ngăn chặn tình trạng máu đông nhiều.
Cách thực hiện: Dưa chuột (150g) rửa sạch, thái lát; mộc nhĩ (100g); nấm tuyết (100g) ngâm nở, rửa sạch, xé nhỏ, chần qua nước sôi, vớt ra rồi chần qua nước lạnh, để ráo nước. Sau đó trộn tất cả với dầu thực vật như ô liu, dầu dừa, cho vào lò vi sóng làm nóng 10 giây. Đem ra nêm gia vị vừa ăn với dưa chuột.
2. Súp mộc nhĩ
Trời lạnh ăn món súp mộc nhĩ giúp cân bằng huyết áp, hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành.
Cách thực hiện: Mộc nhĩ (10g), ngân nhĩ (10g) ninh nhừ, thêm đường phèn vừa đủ, ăn nóng.
Bên cạnh những công dụng tuyệt vời, chị em cũng nên lưu ý đến cách sử dụng mộc nhĩ và đối tượng sử dụng sao cho phù hợp. Trong mộc nhĩ tươi có chất Porphyrin là một chất nhạy cảm với ánh sáng, nếu ăn và gặp phải ánh sáng mặt trời sẽ khiến ta bị viêm da, ngứa da, phù thũng, đau nhức, thậm chí là phù nề thanh quản.
Vậy nên, chỉ nên ăn mộc nhĩ khô. Nhưng mộc nhĩ khô cũng phải biết cách chế biến cơ bản. Đó là ngâm bằng nước lạnh, để ráo trước khi chế biến. Đặc biệt, không nên sử dụng mộc nhĩ cho phụ nữ mang thai và cho con bú, kể cả những người đang có ý định sinh con bởi trong mộc nhĩ có những chất chống khả năng sinh sản.