Thời tiết mùa hè nóng ẩm là thời điểm thích hơp cho nhiều loài côn trùng phát triển. Gần đây, Bệnh viện Giang Tân ở Quảng Tây (Trung Quốc) đã tiếp nhận 2 bệnh nhân bị phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng. Một người đã tử vong vì biến chứng nguy hiểm.
Chiều ngày 23/7, cô Lý trong lúc đang chăm sóc vườn rau và cây cảnh trên ban công đột nhiên thấy có một con kiến bò lên chân. Khi ấy vì đang dở tay nên cô đã lắc mạnh chân nhằm xua con kiến đi nhưng bị nó cắn lại.
Sau đó, cô Lý quay trở lại nhà tắm và rửa chân tay sạch sẽ. Tuy nhiên chỉ lát sau, cô đột nhiên thấy ngứa ngáy, chân tay bỗng nhiên tê cứng khó cử động. Ngay lập tức, cô tìm thuốc mỡ bôi chống muỗi nhằm giảm bớt cơn ngứa nhưng vẫn không có tác dụng.
Vài phút sau, cô lý có triệu chứng bị sốc phải vào Bệnh viện Giang Tân ở Quảng Tây (Trung Quốc) khẩn cấp. Khi nhập viện, trên cơ thể cô nổi mẩn đỏ và sưng rất nhiều, huyết áp cũng sụt giảm. Bác sĩ chẩn đoán cơ thể cô đã bị sốc phản vệ. Sau khi điều trị, bệnh tình của cô Lý cũng đã thuyên giảm dần.
Tại sao bị kiến cắn lại phải nhập viện
Theo bác sĩ, trường hợp bị kiến cắn không ít nhưng không phải ai cũng gặp tình trạng nghiêm trọng. Trong nọc độc của kiến có một phần hoặc là hỗn hợp của các độc tổ kích thích. Chất cấu tạo chính là axit formic trong trường hợp chúng thuộc họ Formicinae.
Tùy vào tình trạng thể chất của mỗi người và mức độ miễn dịch của cơ thể mà sẽ có phản ứng với nọc độc của kiến. Hầu hết các triệu chứng xảy ra khá nhẹ, có thể hơi đau hoặc đau dữ dội nhưng dịu bớt sau vài giờ. Ngoài ra còn có thể bị phồng rộp, đỏ tấy xung quanh vết cắn.
Tuy nhiên cũng có một số trường hợp dị ứng nọc độc của kiến ở mức độ nghiêm trọng với các dấu hiệu như thở khò khè, phát ban, buồn nôn, ói mửa, hoa mắt, sưng và ngứa ngáy toàn thân khó chịu, tụt huyết áp, hôn mê. Nguy hiểm hơn có thể dẫn tới tử vong.
Cách xử lý khi bị côn trùng đốt hoặc cắn
Tùy theo từng loại côn trùng, liều lượng độc và cơ địa của mỗi người mà sẽ biểu hiện mức độc tổn thương khác nhau. Khi bị côn trùng có nọc độc cắn, đốt ngoài, tại vị trí tổn thương nếu thấy ngòi côn trùng còn cắm vào da thì phải tìm cách lấy ra, và tránh làm vỡ túi chứa nọc. Điều này nên được tiến hành ngay sau khi bị đốt, tuyệt đối không dùng tay không.
Đối với trường hợp chị bị sưng đỏ tại chỗ thường không đòi hỏi điều trị, vùng sưng nề sẽ tự biến mất sau vài giờ. Trong trường hợp có phản ứng lan tỏa tại chỗ, nên chườm lạnh vùng bị côn trùng đốt.
Có thể sử dụng thuốc kháng histamine (loratadin, cetirizin...) và corticosteroid (prednisolon, methylprednisolon...) đường uống hoặc tiêm truyền, nên được dùng sớm ngay khi có thể để giảm nhanh triệu chứng, việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết.
Những trường hợp bị kiến lửa đốt, sau 1 ngày vết đốt thường tạo thành một mụn mủ nhỏ do hoại tử tổ chức, cần lưu ý không làm vỡ mụn mủ này để tránh nhiễm trùng. Những phản ứng dị ứng mang tính toàn thể bắt buộc phải đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Những biểu hiện nhẹ nhất như nổi mề đay, ban đỏ cũng cần được xử trí sớm bằng adrenalin để ngăn ngừa những diễn biến xấu sau đó.
Riêng đối với ong đốt cần tháo nhẫn, vòng đeo tay ở tay bị đốt (để tránh chèn ép mạch khi có phù nề). Cho người bệnh nằm nghỉ nơi mát, uống nhiều nước. Nếu trên 10 vết đốt hoặc vết đốt ở vùng đầu (không bóp nặn vết đốt), hoặc có biểu hiện đỏ da, mề đay, ngứa lan rộng toàn thân, theo dõi phát hiện các dấu hiệu dị ứng, nhiễm độc hoặc bị đốt ít nhưng nạn nhân đau nhức, buồn nôn/nôn mửa, hốt hoảng, bồn chồn, kích thích vật vã, tức ngực, khó thở... cần chuyển ngay đến bệnh viện gần nhất.