Thịt lợn là thực phẩm quen thuộc của người Việt, tuy nhiên bên cạnh những phần thịt giàu dinh dưỡng thì có những bộ phận cần tránh vì có thể gây hại sức khỏe.
4 bộ phận ngon và bổ dưỡng của con lợn
Đuôi lợn
Đuôi lợn là một trong những phần bổ dưỡng nhất. Cũng vì một con lợn chỉ có một chiếc đuôi nên nhiều người đi chợ muộn sẽ không kịp mua chúng.
Báo Phụ nữ Việt Nam dẫn lời Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, theo y học cổ truyền, đuôi lợn có tác dụng bổ khí, dưỡng huyết, hỗ trợ chứng thận hư, liệt dương, xuất tinh sớm.
Từ nguyên liệu là đuôi lợn, chúng ta có thể làm nên nhiều món ăn/bài thuốc có tác dụng chữa đau lưng, mệt mỏi, ù tai. Các món có tác dụng trị bệnh từ đuôi lợn có thể nói đến là canh đuôi lợn với lạc, canh hạt dẻ đuôi lợn, canh đuôi lợn nấu cùng đào và lạc.
Đáng chú ý, theo các nghiên cứu, đuôi lợn có chứa chủ yếu là phần da, chứa nhiều collagen, elastin, keratin, albumin, globulin… đây đều là các chất có tác dụng tăng tính đàn hồi của da, chống lão hóa da, bảo vệ làn da trước sự tấn công của môi trường.
Thịt đùi trước của lợn
Thịt đùi trước của lợn là phần ngon nhất mọi người nên mua. Thịt đùi chân trước rất mềm, có hương vị thơm ngon, dù chế biến theo cách nào thì chất lượng thịt cũng không hề giảm đi. Điều này do tần suất chuyển động của hai chân trước của lợn tương đối lớn, vì vậy thịt sẽ không tích nhiều mỡ.
Ăn thịt đùi trước giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể, tăng cường canxi, cung cấp collagen cho xương, da, tóc và móng, đồng thời cải thiện hệ miễn dịch.
Thịt má đào
Thịt má đào nhiều người khi nghe qua thì thấy khá lạ vì chỉ quen nghe thịt má heo thôi. Thực tế, thịt má của con heo sẽ có hai phần, bên ngoài là thịt má ngoài còn bên trong là thịt má đào. Má ngoài cũng ngon nhưng hơi nhiều mỡ và đặc biệt là không ngon được bằng má đào.
Đặc điểm "vàng" của thịt má đào chính là nhiều gân, gân xen kẽ với thịt nhưng gân rất mềm, không hề cứng hay dai. Đây là kiểu thịt "lý tưởng" đối với những ai vừa không thích ăn thịt khô xơ xác lại không muốn quá béo ngậy gây ngán.
Thịt thăn
Thịt thăn là phần thịt nạc heo gần như không có mỡ, các thớ thịt dài và có độ kết dính cao.
Ngoài độ ngon, thịt thăn heo còn mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng. Trong thăn lợn có chứa nhiều protein, chất béo bão hòa, vitamin B, sắt… có tác dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể, tham gia vào quá trình chuyển hóa và hình thành hồng cầu, tăng hệ miễn dịch. Tuy nhiên, trong thăn heo cũng chứa hàm lượng cholesterol khá cao (22%) nên các bạn cũng cần phải lưu ý khi sử dụng.
4 bộ phận của lợn không nên ăn
Thịt cổ lợn
Hàm lượng chất béo trong cổ heo rất lớn, ăn quá nhiều không chỉ khiến tăng cân đột ngột mà còn gây ra nhiều vấn đề về tim và mạch máu não. Ngoài ra, cổ heo cũng có các hạch bạch huyết, một hệ thống của cơ thể có chức năng lọc và "bẫy giữ" các vi sinh vật lạ, tế bào viêm, độc chất, ăn thường xuyên có thể gây ra nhiều chứng bệnh.
Thịt cổ heo có hệ thống hạch phức tạp, khó loại bỏ hết hoàn toàn khi chế biến, cơ thể người sẽ tiếp nạp một lượng lớn vi khuẩn và chất độc khi ăn, có thể dẫn đến ngộ độc hoặc nguy cơ mắc phải các bệnh truyền nhiễm.
Thận (cật)
Quan điểm cũ cho rằng “ăn gì bổ nấy” nên nhiều nam giới đặc biệt thích ăn cật lợn với mong muốn tăng cường chức năng thận, tốt cho sinh lý nam. Tuy nhiên, nghiên cứu phát hiện thận của gia súc, cừu và lợn, có chứa một lượng kim loại nặng cadmium. Cadmium đi vào dạ dày sẽ khó đào thải ra ngoài cơ thể. Nam giới ăn quá nhiều cật sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Gan lợn
Gan lợn luôn được biết đến là bộ phận chứa nhiều dinh dưỡng: đạm, vitamin A, B, D, nicotilic và axid folid. Đặc biệt vitamin A trong gan lợn cao gấp nhiều lần so với thịt, cá, trứng, sữa.
Bởi vậy, nhiều người thường chế biến gan cho trẻ nhỏ, người già, người ốm mà không biết rằng gan là bộ phận chuyển hóa và đào thải chất độc trong cơ thể lợn nên tại bộ phận này cũng tập trung nhiều chất cặn bã, mầm bệnh, cùng một hàm lượng độc tố nhất định. Trong gan cũng có nhiều ký sinh trùng như sán, virus gây bệnh. Vì thế bạn không nên ăn hoặc hạn chế ăn gan.
Nếu muốn ăn thì khi mua gan bạn nên chú ý lựa chọn gan có màu sắc tươi đặc trưng, không có đốm trắng, đỏ hay màu sắc bất thường. Trước khi chế biến, nên ngâm gan trong sữa tươi 30 phút để giúp tẩy mùi hôi và độc tố trong gan.
Lòng lợn
Ruột lợn còn gọi là lòng lợn bao gồm lòng già, lòng non, chứa nhiều chất béo, protein, cholesterol cũng như giàu vitamin A, vitamin E, canxi, kali, natri, magiê, sắt. Đây là loại nguyên liệu phổ biến để chế biến nhiều món ăn như luộc, xào, nướng, nhúng lẩu. Dù vậy, nếu ăn quá nhiều lòng sẽ dễ dẫn đến các tình trạng bất thường như huyết áp cao, độ nhớt trong máu cao. Đặc biệt đối với những bệnh nhân có mỡ máu không nên ăn lòng già lợn.