Ngày 16/8, tạp chí về tiêu dùng của Mỹ, Consumer Reports đã công bố 15 loại thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh có chứa kim loại nặng như cadmium, chì, thủy ngân và asen của một số thương hiệu.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu 50 loại thực phẩm đóng gói cho trẻ em từ ngũ cốc cho đến đồ ăn nhẹ và thử nghiệm ba mẫu của mỗi loại thưc phẩm.
Họ ước tính lượng thức ăn mà một đứa trẻ thường ăn và sau đó tiến hành xét nghiêm y khoa về mức độ kim loại nặng có trong thực phẩm đó liều lượng bao nhiêu, có ảnh hưởng gì tới sức khỏe.
Các nhà khoa học của Consumer Reports đã rút ra 5 kết luận sau khi tiến hành kiểm tra:
- Ít nhất một trong ba kim loại nặng như cadmium, arsen hoặc chì có thể được phát hiện trong tất cả các loại thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh được chọn ngẫu nhiên.
- Khoảng 2/3 hoặc 68% các loại thực phẩm được thử nghiệm có hàm lượng kim loại nặng rất cao.
- Có 15 loại thực phẩm trong tất cả mẫu xét nghiệm có nguy cơ gây hại sức khỏe nếu một đứa trẻ ăn quá nhiều mỗi ngày.
- Đồ ăn nhẹ và các sản phẩm có gạo hoặc khoai lang có nhiều khả năng chứa hàm lượng kim loại nặng cao hơn các loại thực phẩm khác.
- Thực phẩm hữu cơ có khả năng chứa hàm lượng kim loại nặng cao.
Kim loại nặng gây ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe trẻ em?
Hầu hết các kim loại nặng trong thực phẩm đến từ nước hoặc đất bị ô nhiễm thông qua quá trình canh tác hoặc sản xuất, từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, hoặc ô nhiễm từ xăng pha chì.
Việc tiêu thụ quá nhiều kim loại nặng có thể làm hỏng não và sự phát triển hệ thần kinh của trẻ em, và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Hơn nữa, thiệt hại do kim loại nặng gây ra cho sức khỏe của trẻ em là không thể thay đổi.
Vì vậy, tốt nhất bạn không nên cho trẻ ăn hoặc cố gắng ăn ít nhất có thể. Với trường hợp con trẻ đã ăn, bạn cũng không nên quá lo lắng vì để gây nguy hại tới sức khỏe thì bạn phải thường xuyên ăn những thực phẩm nhiễm kim loại nặng trong thời gian rất dài.
Thực phẩm nên tránh để giảm lượng kim loại nặng
Dù chúng ta không thể tránh được hoàn toàn việc ăn thực phẩm có kim loại nặng nhưng vẫn có thể giảm thiểu bằng cách chú ý tới các điều sau:
1. Giảm việc ăn bột gạo ngũ cốc
Bột gạo ngũ cốc là sự lựa chọn thích hợp khi cho trẻ tập ăn sớm. Tuy nhiên hàm lượng arsenic vô cơ của các sản phẩm gạo ngũ cốc có xu hướng cao hơn các loại ngũ cốc khác.
Do đó ngoài bột gạo ngũ cốc giúp bổ sung chất sắt, bạn có thể cho trẻ ăn các loại ngũ cốc khác như bột lúa mì. Đừng quá lo lắng mà loại bỏ ngũ cốc ra khỏi thực đơn của con bởi đó là nguồn cung cấp sắt quan trọng cho trẻ nhưng hãy chú ý lựa chọn sản phẩm uy tín.
2. Hạn chế ăn đồ ăn nhẹ đóng gói sẵn
Các đồ ăn nhẹ đóng gói sẵn ngoài nỗi lo về việc chúng có thể chứa kim loại nặng quá mức thì nó cũng không phải là thực phẩm tốt cho chế độ ăn uống lành mạnh của trẻ bởi chúng thường được bổ sung thêm đường, dầu ăn, muối khá nhiều. Vì vậy tốt nhất bạn nên hạn chế cho trẻ ăn những đồ ăn nhẹ đóng gói sẵn.
3. Uống ít nước ép sẵn
Theo các cuộc điều tra trước đây của Consumer Reports, nhiều thương hiệu nước ép táo, ép nho có chứa arsenic vô cơ và chì.
Ngoài ra, 100% nước trái cây được quảng cáo nguyên chất cũng chứa nhiều đường và ít chất xơ hơn so với trái cây tươi.
Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ có khuyến cáo trẻ sơ sinh không nên uống nước ép trái cây, 1-3 tuổi uống không quá 120ml, trẻ 4-6 tuổi không vượt quá 120-180ml mỗi ngày.
4. Socola
Bên cạnh đó, bột ca cao có thể chứa cadmium và chì. Socola nguyên chất có hàm lượng kim loại nặng cao hơn socola đen, socola đen lại cao hơn socola sữa.
5. Cá nhiễm thủy ngân
Cá kiếm, cá ngừ vây xanh,… có hàm lượng thủy ngân cao. Bạn không nên cho con ăn những loại cá này.
6. Không ăn bột protein
Trong các xét nghiệm trước đây của Consumer Reports đã phát hiện ra rằng bột protein có thể chứa các kim loại nặng như asen, cadmium và chì. Bột whey protein (làm từ sữa) có hàm lượng kim loại nặng thấp hơn so với bột protein đậu nành.
Ngoài ra, trẻ em hoặc người lớn khỏe mạnh có thể có đủ chất đạm thông qua chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng mà không cần bổ sung bột protein.
Chọn thực phẩm tươi sống ít có kim loại nặng
Các thực phẩm như táo, chuối, bơ, phô mai, trứng luộc, đào, dâu tây, sữa chua,… là những thực phẩm hiếm khi chứa kim loại nặng. Đó là những thực phẩm phù hợp cho bữa năn nhẹ của trẻ.