Với trẻ đang độ tuổi đi học, nếu phát hiện việc viết, đọc hay tính toán của trẻ có vấn đề thì cần đưa đi khám sớm, bởi có thể đây là biểu hiện của rối loạn tâm thần.
Học giỏi toán nhưng kém văn không ngờ lại là dấu hiệu bệnh tâm thần
BSCK II Cao Thị Ánh Tuyết (Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia) cho biết mới đây viện tiếp nhận một nam sinh tên Hoàng Văn Thắng, 14 tuổi, ở một tỉnh giáp danh Hà Nội. Theo thông tin từ gia đình, trẻ có tiền sử khỏe mạnh, quá trình biết lẫy, bò, đi đứng tương xứng theo độ tuổi. Tuy nhiên, quá trình nói của trẻ hơi chậm, khi đến 4 tuổi mới mới được những câu ngắn, khó khăn trong việc mô tả một bức tranh hoặc câu chuyện một cách liền mạch, không thuộc lời bài hát hoặc bài thơ đơn giản…
Khi vào học cấp 1, Thắng tiếp thu được các kiến thức, có thể ghi nhớ kiến thức và áp dụng được các công thức toán học bình thường. Tuy nhiên, bệnh nhân có khó khăn trong việc học môn tiếng Việt như hay viết và chép sai chính tả, khó hiểu về nội dung câu chữ…
Khi trẻ có rối loạn đọc và viết, kèm theo những yếu tố hình thể, tương tác khác từ 6 tháng trở lên thì cần phải đưa đi khám chuyên khoa tâm thần nhi. Ảnh minh họa.
Gia đình nam sinh cho biết từ năm lớp 1 đến lớp 5, Thắng là học sinh giỏi Toán nhưng việc giao tiếp khó khăn, thậm chí phải dùng ngôn ngữ cơ thể để nói chuyện. Khi lên cấp 2, Thắng vẫn học khá môn Toán nhưng môn Văn và các môn khác cần sự khéo léo như thủ công, lắp ráp mô hình, nam sinh lại không tập trung. Quá trình sinh hoạt, bệnh nhân ít giao tiếp với các bạn cùng lớp, các kỹ năng tương tác xã hội kém.
Khi lên lớp 9, Thắng chuyển trường mới và bị các bạn trêu chọc vì cách nói chuyện, sống thu mình nên em có biểu hiện buồn chán, mệt mỏi, kém tập trung. Cao điểm, bệnh nhân dễ nổi nóng, cáu gắt hay cãi lời bố mẹ và có hành vi như như xoa đầu, giật tóc các bạn cùng lớp. Khi đi học, bệnh nhân khó tập trung đọc sách, hay quên, cảm giác căng thẳng khi phải tập trung, học lực giảm sút nhiều. Trước những biểu hiện trên, Thắng được gia đình đưa đi khám tại Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia.
Bác sĩ Tuyết cho biết sau khi thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán rối loạn học tập, rối loạn cảm xúc và hành vi. Sau đó được điều trị nội trú bằng thuốc, kết hợp với can thiệp tâm lý. Sau 10 ngày, các triệu chứng căng thẳng, cáu gắt, buồn chán thuyên giảm và được xuất viện. Tuy nhiên, để không tái phát, các bác sĩ tư vấn nam sinh này cần được điều trị can thiệp tâm lý và hỗ trợ của các nhà giáo dục.
Bác sĩ Hoàng Yến cho biết, tùy từng mức độ rối loạn học tập khác nhau của trẻ, các bác sĩ và nhà giáo dục sẽ có biện pháp trị liệu phù hợp. Ảnh: Lê Phương.
Trẻ rối loạn học tập cần có sự phối hợp trong điều trị
Qua trường hợp trên, BSCK II Nguyễn Hoàng Yến, phòng Tâm thần Nhi và Thanh thiếu niên (Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia) cho biết rối loạn học tập một trong những nguyên nhân quan trọng khiến thành tích học tập kém. Đây là một rối loạn phát triển, thường khởi phát trong giai đoạn giáo dục bình thường, nếu không được phát hiện và can thiệp sớm tình trạng sẽ nặng, ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập và sức khỏe.
Nguyên nhân dẫn tới rối loạn học tập có liên quan đến yếu tố di truyền, cùng với một số vấn đề môi trường khác tác động làm tăng nguy cơ trẻ bị rối loạn học tập.
Rối loạn học tập ở trẻ thường có biểu hiện ở 3 dạng chính, cụ thể:
- Rối loạn đọc: Khó khăn trong việc đọc, đánh vần, nói và nghe;
- Rối loạn viết: Khó khăn trong việc viết;
- Rối loạn tính toán: Khó khăn trong lĩnh vực lý luận toán học và tính toán.
Phụ huynh và giáo viên có vai trò quan trọng trong việc phát hiện trẻ bị rối loạn học tập để đưa đi khám và điều trị kịp thời. Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Hoàng Yến, các chuyên gia, bác sĩ sau khi thăm khám sẽ xác định trẻ bị rối loạn học tập thuộc mức độ nào, từ đó có phương án điều trị và can thiệp phù hợp. Cụ thể, rối loạn học tập được chia thành 4 mức độ khác nhau:
- Mức độ nhẹ: Gặp một số khó khăn trong việc học các kỹ năng ở một hoặc hai lĩnh vực học tập, nhưng cá nhân có thể bù đắp hoặc hoạt động tốt khi được cung cấp các điều kiện thích hợp hoặc dịch vụ hỗ trợ.
- Mức độ trung bình: Khó khăn trong một hoặc nhiều lĩnh vực học thuật, do đó cá nhân khó có thể trở nên thành thạo nếu không có một khoảng thời gian giảng dạy chuyên sâu. Có thể cần dịch vụ hỗ trợ ít nhất một phần tại trường học, nơi làm việc hoặc tại nhà để hoàn thành các hoạt động một cách chính xác và hiệu quả.
- Mức độ nghiêm trọng: Khó khăn nghiêm trọng trong việc học các kỹ năng, lĩnh vực học tập, cá nhân khó có thể học các kỹ năng đó nếu không được giảng dạy chuyên sâu và cá nhân hóa liên tục. Cá nhân có thể không thể hoàn thành tất cả các hoạt động một cách hiệu quả.
“Việc điều trị chủ yếu sẽ tập trung vào các kỹ năng học tập, có thể bao gồm điều trị các rối loạn tâm thần khác liên quan như lo âu, trầm cảm… Việc điều trị cần diễn ra trong phòng tâm lý chuyên khoa và môi trường giáo dục với sự kết hợp của các bác sĩ tâm thần nhi và chuyên gia tâm lý, giáo dục. Đặc biệt, chính các bậc phụ huynh và thầy cô là những người gần gũi với học sinh nên cần chú ý đến những bất thường về tư duy, ngôn ngữ để phát hiện sớm rối loạn học tập”, bác sĩ Hoàng Yến cho hay.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi