Bé trai âm ỉ đau bụng từ lúc 7 tuổi. Tuy nhiên, mãi đến năm 12 tuổi khi cơn đau nhiều, đại tiện ra máu, gia đình mới đưa con đến Bệnh viện K khám và được chẩn đoán mắc ung thư.
Ths.bs Hà Hải Nam hiện là Phó khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K Trung ương, Giảng viên bộ môn Ung thư, Đại học Y Hà Nội. Bác sĩ Nam tốt nghiệp...
Tưởng rối loạn tiêu hóa, đi khám phát hiện ung thư
Thạc sĩ, bác sĩ Hà Hải Nam - Phó trưởng khoa Ngoại bụng 1 (Bệnh viện K Trung ương) cho biết ung thư đại trực tràng là 1 trong 5 căn bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam. Ngoài vấn đề liên quan đến lối sống, thói quen sinh hoạt không hợp lý, căn bệnh này có yếu tố di truyền khá điển hình.
Để minh chứng cho điều đó, bác sĩ Hải Nam cho biết tại khoa đã tiếp nhận những trường hợp trẻ còn rất nhỏ mắc ung thư đại trực tràng. Theo đó, bệnh nhi nhỏ tuổi nhất mới 8-9 tuổi, một số trường hợp khác mắc bệnh khi đang học cấp 2 hoặc cấp 3.
Bác sĩ Nam chia sẻ anh đã trực tiếp thăm khám và phẫu thuật cho một bé trai mới 12 tuổi, mắc căn bệnh này. Đáng nói, từ khi mới 7-8 tuổi, trẻ đã bị rối loạn tiêu hóa nhưng mẹ nghĩ chỉ là do ăn uống rồi tự mua thuốc điều trị. Đến khi triệu chứng kéo dài, gia đình đưa đi khám, được siêu âm nhưng bác sĩ lại cho rằng không có vấn đề nghiêm trọng, vì cháu đang tuổi lớn. Gần đây, khi trẻ bị đau quặn bụng nhiều, kèm theo đi ngoài ra máu, gia đình tiếp tục đưa đi khám và nghi ngờ bị ung thư nên đã chuyển đến Bệnh viện K Trung ương.
Bác sĩ Nam cho biết ung thư đại trực tràng có yếu tố di truyền nên trẻ có bất thường về tiêu hóa cần đi khám sớm.
Tại Bệnh viện K, sau khi thăm khám, chụp chiếu và làm các xét nghiệm cần thiết, bác sĩ Nam chẩn đoán bệnh nhi mắc ung thư, khối u đã chiếm ¾ đường kính ruột và bắt buộc phải phẫu thuật. “Trường hợp này đã phải phẫu thuật cắt bỏ gần 30cm, sau đó điều trị bằng hóa chất”, bác sĩ Nam cho hay.
Qua khai thác tiền sử gia đình, bố mẹ cháu bé chưa phát hiện ung thư, nhưng trước đó ông nội và bác trai đều mắc căn bệnh ung thư đại trực tràng. Do vậy, việc bé mắc bệnh nguyên nhân có thể là do yếu tố di truyền.
Một trường hợp khác, bác sĩ Nam cũng tiếp nhận và xử lý khi người bệnh mắc ung thư đại trực tràng lúc tuổi đời còn rất trẻ, đó là một nam sinh mới 17 tuổi, đến viện trong tình trạng đi ngoài ra máu. Ban đầu, gia đình nghĩ rằng cháu bị trĩ nhưng đi khám lại không phải, bởi trĩ rất ít gặp ở lứa tuổi này, nhất là nam giới.
Khi tới Bệnh viện K, các bác sĩ phát hiện nam sinh bị ung thư đại trực tràng đã di căn gan, khối u gây bán tắc, phải phẫu thuật và cho người bệnh đeo túi hậu môn giả. Sau khi điều trị hóa chất một thời gian, các bác sĩ đã xử lý lại lỗ hậu môn để cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
“Do bệnh nhân còn quá trẻ, nếu đeo túi hậu môn sẽ rất bất tiện, ảnh hưởng tâm lý, giảm chất lượng sống của người bệnh”, BS Nam cho hay. Được biết, trường hợp này cũng có bố và anh trai trước đó đều được xác định mắc bệnh ung thư trực tràng.
Rất nhiều trường hợp do phát hiện muộn ung thư đại trực tràng nên việc điều trị gặp khó khăn. Ảnh minh họa.
Đi khám ngay khi thấy dấu hiệu nghi ngờ ung thư đại trực tràng
Từ những trường hợp trên, bác sĩ Nam khuyến cáo người dân khi thấy những dấu hiệu sau, dù ở độ tuổi nào cũng nên đi khám để tầm soát nhằm phát hiện và điều trị kịp thời. Cụ thể:
- Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Bệnh ung thư đại trực tràng có biểu hiện ở mọi bộ phận liên quan đến đường tiêu hóa. Một số dấu hiệu thường gặp như hơi thở hôi, hay ợ hơi, ợ chua, đau tức vùng bụng trước hoặc sau khi ăn. Đau quặn bụng, đau râm ran là biểu hiện của rối loạn tiêu hóa do nhiễm khuẩn. Song một vài trường hợp, nó báo hiệu sự tồn tại của các khối u ở dạ dày - ruột.
Chán ăn, khó tiêu, đầy chướng bụng trên vùng rốn, ăn không ngon là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng. Tình trạng này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sút cân.
Trẻ bị rối loạn tiêu hóa bất thường kèm theo yếu tố gia đình có người bị ung thư đại trực tràng cần đi khám sớm. (Ảnh minh họa)
Người bị ung thư đại trực tràng bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày rất giống với triệu chứng bệnh lị. Tuy nhiên, người mắc bệnh lị có thể điều trị bằng cách dùng kháng sinh, còn loại thuốc này không có tác dụng với bệnh nhân ung thư đại trực tràng.
- Các rối loạn liên quan bài tiết phân: Đại tràng là cơ quan bài tiết phân trong quá trình tiêu hóa. Ở giai đoạn sớm, người bệnh thường hay bị chứng rối loạn đại tiện, bài tiết phân như đi táo, đi lỏng thất thường, tình trạng này kéo dài.
Ung thư đại trực tràng thường khiến người bệnh đau quặn, mót rặn, khó chịu khi đi ngoài, phân nhày mũi máu và phân nát, phân hình lá lúa (do phân phải đi qua khối u), đi xong vẫn muốn rặn tiếp.
- Phân mỏng, hẹp so với bình thường: Kích thước của chất thải cũng giúp phát hiện những bất thường trong hệ tiêu hóa. Tình trạng phân mỏng rất có thể do một vật cản giống như một khối u khiến phân bị chặn lại. Nếu phân có kích thước mỏng như một chiếc bút chì hoặc có hình lá lúa do phải đi qua khối u, cần đề cao cảnh giác.
- Xuất hiện máu trong phân: Đại tiện kèm máu đỏ tươi, nhỏ giọt, phủ lên phân. Một số trường hợp, ở giai đoạn cuối bệnh nhân còn thấy hậu môn trực tràng sa xuống, toàn thân gầy đi, số lần đại tiện tăng lên, khi táo bón, khi tiêu chảy.
Ngoài những dấu hiệu trên, nếu thấy cơ thể mệt mỏi, suy nhược, giảm cân bất thường hoặc sờ thấy khối u cục ở vùng dưới da, bụng chướng to… nên nhanh chóng đi khám để phát hiện bệnh (nếu có).
Để phòng bệnh, bác sĩ Hà Hải Nam khuyến cáo với những người trong gia đình có người thân ruột thịt như bố mẹ, ông bà, anh chị em ruột đã mắc bệnh, nên đi tầm soát sớm từ khi 15 đến 18 tuổi, kể cả không có triệu chứng. Ngoài ra, cần có thói quen ăn uống lành mạnh như hạn chế ăn mặn, hạn chế ăn thịt đỏ, không hút thuốc, uống rượu bia….
Tin liên quan
Dưa cà muối, kim chi, thịt nướng, giăm bông, thịt hun khói, thực phẩm chế biến sẵn... là những món ăn quen thuộc với người Việt nhưng nếu ăn...
Tết với mọi người là giây phút đoàn viên, sum họp bên gia đình. Nhưng với những đứa trẻ không may mắc ung thư, Tết chỉ là thời gian tạm nghỉ...
Cách đây không lâu, một cặp vợ chồng đến từ Thái Châu cùng lúc phát hiện mắc ung thư đại trực tràng. Nguyên nhân đến từ việc cả hai đều có...
Cha mẹ cần chú ý khi trẻ có những biểu hiện như thường xuyên đau bụng, có máu trong phân… cần phải đưa trẻ đến bệnh viện kiểm tra.
Tin bài cùng chủ đề Ung thư đại trực tràng
Dù đang khỏe mạnh nhưng người đàn ông vẫn chủ động đi khám sức khỏe, kết quả cho thấy có tổn thương tiền ung thư. Bác sĩ cho biết, trường hợp này quá may mắn, nếu không phát hiện sớm nguy cơ...
Bệnh ung thư khác