Theo các bác sĩ, những ngày thời tiết nắng nóng gần đây, số lượng trẻ sơ sinh nhập viện tại các khoa sơ sinh có dấu hiệu đông hơn so với ngày thường.
Theo bác sĩ Phan Thị Bạch Tuyết, chuyên khoa sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 2, làn da của trẻ em có 7 lớp da nhưng mỏng hơn chỉ bằng 1/5 da người lớn do đó tuyến mồ hôi và bã nhờn ít hoạt động hơn. Vào những ngày thời tiết nắng nóng như hiện nay, nếu chăm sóc không đúng cách, da trẻ sơ sinh sẽ rất dễ gặp mắc bệnh.
“Trẻ dưới 28 ngày tuổi được xem là trẻ sơ sinh. Đây là độ tuổi mà hàng rào bảo vệ da bị giới hạn, lớp da ngoài cùng của biểu bì mỏng hơn và các tế bào được sắp xếp ít chặt chẽ hơn so với da của người lớn. Bên cạnh đó, da trẻ ít có sức đề kháng và nhạy cảm đối với các tác động hóa học, vật lý và vi khuẩn, khô và nhạy cảm với tia UV cũng như tuyến mồ hôi và bã nhờn ít hoạt động. Hệ thống lưu thông máu ở da trẻ em thì chưa được định hình toàn diện nên chúng thích ứng với thay đổi nhiệt độ rất chậm bằng cách co giãn và co thắt mạch máu do đó da nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết và thời tiết khắc nghiệt”, BS Tuyết nói.
BS Bạch Tuyết chia sẻ về những sai lầm mà mẹ thường mắc phải khi chăm sóc trẻ sơ sinh vào ngày nắng nóng
Vì những lí do trên, BS Tuyết cho rằng nếu em bé nóng quá sẽ tăng thân nhiệt so với nhiệt độ môi trường bên ngoài nên người sẽ nóng như sốt, tắc tuyến mồ hôi làm viêm da, nhiễm trùng da. “Đặc biệt cần lưu ý tình trạng viêm da ở trẻ sơ sinh đặc biệt nguy hiểm hơn ở trẻ lớn vì dễ gây nhiễm trùng huyết”, BS Tuyết nhấn mạnh.
Theo đó, những bệnh thường gặp về da ở trẻ sơ sinh mùa nóng đó là: nổi rôm sảy, nốt dị ứng da, chàm da, ở nhiều bé còn xuất hiện tình trạng nổi mụn, mủ trên da nếu không tắm thường xuyên. “Tại khoa sơ sinh, nhiều trẻ đến khám vì viêm da, nhiễm trùng da, chàm da mà nguyên nhân là mẹ ủ ấm quá nhiều vào những ngày nắng nóng như hiện tại”, chuyên gia này cho biết.
Những bệnh thường gặp về da ở trẻ sơ sinh mùa nóng đó là: nổi rơm sẩy, nốt dị ứng da, chàm da, ở nhiều bé còn xuất hiện tình trạng nổi mụn, mủ trên da nếu không tắm thường xuyên.
“Lưu ý, việc phơi nắng để điều trị vàng da trong những ngày thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, tia UV ở mức cao như hiện nay là điều cực kì nguy hiểm đối với sức khỏe của bé”, BS Tuyết nói.
Để bảo vệ da trẻ sơ sinh, nữ BS cho rằng các mẹ nên giữ cho nhiệt độ xung quanh bé duy trì ở mức 26- 28 độ C vì trong thời tiết nắng nóng, da bé sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần giữ cho da trẻ sạch sẽ, có thể tắm nhiều lần trong ngày bằng nước ấm.
Cần thay quần áo cho con thường xuyên để tránh ủ mồ hôi, lựa chọn những trang phục rộng rãi, chất liệu thoáng mát. Những sản phẩm tắm, dưỡng da cho trẻ nên chọn những loại chiết xuất từ tự nhiên, dịu nhẹ với da trẻ.
“Nếu bé có những biểu hiện bất thường như sốt, bỏ bú, lừ đừ, vàng da sậm, tổn thương da ở lòng bàn tay, bàn chân, tổn thương ở niêm mạc trong miệng, da có những nhóm mụn mủ to, mụn nước, hay vết loét trên nền da đỏ, da có tổn thương dạng xuất huyết dưới da do nhiễm trùng huyết nặng hoặc do các bệnh dễ gây xuất huyết thì cần được đưa đến bệnh viện kịp thời”, nữ BS cho biết.
Bác sĩ Tuyết liệt kê những sai lầm mà các mẹ hay mắc phải khi chăm sóc da trẻ sơ sinh: - Quấn khăn và ủ bé quá chặt; - Không tắm cho trẻ vì sợ trẻ bị nhiễm lạnh; - Cho bé nằm than cùng mẹ; - Tắm nước lá cây, rượu bia vì nghĩ rằng như thế sẽ sạch hơn; - Sử dụng những sản phẩm có độc tố dễ dàng hấp thụ qua làn da non nớt của bé. |